Theo quy định chung của Bộ GD&ĐT, học sinh khi hoàn thành bậc tiểu học sẽ không phải thi vào lớp 6 (THCS) mà được xét tuyển sinh theo các tiêu chí về chỗ ở, bảng điểm học bạ…
Những năm trước đây ở TP HCM chỉ có trường Trần Đại Nghĩa tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực do số lượng hồ sơ quá lớn so với chỉ tiêu xét tuyển.
Tuy nhiên, theo thông tin từ một số trường THCS ở TP HCM thì năm 2024 này, nhiều trường sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực cho lượng hồ sơ dự kiến cao hơn quá nhiều so với chỉ tiêu. Đây là thông tin khiến nhiều phụ huynh lo lắng, đứng ngồi không yên vì có thể ảnh hưởng tới trường học dự kiến của con em mình.
Anh Nguyễn Huy Dũng, ngụ ở TP Thủ Đức, một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 6 cho biết thay vì xét tuyển, một số trường điểm sẽ thi tuyển. “Những năm trước học sinh chỉ nộp hồ sơ, bảng điểm của năm học lớp 5 và một số chứng chỉ ngoại ngữ, giải thưởng… là được xét tuyển vào trường thì năm nay có thể phải thi đánh giá năng lực. Mà tôi cũng chưa biết thi đánh giá năng lực sẽ như thế nào, thi những nội dung kiến thức gì nữa để định hướng cho con ôn luyện”, anh Dũng cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường ở khu vực trung tâm có mật độ cư dân cao, số lượng hồ sơ nộp vào đông (thường là trường có chất lượng đào tạo tốt) trong khi chỉ tiêu nhà trường lại có hạn. Như trường Trần Đại Nghĩa (quận 1) có chỉ tiêu khoảng hơn 500 học sinh lớp 6 trong khi số hồ sơ nộp vào gần 5.000 khiến cho nhà trường bắt buộc tổ chức thi đánh giá năng lực những năm trước để sàng lọc hồ sơ. Đây cũng là trường duy nhất thường xuyên tổ chức thi tuyển chọn lọc lớp 6 trong nhiều năm.
Kỳ thi này của trường Trấn Đại Nghĩa thường gồm 2 phần (100 điểm) với phần trắc nghiệm 20 câu hỏi bằng tiếng Anh (40 điểm) và phần tự luận (60 điểm) gồm có thông tin tổng hợp tiếng Anh, toán, khoa học, làm văn… Căn cứ vào điểm thi này cùng hồ sơ, nhà trường sẽ quyết định học sinh nào trúng tuyển.
Được biết, hiện năm 2024 này không chỉ riêng trường Trần Đại Nghĩa mà thêm nhiều trường khác có thể phải tổ chức thi như vậy để sàng lọc thí sinh. Dù phương án chính thức chưa được Sở GD&ĐT TP HCM công bố nhưng bên cạnh một số phụ huynh băn khoăn lo lắng, nhiều người lại đồng tình ủng hộ.
Theo đó, phụ huynh cho rằng nếu nhu cầu quá cao thì cần phải thi để sàng lọc thí sinh tốt nhất nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào bởi những tiêu chí phụ xét tuyển thường khá mơ hồ, khó so sánh. Đặc biệt là chủ trương không chấm điểm, không áp lực điểm số của học sinh tiểu học những năm vừa qua khiến bảng điểm không phản ánh thực chất, chính xác chất lượng học tập của các em so với một bài thi về đánh giá năng lực ở nhiều kiến thức tổng hợp.
Có thể nói, trong khi chờ đợi phương án chính thức tuyển của Sở GD&ĐT TP HCM (dự kiến có trong tháng 3), các phụ huynh tiếp tục đôn thúc con em mình học tập tốt, chuẩn bị kỹ kiến thức cần thiết để có thể đạt được những mong ước trong học tập.