Có con trai chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm nay, anh Phạm Văn Thọ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, những ngày này, cả gia đình anh rất lo lắng, hồi hộp chờ thông tin công bố về môn thi thứ 4.
“Việc công bố môn thi thứ 4 vào tháng 3 là mốc thời gian quá sát ngày thi, khiến cả học sinh và phụ huynh áp lực khi phải phân bổ thời gian cho môn thi này trong giai đoạn nước rút”, anh Thọ nói.
Anh mong Sở GD&ĐT Hà Nội sớm công bố phương án thi chính thức và chỉ nên cho thi 3 môn thay vì 4 môn.
Đồng tình với quan điểm trên, chị Vân Anh (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, còn khoảng 3 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi chính thức, việc ôn tập 3 môn với các học sinh có học lực trung bình, khá rất vất vả. Nếu môn thi thứ 4 không phải môn thế mạnh, áp lực càng gia tăng lên học sinh.
Tại Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2024. Tuy nhiên đến thời điểm này, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa chốt số lượng môn thi.
Thống kê từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024-2025 dự kiến có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học 2023-2024. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển sinh vào các trường THPT công lập dự kiến không tăng, cuộc đua vào lớp 10 tới đây sẽ càng cam go, khốc liệt hơn.
Không nhất thiết thi 4 môn
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nói, ngoài 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ, không nên thi thêm môn thứ 4. Thậm chí nếu có thể “cải tiến” hơn nữa, chỉ cần thi Toán, Văn và bỏ môn Ngoại ngữ.
Trích dẫn lại tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, TS Lâm cho rằng, cần cố gắng giảm áp lực thi cử cho học sinh, biến việc học trở nên tự giác, vì sự phát triển của bản thân thay vì điểm số.
Trước đây, nhiều người thường quan niệm Văn, Toán và Ngoại ngữ là 3 môn học chính và quan trọng trong mọi kỳ thi. Để học sinh tránh học lệch, chúng ta có thêm sự xuất hiện của môn thi thứ 4. Tuy nhiên từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có hai môn bắt buộc là Văn và Toán.
Ngay cả lớp 12 cũng chỉ thi 2 môn và học sinh được lựa chọn thêm môn thi khác theo đúng sở thích và định hướng nghề nghiệp. “Vì vậy số lượng môn thi vào lớp 10 cũng cần tính toán lại để phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của xã hội”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Văn và Toán vốn là 2 môn học công cụ giúp rèn tư duy cho học sinh và quan trọng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ngoài 2 môn này, nếu đánh giá Ngoại ngữ là môn thực sự cần thiết thì có thể đưa vào kỳ thi. Với những môn còn lại, các trường cần tăng cường kiểm tra đánh giá chất lượng trong quá trình học. Điều tất yếu là khích lệ được học sinh học thực chất, tránh học đối phó.
“Việc giảm số lượng môn thi từ 4 môn xuống còn 3 môn giúp giảm áp lực đáng kể cho học sinh. Đồng thời cũng sẽ giảm việc học thêm tràn lan không cần thiết, tiết kiệm chi phí cho phụ huynh cũng như ngân sách Nhà nước cho công tác thi cử”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cũng cho hay, thực tế hiện nay ở các trường THCS nói chung và THCS Thái Thịnh nói riêng đều sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Dù thi 3 hay 4 môn, nhà trường và học sinh đều có thể đáp ứng.
“Thời điểm này, các thầy cô trong trường vẫn đang dạy học bình tĩnh. Nếu có môn thi thứ 4, trường sẽ có phương án dạy tăng cường cho môn thi đó, nhưng vẫn phải cán đích chương trình THCS toàn diện, đảm bảo không buông bỏ các môn không được chọn thi”, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cho biết.
Cũng theo thầy Nguyễn Cao Cường, việc Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến công bố số lượng môn thi vào tháng 3 là phù hợp, đảm bảo việc học sinh học đều các môn. Nếu công bố sớm quá, học sinh sẽ buông bỏ những môn còn lại, dẫn đến tình trạng học lệch, gây ra lỗ hổng kiến thức khi lên bậc THPT.
Số lượng môn thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh tại Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước công bố phương án tuyển sinh.
Một số địa phương đã quyết định giảm số lượng môn thi so với năm trước chỉ còn 3 môn như: Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Giang. Đây cũng là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Từ năm học 2025-2026, kỳ thi sẽ theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới.