Cầu treo dây văng đầu tiên do ngành GTVT Việt Nam thiết kế thi công tại Quảng Trị là cây cầu “khớp nối” QL9 đoạn qua xã Đakrông (huyện Đakrông) với tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn Đakrông – A Lưới. Cầu Đầu Mầu đã được xây dựng kết cấu vòm hai chiều, hiện còn khá nguyên vẹn bên cầu Đầu Mầu mới trên QL9 đoạn qua huyện Cam Lộ.
Cầu Đầu Mầu cũ với kết cấu vòm 2 chiều còn khá nguyên vẹn bên cầu Đầu Mầu mới bên QL9
Cầu treo Đakrông nằm tại Km 249+824 – điểm đầu đường Hồ Chí Minh (Đông Trường Sơn) đoạn Đakrông đi A Lưới được xây dựng năm 1973, cuối năm 1974 đưa vào sử dụng phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên và Tổng tiến công mùa Xuân 1975.
Ngày 25/2/1999, cầu treo Đakrông bị sập sau hơn 23 năm sử dụng nhưng không gây thiệt hại về người và phương tiện. Đến ngày 27/2/1999, đoàn kiểm tra của Bộ GTVT do Thứ trưởng thường trực Phạm Quang Tuyến dẫn đầu và Sở GTVT Quảng Trị có mặt tại hiện trường kiểm tra và xác định chủ trương làm cầu tạm, bảo đảm giao thông, đồng thời kiểm tra công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu mới.
Theo Sở GTVT Quảng Trị, thực hiện chủ trương của Bộ GTVT, Sở đã tập trung lực lượng các đơn vị trong ngành khẩn trương thi công cầu tạm bảo đảm giao thông. Cầu tạm đợt một do Công ty Công trình giao thông Quảng Trị và Đoạn Quản lý đường bộ 2 Quảng Trị phối hợp thi công, hoàn thành thông xe ngày 7/3/1999. Do lũ lụt, cầu tạm bị trôi phải làm đi làm lại lần thứ 3.
Ngày 22/4/1999, Bộ GTVT quyết định cho xây dựng lại cầu Đakrông. Cầu Đakrông mới xây dựng có chiều dài 173,9m, rộng 9m, tải trọng H18 – XB60 với dạng cầu treo dây văng. Đây là cầu treo dây văng đầu tiên do ngành GTVT Việt Nam thiết kế thi công. Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) được giao nhiệm vụ thiết kế và Cienco4 chỉ định thi công.
Ngày 16/5/2000, cầu treo Đakrông hoàn thành đúng dịp Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ thông xe được tổ chức long trọng trong niềm phấn khởi của nhân dân và niềm tự hào của những người thợ cầu.
Cầu Đầu Mầu cũ có cấu trúc độc đáo, 2 bên vòm giữa cầu như cánh chim đang bay tuyệt đẹp
Trước đó, năm 1996, cầu Hiền Lương mới trên QL1 được khởi công xây dựng bằng công nghệ đúc đẩy của Cộng hoà Liên bang Nga lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Cầu Hiền Lương mới có chiều dài 230m, rộng 11m, được đưa vào sử dụng năm 2000.
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Bộ GTVT, năm 2003, công trình cầu Hiền Lương (xây dựng năm 1952) được khôi phục xây dựng lại và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2004. Đây là cây cầu chứng kiến việc chia cắt đất nước sau ngày hoà bình lập lại năm 1954. Ngành GTVT Quảng Trị đã bàn giao cầu Hiền Lương năm 1952 cho ngành Thông tin – Văn hoá quản lý đưa công trình vào cụm di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương.
Tại tỉnh Quảng Trị, trong giai đoạn 1975 – 1989, nền mặt đường tuyến QL9 đoạn từ Đầu Mầu đến Lao Bảo được mở rộng cải tạo các đoạn cua ngoặt, dốc lớn, toàn bộ mặt đường được rải nhựa rộng 7m; cầu cống đều được khôi phục, xây dựng vĩnh cửu hoặc bán vĩnh cửu.
Trong đó, có một số cầu đòi hỏi kỹ thuật phức tạp như cầu Đầu Mầu được xây dựng kết cấu vòm hai chiều…
Cũng trên tuyến QL9, ngoài các cầu yếu như: Sa Mưu, Khe Xốm, Xalaman, cầu Bai… được khởi công từ năm 1993 và đến đầu năm 1996 hoàn thành đưa vào sử dụng. Bộ GTVT đã đầu tư nâng cấp QL9 giai đoạn 1 và hoàn thành năm 2001; tiếp tục đầu tư nâng cấp QL 9 giai đoạn 2, làm mới các cầu Đầu Mầu, cầu Khe Van, cầu Rào Quán, cầu A Trùm… hoàn thành vào cuối năm 2005.
Cầu Đầu Mầu là một trong những cây cầu đã được xây dựng trên “đất lửa” Quảng Trị đòi hỏi kỹ thuật phức tạp
Cầu Đầu Mầu nằm tại Km 25+430 QL9
Một nửa vòm cầu nhìn hướng Đông Hà lên Bảo
… và hướng Lao Bảo – Đông Hà
Cầu Đầu Mầu vòm 2 chiều bên trụ cầu cũ vào cầu Đầu Mầu mới
Cầu treo Đakrông bắc qua sông Đakrông
Cầu treo Đakrông nằm tại Km 249+824 – điểm đầu đường Hồ Chí Minh (Đông Trường Sơn) đoạn Đakrông đi A Lưới
Đây là cây cầu “khớp nối” QL9 đoạn qua huyện Đakrông với tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn Đakrông – A Lưới
Cầu treo Đakrông là cây cầu dây văng đầu tiên do ngành GTVT Việt Nam thiết kế thi công
Cầu Hiền Lương mới bắc qua sông Bến Hải
Cầu Hiền Lương mới trên QL1 qua Quảng Trị được khởi công xây dựng bằng công nghệ đúc đẩy của Cộng hoà Liên bang Nga lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam
Cầu Hiền Lượng mới được xây dựng phía thượng lưu cầu Hiền Lương cũ – là cây cầu chứng kiến việc chia cắt đất nước sau ngày hoà bình lập lại năm 1954