Đó là thông tin được ông Đỗ Tuấn Khoa – phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang – cho biết trong họp báo về lễ kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 2024), diễn ra từ ngày 12-3 đến 17-3.
Theo ông Khoa, lễ kỷ niệm sẽ công bố thêm tư liệu quý, giá trị về khởi nghĩa Yên Thế. Trong đó có nhiều tư liệu, tài liệu, hiện vật được người Pháp lưu giữ, trao tặng cho phía Việt Nam.
Du khách tham quan có thể tới tìm hiểu tại Nhà trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế từ chiều 15-3.
Còn ông Trương Quang Hải – giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang – cho hay lễ cầu siêu do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức dự kiến diễn ra tại sân đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân. Khoảng 500 nhà sư, thượng tọa, hòa thượng, đại đức sẽ tham gia.
Lễ kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế, theo ông Hải, nhằm tri ân các vị thủ lĩnh cùng tinh thần bất diệt của nghĩa quân Yên Thế, đồng thời khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ độc lập tự do.
Điểm nhấn của lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật với chủ đề Bản hùng ca Yên Thế nhằm ca ngợi công lao của anh hùng Lương Văn Nắm (Đề Nắm) và Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) cùng các nghĩa quân Yên Thế anh dũng chiến đấu, chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang còn tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đình Hả và dâng hương tại đền thờ Lương Văn Nắm, lễ khánh thành công trình đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, các giải thể thao như đẩy gậy, bắn nỏ…
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, cuộc khởi nghĩa do Đề Nắm và Đề Thám lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa quy mô lớn nhất, rộng nhất, kéo dài tới gần 30 năm từ 1884 – 1913 để chống lại ách thống trị của thực dân Pháp.
Do vậy, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã bảo tồn, tôn tạo các địa điểm, di tích trong Khởi nghĩa Yên Thế như đình ba tầng mái, đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, đồn Phồn Dương, động Thiên Thai…
Tổng kinh phí được phê duyệt lên tới trên 450 tỉ đồng.
Dự kiến năm 2025, đồn Phồn Xương gắn với Khởi nghĩa Yên Thế sẽ được khôi phục với tường thành, bốt lính nhằm tái hiện chân thực nhất địa điểm lịch sử này.