Năm 2018, anh Nguyễn Tấn Lực (42 tuổi, trú thôn Nghĩa Tín, phường Quảng Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) rời TP Bình Dương để về Đắk Nông để thực hiện ước mơ sản xuất cà phê chồn đặc sản.
Sau hơn 3 năm, anh đã sở hữu cho mình 4ha đất rẫy cùng 40 con chồn hương, phục vụ việc sản xuất cà phê chồn, loại cà phê có giá đắt đỏ nhất hiện nay.
Sau 3 năm rời thành phố về quê, anh Lực đã tạo nên loại cà phê chồn đặc sản, có giá bán đắt đỏ nhất hiện nay. Ảnh: N.H
Anh Lực chia sẻ, trước đây anh có hơn 10 năm làm nhân viên cho một công ty tại TP Thủ Dầu Một. Có lần anh được một người bạn rủ uống cà phê chồn, loại cà phê có vị đặc trưng, nhưng giá đắt đỏ, gần nửa triệu một ly. Trong lúc ngâm nhi ly cà phê, đã cho anh ý tưởng sản xuất cà phê chồn.
Sau đó, anh Lực đã quyết định từ bỏ công việc lương cao tại thành phố, chuyển về tỉnh Đắk Nông để thực hiện ước mơ. Tại đây, sau khi được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, từ 4 chồn hương giống ban đầu đến nay anh đã phát triển lên đến 40 con giống.
Anh Lực chọn hái những quả cà phê chín mộng để cho chồn ăn. Ảnh: N.H
Theo anh Lực, thời tiết tại Đắk Nông ôn hòa, thuận lợi cho việc nuôi chồn. Hơn nữa, đây là loại động vật dễ nuôi, ít bệnh và dễ chăm sóc. Mỗi ngày, chồn hương ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. Nguồn thức ăn chính của chồn là các trái cây.
Chồn hương được nuôi để sản xuất ra loại cà phê đặc sản, đắt đỏ. Ảnh: N.H
Anh Nguyễn Tấn Lực tâm sự: “Hiện tại, với số cà phê trong vườn, đủ để làm thức ăn cho chồn. Vào mùa, tôi không thu đại trà, chỉ thu hoạch từng cây, cố gắng duy trì nguồn thức ăn cho chồn. Khi cho chồn ăn, phải chọn những trái cà tươi, chín mọng và chắc hạt. Sau đó, loại trái cây này phải được rửa sạch, trước khi đưa vào cho chồn hương ăn.
Những quả cà phê chín mọng được chọn lọc, làm thức ăn cho chồn. Ảnh: N.H
Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc cà phê, gia đình anh Lực không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ bón phân vi sinh, hữu cơ. Cà phê phải chín đạt trên 90% thì mới thu hái, làm thức ăn cho chồn”.
“Một con chồn hương tiêu thụ khoảng 30-35g cà phê tươi. Sau quá trình lên men tự nhiên trong bụng, hạt cà phê sẽ được chồn thải ra bằng đường tiêu hóa, mang hương vị đặc trưng của cà phê chồn. Mỗi ngày tôi sẽ thu hoạch cà phê nhân một lần, sau đó phơi dưới nắng tự nhiên khoảng 3-4 ngày rồi mới tách bỏ lớp vỏ trấu bao bọc xung quanh nhân. Trung bình mỗi vụ cà phê, một con chồn cho thu hoạch được khoảng 2-3 kg cà phê chồn thành phẩm”, anh Lực chia sẻ quá trình sản xuất ra loại cà phê đắt đỏ nhất hiện nay.
Anh Lực cho chồn ăn những quả cà phê chín được chọn lọc kĩ càng. Ảnh: N.H
Theo anh Lực, mỗi vụ cà phê gia đình anh thu hoạch được hơn một tạ cà phê chồn, với giá bán hiện nay là khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/kg đối với cà phê thô. Riêng cà phê bột, đóng gói và có bao bì, nhãn mác sẽ dao động khoảng 7-8 triệu đồng/kg tùy từng thời điểm.
Sau quá trình lên men tự nhiên trong bụng, hạt cà phê sẽ được chồn thải ra bằng đường tiêu hóa. Ảnh: N.H
Ngoài việc tạo cà phê đặc sản, mỗi năm anh Lực đã bán ra thị trường khoảng 100 con chồn hương giống, 400 con chồn thịt và 1,2 tạ cà phê chồn thành phẩm, thu nhập khoảng một tỷ đồng. Tuy giá luôn ở mức cao nhưng hiện nay trại chồn hương của anh Lực luôn “cháy hàng”, không đủ số lượng cung ứng cho khách.
Hiện nay, giá bán mỗi kilogam cà phê thô khoảng 2,5 – 3 triệu đồng. Riêng cà phê bột, đóng gói và có bao bì, nhãn mác sẽ dao động khoảng 7-8 triệu đồng/kg tùy từng thời điểm. Ảnh: N.H
Theo UBND phường Quảng Thành (TP Gia Nghĩa), mô hình sản xuất cà phê chồn của anh Lực rất độc đáo, cho thu nhập cao và có thể nhân rộng, góp phần làm đa dạng hóa loài vật nuôi trên địa bàn. Mô hình sản xuất mới này hiện cũng đang thu hút nhiều cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh đến để học tập kinh nghiệm.