Đây là nội dung chính trong bản tin được Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) mới công bố. Tuy nhiên, El Nino không phải là nguyên nhân chính gây ra nắng nóng gay gắt, bất thường và kéo dài suốt tháng 2.
Không chỉ ban ngày mà nhiệt độ ban đêm cũng ở mức cao kỷ lục trong tháng 2 ở nhiều quốc gia trên khắp châu Phi. Đặc biệt ở khu vực nam Phi nhiệt độ cao hơn mức trung bình tháng 2 từ 4 – 5°C.
Điều tương tự cũng được ghi nhận tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Myanmar, Philippines và Thái Lan. Đáng kể nhất là tại Saravanh ở nam Lào ghi nhận nhiệt độ 38,2°C vào ngày 21.2; nơi mà nhiệt độ trung bình tháng 2 khoảng 31 – 32°C.
Nhiều địa điểm ở miền nam và miền đông Trung Quốc cũng như ở Nhật Bản cũng ghi nhận những kỷ lục mới về nhiệt độ trong những ngày từ 18 – 20.2.
Tuy nhiên, “chảo lửa” thật sự ở nam bán cầu phải kể đến nước Úc. Trong tháng 2, tại thành phố Perth 7 lần ghi nhận mức nhiệt đạt tới 40°C, mức cao nhất so với bất kỳ tháng nào trong năm.
Đáng kể hơn tại thị trấn Carnarvon có nhiệt độ lên tới 49,9 °C vào ngày 18.2. Đây là một kỷ lục mới của trạm đo này và là mốc nhiệt độ tháng 2 cao thứ hai được ghi nhận ở nước Úc. Còn tại trạm Emu Creek mức nhiệt kỷ lục là 49,1°C được ghi nhận vào ngày 22.2. Đáng chú ý không kém, đây cũng là nơi có 4 ngày liên tiếp (từ ngày 17 – 20.2) ghi nhận nhiệt độ từ 48°C trở lên – lần đầu tiên xảy ra tại xứ sở chuột túi.
Tại Nam Mỹ, nhiệt độ cao và hạn hán kéo dài ở một số khu vực đã dẫn đến nạn cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử vào tháng 2 ở Brazil và Chile. Có hơn 132 người được cho là đã thiệt mạng và hơn 20.000 người bị ảnh hưởng vì cháy rừng. Hơn 6.000 ha đất bị thiêu rụi do hỏa hoạn kinh hoàng.
Trong khi “nắng cháy” nam bán cầu thì ở phần còn lại mùa đông ấm hơn bình thường. Cụ thể, phần lớn châu Âu (trừ Bắc Âu) có nhiệt độ trung bình tháng 2 ấm hơn bình thường ít nhất 2°C, thậm chí một số khu vực như Đông và Nam Âu nhiệt độ cao hơn so với bình thường ở mức 4 – 6°C.
Ngoài ra, sự cực đoan của thời tiết cũng được ghi nhận ở nhiều nơi như phần lớn vùng tây bắc Canada, Trung Á, từ miền trung nam Siberia đến đông nam Trung Quốc đã chứng kiến đợt lạnh đặc biệt trong tuần cuối cùng của tháng 2.
Chuyên gia khí tượng Alvaro Silva, của WMO cho biết: Nhiệt độ gia tăng một cách bất thường từ tháng 6.2023. Tính luôn tháng 1.2024 thì liên tục 7 tháng nhiệt độ toàn cầu hàng tháng đều lập kỷ lục mới (so với trung bình những năm trước). Nhiệt độ bề mặt biển toàn cầu cao kỷ lục. El Niño là nguyên nhân làm tăng nhiệt độ ở một số nơi trên thế giới. Còn nguyên nhân chính của tình trạng này là do biến đổi khí hậu mà con người gây chính là tác nhân.
Nam bộ lập kỷ lục mới về nhiệt độ trong tháng 2
Tại Nam bộ, mức nhiệt lịch sử được ghi nhận trong tháng 2 là 37°C tại Biên Hòa (Đồng Nai), năm 2016 và 2020. Nhưng tháng 2.2024, kỷ lục mới về nhiệt độ cao nhất lên tới 38°C cũng tại Biên Hòa, ngày 15.2.
Ngoài ra, nắng nóng diện rộng cũng bắt đầu từ ngày 9.2 và kéo dài gần như suốt tháng trên diện rộng, nhiều nơi đặc biệt ở miền Đông Nam bộ thường xuyên đạt mức nhiệt 36 – 37°C. So với nhiều năm, nắng nóng sớm và gay gắt hơn khoảng 1 tháng.
(Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ)