Tiềm năng đáng trân quý
Sau một thời gian kiện toàn các chức danh trong bộ máy nhà nước cấp Trung ương, đến đầu năm 2024, tổng số đại biểu Quốc hội còn 492, trong đó nữ vẫn 1à 151 đại biểu, chiếm 30,69% (đầu khóa là 30,26%). Trong nhiệm kỳ này, tất cả nữ đại biểu Quốc hội đều có trình độ đại học trở lên, trong đó có 119 đại biểu có trình độ trên đại học, bằng 78,80% tổng số nữ đại biểu, đa số nữ đại biểu có trình độ trên đại học), trong đó có 98 thạc sĩ, 21 tiến sĩ, 1 giáo sư, tiến sĩ, 4 phó giáo sư, tiến sĩ; có 54 nữ đại biểu có chuyên môn pháp luật, bằng 35,76% tổng số nữ đại biểu; 31 nữ đại biểu có 2-3 chuyên môn nghiệp vụ; có 55 nữ đại biểu tái cử, bằng 36,42% tổng số nữ đại biểu (trong đó có 14 đại biểu tham gia từ 3 khóa đến 6 khóa).
Có 18 nữ đại biểu tham gia Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (chiếm 32,72% tổng số lãnh đạo các cơ quan này). Có 27 nữ đại biểu trẻ (40 tuổi trở xuống, trẻ nhất là đại biểu sinh năm 1997). Có 141 nữ đại biểu có trình độ cao cấp lý luận chính trị hoặc cử nhân chính trị, bằng 93,38% tổng số nữ đại biểu, trong đó có 11 nữ đại biểu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2 nữ đại biểu tham gia Ban Bí thư, 1 nữ đại biểu tham gia Bộ Chính trị, 3 nữ đại biểu là Bí thư Tỉnh ủy, có 3 nữ đại biểu là thành viên Đảng đoàn – Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1 nữ đại biểu là Phó Chủ tịch nước; 2 nữ đại biểu là bộ trưởng – thành viên Chính phủ.
Đó là lực lượng rất đáng trân quý của Quốc hội. Thực ra trong tiềm năng đáng quý này cũng đã cho thấy một phần kết quả hoạt động thực tiễn của các nữ đại biểu. Vì trước đó có đạt được thành tích nhất định “đủ lượng, đủ chất” thì các nữ đại biểu mới được cử tri bầu làm đại biểu của dân, được các cơ quan, các cấp có thẩm quyền bầu, phê chuẩn giữ các chức danh quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể ở Trung ương.
Trách nhiệm, trí tuệ và xây dựng
Sau 3 năm hoạt động, tiềm năng đã dần dần trở thành năng lực thực sự của nữ đại biểu, thể hiện qua kết quả hoạt động, trong đó có số lượng ý kiến đóng góp và chất lượng các ý kiến phát biểu.
Về số lượng, trong thảo luận kinh tế – xã hội (một hình thức giám sát tối cao quan trọng của Quốc hội – xem xét báo cáo của các cơ quan nhà nước), nếu tại Kỳ họp thứ Hai, ý kiến của nữ đại biểu đã chiếm tới 38% thì đến Kỳ họp thứ Sáu đã tăng lên tới 48%, cho dù nữ đại biểu chỉ chiếm hơn 30% so với tổng số đại biểu Quốc hội. Cũng tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội tiến hành chất vấn tổng thể trên 4 lĩnh vực lớn: kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội. Ở lĩnh vực kinh tế tổng hợp, có 40% các chất vấn là của nữ đại biểu; ở lĩnh vực kinh tế ngành, tỷ lệ này là 48,3%; lĩnh vực nội chính, tư pháp là gần 43%; lĩnh vực văn hóa, xã hội và phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, các chất vấn của nữ đại biểu chiếm tới 60%. Tổng hợp cả 4 lĩnh vực, các chất vấn của nữ đại biểu là 48,71%.
Nói về chất lượng chất vấn, nữ đại biểu đã đưa ra nhiều câu hỏi sắc sảo, trí tuệ. Đơn cử như, “chỉ vì 42 km đường nối ở phía Đông thành phố chưa được đầu tư mà làm ngưng trệ giao thông trên các con đường đã hoàn thành nối với 42 km đường đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có giải pháp hữu hiệu nào để tháo gỡ tình trạng này?”; “Người làm chính sách tiền lương có nắm được thời gian làm việc của giáo viên mầm non không? Không phải chỉ 8 giờ hành chính mà là suốt ngày, suốt đêm; vậy Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lương cho chị em như thế nào để xứng đáng với công sức và thời gian lao động của họ?”; “Đã mắc bệnh là khổ sở về tinh thần, khó khăn về tài chính gia đình rồi, nhưng vào viện mà lại phải ra ngoài mua nhiều thứ thuốc đắt tiền, tốn kém, vậy Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ giải quyết, xử lý ra sao, bao giờ thì chấm dứt được tình trạng này?”… Những chất vấn như thế, không phải chỉ nêu vấn đề hay hỏi cho biết mà có tác động sâu sắc, thôi thúc các “tư lệnh” ngành, lĩnh vực phải vì công việc, vì trách nhiệm mà sáng tạo cách thức xử lý, giải quyết cho được vấn đề trong phạm vi quản lý, điều hành của mình.
Về chất lượng các ý kiến thảo luận kinh tế – xã hội, khó có thể diễn đạt đầy đủ được sự phong phú, đa dạng của nữ đại biểu. Nhiều nữ đại biểu đã “ghi điểm” ngay từ buổi đầu. Bên cạnh sự mạnh dạn, thẳng thắn, trung thực là rất nhiều ý kiến có tính chuyên môn, nghiệp vụ có chất lượng cao. Chỉ riêng các ý kiến của các nữ đại biểu cũng đã cho thấy “bức tranh toàn cảnh” về các vấn đề kinh tế – xã hội khá rõ nét, những “gam màu” khác nhau giữa các vùng, miền và ngay trong một vùng, một miền. Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội mà đất nước đã đạt được trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm, các nữ đại biểu đã phát hiện những mâu thuẫn, những khó khăn mà trong điều hành Chính phủ phải lưu ý.
Đơn cử như, một số nữ đại biểu của các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Bình Định và Quảng Bình phát hiện vấn đề rất thực tế: chủ trương đúng đắn của Nhà nước là phải kích hoạt thị trường lao động sau đại dịch Covid – 19, tạo nhiều việc làm thu hút tối đa các nguồn lao động, nhưng trong bối cảnh các “véc-tơ” tác động không cùng chiều tạo ra “cơ chế đào thải” mạnh hơn “cơ chế thu hút” lao động (sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, không có việc làm, thì khó có thể tiếp nhận thêm nhân lực; hàng năm có cả hàng vạn thanh niên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề mà ít có nơi thu nhận, nguy cơ thất nghiệp đến rất gần, lại đang trong thời kỳ giảm đồng loạt 10% biên chế ở các cơ quan hành chính nhà nước và sự nghiệp công, phải cắt giảm nhiều chỗ làm việc, do vậy khó có thể tuyển dụng mới…). Với bối cảnh như thế, Chính phủ, các ngành phải có sách lược, kế hoạch thật cụ thể, thật chi tiết, xử lý khéo các trường hợp đan xen nhau… thì chủ trương tạo việc làm, toàn dụng sức lao động, tạo sinh kế cho người dân mới thành hiện thực như mong muốn…
Một nữ đại biểu của một tỉnh miền núi đã nêu ý kiến khi đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sau gần ba năm triển khai thực hiện. Đại biểu nói, một số tỉnh vùng núi cao thường có ít nhất 6 cái nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch thấp nhất, đường giao thông đi lại khó khăn nhất, tỷ lệ người trong độ tuổi đi học còn mù chữ cao nhất, tổng vốn đầu tư thấp nhất, và bao trùm là tỉnh thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhất. Cử tri rất kỳ vọng và mong chờ Đề án này, nhưng tốc độ tiển khai có phần chậm chạp… Các bộ, ngành được phân công các phần việc cần khẩn trương, rốt ráo đẩy nhanh tiến độ để đạt được mục tiêu của Đề án và đáp ứng nguyện vọng tha thiết của người dân…
Khi nói về nguyên nhân những hạn chế của giáo dục đại học, cao đẳng, một số nữ đại biểu công tác trong ngành giáo dục đã tham khảo thông tin nước ngoài, tính toán, tổng kết và đưa ra những con số có sức thúc đẩy suy nghĩ và hành động: Nữ đại biểu là Giám đốc một Học viện quốc gia cho biết, ở nhiều nước đầu tư cho riêng giáo dục đại học bằng 1% GDP, trong khi ở nước ta chỉ bằng 0,25% (bằng 1/4 so với các nước) mà quy mô GDP nước ta còn rất “khiêm tốn”. Một nữ đại biểu là Hiệu trưởng một Trường Cao đẳng Y khoa cũng cho biết, chi phí đào tạo nhân lực y tế chỉ bằng 1/10 so với quốc tế, mà nguồn lực tài chính là vô cùng quan trọng.
Một nữ đại biểu trẻ miền Trung phát biểu như một chuyền đề về ứng dụng công nghệ thông tin và nhận xét, có quá nhiều phần mềm mà không kết nối được, rất cần rà soát điều chỉnh lại cho thống nhất để có thể truy cập được…
Phát biểu của một số nữ đại biểu các tỉnh Tây Nam Bộ lại như một “phát hiện”: đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo, vựa cá tôm – thủy sản của cả nước, mà chất lượng cuộc sống của người dân lại thấp so với nhiều vùng, trong đó có nguyên nhân là việc phân chia lợi nhuận giữa các nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp…) chưa thật hợp lý, phần thiệt lại chính là nhà nông. Đây cũng là vấn đề phải được xử lý, càng sớm, càng tốt…
Có thể nói các ý kiến, các phát biểu của nữ đại biểu đều có trách nhiệm, có hàm lượng “chất xám”, trí tuệ cao và đầy tính xây dựng, rất nhiều vấn đề được Thủ tướng giải trình, tiếp thu. Có ưu thế về số lượng, về trình độ học vấn, trình độ chính trị và bề dày kinh nghiệm công tác, lại kế thừa được kinh nghiệm quý báu của các nữ đại biểu những khóa trước, chắc chắn các nữ đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ còn có những đóng góp xứng đáng, to lớn hơn nữa công sức, trí tuệ cho hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới.