Số liệu này được ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông, chiều 6/3.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, theo thông tin báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, đến tháng 9/2023, Việt Nam có 15 triệu thuê bao 2G.
“Các doanh nghiệp viễn thông hiện nay cũng đã gửi kế hoạch đến tháng 9/2024, Việt Nam sẽ hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Tuy nhiên, thực tế hiện nay số lượng thuê bao 2G giảm không nhanh, chỉ khoảng 1%/tháng“, ông Nhã nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, có rất nhiều nguyên nhân khiến số lượng thuê bao 2G giảm không nhanh như kỳ vọng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do điện thoại di động chỉ hỗ trợ 2G (2G Only) vẫn được tiếp tục hoà mạng, khoảng 35.000 máy/tháng.
Ông Nhã nêu rõ, Cục Viễn thông đã cùng doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu để rà soát, yêu cầu tất cả các thuê bao 2G Only sau ngày 1/3/2024 không được hoà mạng. Sau 3 ngày theo dõi, có khoảng 5.400 thuê bao 2G không được phép hoà mạng.
“Sau việc nhà mạng không cho phép hòa mạng mới với các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tôi hy vọng số thuê bao 2G tiếp tục giảm nhanh“, ông Nhã nói.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh, điều này cũng có nghĩa, với những máy điện thoại 2G Only đã lưu hành ở Việt Nam từ lâu và có chứng nhận hợp quy, người dùng vẫn có thể lắp SIM mới để hòa mạng bình thường.
“Chúng tôi cũng sẽ cùng các nhà mạng rà soát lại, đánh giá thực trạng và xem xét thêm những giải pháp như truyền thông, các nhà mạng hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G, dùng nguồn vốn công ích, đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ người dân chuyển sang điện thoại thông minh…“, ông Nhã chia sẻ.
Liên quan đến phát triển 5G, ông Nhã cho biết, Việt Nam đã thử nghiệm mạng 5G nhiều năm qua, doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống cũng đã có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, các dịch vụ viễn thông truyền thống đang được dịch vụ OTT dần thay thế, phát triển rất nhanh. Do vậy, theo ông Nhã, nhu cầu về tốc độ, chất lượng, dịch vụ mới chắc chắn cần được mở rộng.
“Quan điểm hạ tầng đi trước, dịch vụ mới đi kèm được. Các doanh nghiệp được tham vấn cho biết rất mong muốn triển khai mạng 5G này“, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nói.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông là trong 2 năm đầu, các doanh nghiệp sẽ triển khai 3.000 trạm 5G. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển các khu công nghiệp, những khu vực 4G đang nghẽn về lưu lượng.
Ngoài ra, ông Nhã cho rằng, 5G có các tính năng như tốc độ cao, độ trễ thấp, các nhà mạng sẽ tìm ra các cơ hội kinh doanh mới, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.