Láng giềng nhìn thấy mà ham
Tại một diễn đàn kinh tế diễn ra vào tháng 2-2024, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tiết lộ Chính phủ Singapore đã giải ngân gần 3 triệu USD để tài trợ cho nữ ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift biểu diễn tại quốc gia này.
Đáng chú ý, điều kiện đi kèm là Taylor Swift không được biểu diễn ở những nước Đông Nam Á khác.
Thông tin Taylor Swift biểu diễn độc quyền tại Singapore khiến không ít người bất ngờ. Thậm chí đại diện của một số nước trong khu vực còn chỉ trích động thái của Singapore là “không thân thiện”.
Ông Thavisin khẳng định Thái Lan sẵn sàng chi tiền để làm điều tương tự: “Nếu tôi biết về điều này, tôi đã mang buổi biểu diễn đến Thái Lan”. Trong khi bà Joey Salceda, một nhà lập pháp Philippines, cho rằng hành động của Singapore “gây bất lợi cho những nước láng giềng” trong việc thu hút khách nước ngoài.
Vào ngày 5-3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chính thức lên tiếng về vụ việc. Ông bác bỏ nhận xét nói trên và nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận (với Taylor Swift) và đây là một thương vụ thành công. Tôi không nghĩ rằng đây là hành động thiếu thân thiện”.
Kinh tế Singapore thu lợi nhuận khủng
Đại diện Bộ Văn hóa và Hội đồng Du lịch Singapore khẳng định: “(Việc mời Taylor Swift đến biểu diễn) có khả năng tạo ra lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Singapore, đặc biệt là các hoạt động du lịch như kinh doanh khách sạn, bán lẻ, lữ hành và ăn uống – tương tự những nước mà cô ấy từng biểu diễn”.
Theo trang Business Insider (Mỹ), chi tiêu liên quan đến du lịch ở tất cả những nơi tổ chức The Eras Tour đều gia tăng đáng kể. Từ vé máy bay, chỗ ở, ăn uống cho đến một số mặt hàng bán lẻ như quà lưu niệm.
Hiện tượng này còn được gọi là “Swiftonomics”, ghép từ “Swift” trong tên của nữ ca sĩ và “economic” nghĩa là kinh tế.
Một số nhà kinh tế học ước tính, các buổi hòa nhạc của Taylor Swift tại Singapore mang lại cho quốc gia này doanh thu lên đến 372 triệu USD từ du khách.
Ông David Mann, giám đốc kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Mastercard, cho biết khả năng cao du khách đến xem Taylor Swift sẽ chi mạnh tay để mua sắm. Kể cả khi Singapore là một trong những nước đắt đỏ nhất thế giới.
Chính phủ Singapore đánh thuế 9% đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ, thế nên số tiền này còn được san sẻ cho kho bạc quốc gia.
Theo nhà kinh tế học Nomura Si Ying Toh, sự hiện diện của Taylor Swift và ban nhạc Coldplay (Anh) tại Singapore đóng góp đến 0,25% GDP của nước này trong quý đầu tiên của năm 2024.
Một mũi tên trúng hai đích
Kinh tế không phải là lĩnh vực duy nhất được hưởng lợi
Theo các chuyên gia, chuyến lưu diễn của Taylor Swift còn giúp Singapore xây dựng và quảng bá văn hóa cũng như hình ảnh quốc gia này.
Singapore không chỉ là một nơi để kinh doanh và tổ chức những sự kiện thương mại. Đây còn là một quốc gia thú vị, xứng đáng để du khách dành thời gian ghé thăm.
Ông Yun Liu, chuyên gia kinh tế của Công ty tài chính HSBC, nêu rõ trong một báo cáo hồi tháng 2: “Những buổi biểu diễn của các tên tuổi lớn nhất trong ngành âm nhạc đánh dấu sự chuyển mình của Singapore như một điểm đến du lịch”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Singapore Edwin Tong đã trả lời truyền thông địa phương rằng chính phủ nước này đang xem xét tác động vượt xa kinh tế của những buổi biểu diễn như vậy.
“Chúng tôi nhìn nhận vấn đề dưới góc độ xây dựng Singapore thành một trung tâm văn hóa sở hữu giá trị chiến lược mạnh mẽ”, ông Tong nói.
Cuối cùng, họ quyết định chi một số tiền khủng để mời nữ ca sĩ Taylor Swift.