Theo báo cáo mới nhất về phụ nữ trong Quốc hội của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), tỷ lệ đại diện nữ trong Quốc hội đã tăng lên tới 26,9% sau các bầu cử và bổ nhiệm trong năm.
Phụ nữ Rwanda tại cuộc họp của đảng chính trị Mặt trận yêu nước Rwanda (RPF). |
Bảng xếp hạng của IPU cho thấy một thực trạng rằng phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong phần lớn nghị viện trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ ngày càng tăng, hiện chiếm hơn 1/4 tổng số nghị sĩ toàn cầu.
IPU cho biết, mức tăng trưởng năm 2023 tương tự so với năm 2022, nhưng chậm hơn so với hai năm trước.
Rwanda một lần nữa dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới với phụ nữ chiếm 61,3% số ghế trong Hạ viện, tiếp theo là Cuba và Nicaragua với lần lượt là 55,7% và 53,9%.
Trong khi Mexico cũng có nhiều phụ nữ làm nghị sĩ hơn nam giới, Andorra và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đạt được sự cân bằng giới trong Quốc hội. Đáng chú ý, Quốc hội Oman, Yemen và quốc đảo Tuvalu ở Thái Bình Dương lại không có đại diện nữ.
Xét theo khu vực, châu Mỹ duy trì vị thế có tỷ lệ phụ nữ tham gia cao nhất, ở mức 35,1%.
Báo cáo của IPU lưu ý rằng một số nữ lãnh đạo cấp cao đã rời bỏ chính trường vào năm 2023, nhiều người trong số họ cho rằng tình trạng kiệt sức và nạn quấy rối trực tuyến ngày càng gia tăng là lý do chính dẫn đến quyết định “ly hôn” của họ.
Vào đầu năm ngoái, bà Jacinda Ardern từ chức Thủ tướng New Zealand và quyết định không tái tranh cử vào ghế nghị sĩ Quốc hội. Vài tháng sau, thất bại trong cuộc bầu cử tháng 4, bà Sanna Marin, cựu Thủ tướng Phần Lan cũng từ chức nghị sĩ và quyết định rời bỏ chính trường. Một số nữ nghị sĩ nổi tiếng của Hà Lan cũng từ chức.
Cũng theo báo cáo của IPU, một số Quốc hội đã tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường các biện pháp an toàn, chẳng hạn như Althingi (Quốc hội quốc gia) của Iceland đã thông qua chiến lược và kế hoạch hành động chống bắt nạt, quấy rối tình dục và giới tính.
Theo báo cáo mới nhất của IPU, Việt Nam đứng thứ 63 với tỷ lệ nữ chiếm 30,6% ghế trong Quốc hội. |