Đây là điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển các khu công nghiệp, những khu vực 4G đang nghẽn về lưu lượng như thành phố, khu vực đông dân cư.
Chiều 6-3, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ TT-TT, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, đến tháng 9-2023 Việt Nam có 15 triệu thuê bao 2G. Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông đã gửi kế hoạch đến tháng 9-2024 Việt Nam sẽ hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Cục Viễn thông tiếp tục theo dõi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nhã, thực tế hiện nay số lượng thuê bao 2G giảm không nhanh, chỉ 1%/tháng.
“Qua theo dõi có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu đến từ lượng thuê bao 2G Only vẫn được tiếp tục hòa mạng, khoảng 35.000 máy/tháng. Đây là nguyên nhân chính khiến số lượng thuê bao 2G giảm không nhanh như kỳ vọng,” ông Nhã chia sẻ.
Hiện tại, Cục Viễn thông đã cùng doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu để rà soát yêu cầu tất cả các thuê bao 2G Only sau 1-3-2024 không được hòa mạng. Sau 3 ngày theo dõi, đã có khoảng 5.400 thuê bao 2G không được phép hòa mạng.
“Sau việc nhà mạng không cho phép hòa mạng mới với các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT-TT đã công bố, chúng tôi hy vọng số thuê bao 2G sẽ giảm nhanh…”, ông Nhã cho biết.
Điều này cũng có nghĩa những thuê bao điện thoại cơ bản sử dụng công nghệ 4G với nhu cầu như pin lâu, chức năng đơn giản vẫn được hòa mạng bình thường. Việc này giải quyết nỗi lo ngại một số người sử dụng có nhu cầu chỉ sử dụng điện thoại cơ bản như gọi điện, nhắn tin.
“Chúng tôi cũng sẽ cùng các nhà mạng rà soát lại, đánh giá thực trạng và xem xét thêm những giải pháp như truyền thông, các nhà mạng hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G,…” ông Nhã chia sẻ.
Về phát triển mạng 5G, ông Nhã cho biết, Việt Nam đã thử nghiệm mạng 5G nhiều năm qua. Hiện tại, doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống cũng đã có xu hướng giảm. Các dịch vụ viễn thông truyền thống đang được dịch vụ OTT dần thay thế, phát triển rất nhanh. Do vậy nhu cầu về tốc độ, chất lượng, dịch vụ mới chắc chắn cần được mở rộng.
Ông Nhã cũng cho biết, trong năm 2 đầu tiên, các doanh nghiệp sẽ triển khai 3.000 trạm thu phát sóng 5G. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển các khu công nghiệp, khu vực 4G đang nghẽn về lưu lượng như thành phố, khu vực đông dân cư. Ngoài ra, 5G có các tính năng như tốc độ cao, độ trễ thấp, vì thế, các nhà mạng sẽ tìm ra các cơ hội kinh doanh mới, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, hiện nay, 172 triệu thuê bao tại Việt Nam đã được chuẩn hóa thông tin. Tuy nhiên, hiện tại vẫn phát sinh các cuộc gọi rác, lừa đảo. Cục đã kiến nghị với Bộ TT-TT và được các nhà mạng đồng thuận là dừng phát triển thuê bao ở một số đại lý. Do đó, số lượng thuê bao vào mạng sẽ ít đi khoảng 30%.
Cục Viễn thông cũng đang kiến nghị xây dựng một số chính sách cho phép các thuê bao này được đăng ký trực tuyến, mở ra cơ hội cho các nhà mạng phát triển các thuê bao mới nhưng đảm bảo thông tin chính xác và tiến tới thuê bao chính chủ.
TRẦN BÌNH