Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia từ ngày 5/3.
Chuyến thăm Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân góp phần củng cố tình hữu nghị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đưa quan hệ hai nước bước sang một trang phát triển mới.
Quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển mạnh mẽ
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Australia và Việt Nam đã xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ và bền bỉ với lợi ích đa dạng và ngày càng tăng. Quan hệ song phương giữa hai nước tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ và hiện nay, Việt Nam được coi là một trong những đối tác song phương quan trọng nhất của Australia.
Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009, sau đó phát triển lên quan hệ Đối tác Toàn diện Tăng cường năm 2015. Trên nền tảng những thành quả đã đạt được và nhằm thúc đẩy hợp tác sâu rộng, thực chất hơn, hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào tháng 3/2018 và tiếp tục hướng tới tầm cao mới của quan hệ song phương.
Cựu Toàn quyền Peter Cosgove đã từng chia sẻ: “Australia tự hào có một người bạn là Việt Nam,” còn Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong từng khẳng định: “Australia mong là một đối tác tốt hơn của Việt Nam.”
Theo Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành, điều đáng trân trọng là trong những năm 80 của thế kỷ 20, khi Việt Nam gặp nhiều khó khăn thì Australia đã chủ động phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Australia được triển khai ngay từ năm 1973, chỉ bị tạm dừng một thời gian.
Australia còn tham gia hỗ trợ Việt Nam một số cơ sở hạ tầng thiết yếu, như đường dây 500kV Bắc-Nam, hai cây cầu Mỹ Thuận và Cao Lãnh, hệ thống viễn thông và ngân hàng hiện đại…
Những năm gần đây, không ít nước phương Tây cắt giảm, song Australia vẫn giữ ODA cho Việt Nam, năm tài khóa 2022-2023 còn tăng 18%. Trong những năm gần đây, sự hợp tác giữa hai quốc gia đã mở rộng nhanh chóng. Quan hệ hai nước trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư cho đến giáo dục, du lịch, đổi mới sáng tạo. Có được bước phát triển này là nhờ những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao hai nước, thông qua các chuyến thăm cấp cao và các cấp.
Việc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao luôn được duy trì, nổi bật thời gian gần đây là: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison (tháng 1/2021); Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Scott Morrison (tháng 5/2021), gặp Thủ tướng Scott Morrison bên lề COP-26 (tháng 11/2021), điện đàm với Thủ tướng Anthony Albanese (18/10/2022), gặp Thủ tướng Anthony Albanese bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 41 (tại Campuchia, tháng 11/2022) và tại Hội nghị cấp cao G7 mở rộng (tại Nhật Bản, tháng 5/2023); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith (tháng 6/2021), thăm chính thức Australia (tháng 11/2022); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp Toàn quyền David Hurley (tại Philippines, tháng 8/2022); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Australia (tháng 9/2022); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese bên lề Hội nghị Cấp cao APEC (tại Thái Lan, tháng 11/2022); Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Toàn quyền David Hurley và Thủ tướng Anthony Albanese tại Lễ nhậm chức Vua Anh Charles III (tháng 5/2023)…
Về phía Australia có Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne thăm chính thức Việt Nam (tháng 11/2021); Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong thăm chính thức (tháng 6/2022); Toàn quyền Australia David Hurley thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (3 đến 6/4/2023); Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell thăm, làm việc tại Việt Nam và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam-Australia lần thứ 3 (tháng 4/2023); Thủ tướng Australia Anthony Albanese thăm chính thức Việt Nam vào ngày 3 và 4/6/2023…
Các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước được triển khai linh hoạt cả trực tiếp và trực tuyến. Hiện có trên 20 cơ chế hợp tác song phương được duy trì linh hoạt, trong đó có các cơ chế quan trọng như: họp thường niên hai Thủ tướng, hai Bộ trưởng Ngoại giao, hai Bộ trưởng Quốc phòng, và Hội nghị Đối tác kinh tế và các hợp tác giữa các địa phương.
Cho đến nay, hai bên đã tổ chức Hội nghị thường niên hai Thủ tướng lần thứ 2 (hình thức trực tuyến, tháng 1/2021), Hội nghị thường niên Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 4 (tháng 9/2022), Hội nghị Đối tác kinh tế cấp Bộ trưởng lần thứ 3 (tháng 4/2023), Đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng (tháng 12/2022), Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng lần thứ 8 (tháng 5/2023), Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng lần thứ 3 (tháng 10/2019), Nhóm công tác về ODA (tháng 9/2019), Nhóm công tác về Thương mại (tháng 10/2019) và các cơ chế Tham vấn cấp Cục/Vụ trưởng.
Về hợp tác đa phương, hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…
Australia ủng hộ Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) (tháng7/2022) nhiệm kỳ 2022-2026, phối hợp chặt chẽ trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) giai đoạn 2022-2025…
Hợp tác kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác ngày càng hiệu quả
Đánh giá về sự hợp tác giữa Việt Nam và Australia, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã nói rằng mối quan hệ Việt Nam-Australia có rất nhiều điểm sáng, giống như khi nhìn lên bầu trời đêm đầy sao, ta không thể xác định được ngôi sao nào nổi bật.
Sự nổi bật trước tiên, theo Đại sứ Goledzinowski, là hợp tác thương mại, vì lĩnh vực hợp tác này đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Điều này phản ánh sự thịnh vượng ngày càng tăng của Việt Nam, nhưng cũng thể hiện bản chất bổ sung của hai nền kinh tế.
Năm 2023, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều đạt gần 14 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Australia đạt 5,2 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 8,5 tỷ USD. Nhập siêu của Việt Nam từ Australia có giá trị 3,3 tỷ USD.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết năm 2023, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu).
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia (đứng thứ 10 về xuất khẩu sang Australia và đứng thứ 10 về nhập khẩu từ Australia).
Đặc biệt, hiện nay, Australia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam như than đá (chiếm 45,77% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới), quặng và các loại khoáng sản (chiếm 44,78%) năm 2023.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 1/2024, Australia cũng là nhà đầu tư FDI lớn thứ 20 tại Việt Nam với 630 dự án, tổng vốn FDI trị giá hơn 2 tỷ USD.
Ông Nguyễn Phú Hòa – Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, nhận định thương mại song phương Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 có sự phục hồi và tăng trưởng rất tích cực. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ 2023.
Thương mại song phương Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 có sự phục hồi và tăng trưởng rất tích cực. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ 2023.
Phía Australia đã mở cửa cho quả vải, xoài, thanh long, nhãn, tôm đông lạnh của Việt Nam. Trong khi phía Việt Nam đang thúc đẩy để Australia cho phép nhập khẩu chanh leo, chôm chôm, vú sữa, dừa tươi, sầu riêng, tôm tươi nguyên con.
Ngược lại, Australia thúc đẩy Việt Nam mở cửa nhập khẩu thịt hươu, thịt kangaru, mật ong, quả đào và xuân đào.
Triển vọng giao thương giữa Việt Nam và Australia là rất lớn, bởi hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một thỏa thuận thương mại thế hệ mới bao trùm và cởi mở.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia cũng đã công bố và triển khai thực hiện Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế, kèm theo Lộ trình thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn 2021-2025.
Chiến lược này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ và củng cố hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các yếu tố luật lệ quốc tế, là cơ sở để đẩy mạnh thương mại tự do và cùng hợp tác giải quyết các thách thức chung. Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư hai chiều và trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 1/2024, Australia cũng là nhà đầu tư FDI lớn thứ 20 tại Việt Nam với 630 dự án, tổng vốn FDI trị giá hơn 2 tỷ USD.
Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), Australia luôn dành cho Việt Nam nguồn viện trợ ODA ổn định. Trong vòng 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia đã hỗ trợ ODA Việt Nam tổng cộng 3 tỷ AUD (khoảng 47.000 tỷ đồng). Riêng trong năm tài khóa 2022-2023, Australia nâng 18% ODA cho Việt Nam, đây là mức tăng ODA lớn nhất kể từ năm 2015.
ODA của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ sự phát triển và sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động có tay nghề cao; tăng cường việc trao quyền kinh tế cho nữ giới, bao gồm đồng bào thiểu số; ứng phó với đại dịch COVID-19; tạo điều kiện thuận lợi và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, giáo dục-đào tạo, lao động, nông nghiệp… phát triển tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng. Đáng lưu ý, hai nước đang quan tâm thúc đẩy một số lĩnh vực hợp tác mới như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng…
Về giáo dục, Australia bắt đầu trao học bổng cho sinh viên Việt Nam từ tháng 2/1975. Hiện có khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia (90% theo diện tự túc).
Australia bắt đầu trao học bổng cho sinh viên Việt Nam từ tháng 2/1975. Hiện có khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia.
Về quốc phòng, hai nước hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, an ninh biên giới, thực thi pháp luật… nhằm chống lại nạn buôn người, buôn lậu ma túy và nhiều loại tội phạm xuyên quốc gia khác.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai nước đều có thế mạnh và truyền thống phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhưng ở hai khu vực ngược nhau về mùa vụ và khí hậu. Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, nóng, ẩm, mưa nhiều, đất đai màu mỡ có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới đa dạng; Australia với khí hậu khô hạn, phần lớn phát triển các sản phẩm nông nghiệp ôn đới, bên cạnh một số vùng nông nghiệp nhiệt đới nhưng trái vụ với Việt Nam. Sự kết hợp giữa hai nước tạo nên các sản phẩm và chuỗi cung ứng có tính chất tương hỗ phục vụ thị trường hai bên đồng thời có thể cùng xuất khẩu sang các thị trường thứ ba.
Hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác lao động nông nghiệp (tháng 3/2022) và tiếp tục phối hợp để có thể bắt đầu triển khai từ tháng 7/2023. Dự kiến, hàng năm có thêm 1.000 lao động Việt Nam được sang Australia làm việc.
Australia cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam phòng, chống COVID-19, cung cấp cho hơn 26,4 triệu liều vaccine, trong đó có 12 triệu liều cho người lớn và hơn 14,4 triệu liều cho trẻ em, trở thành nhà tài trợ vaccine lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.
Cộng đồng người Việt Nam ở Australia hiện khoảng 350.000 người, giữ vai trò cầu nối quan trọng, không thể thiếu trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Xây dựng chặng đường mới cho quan hệ song phương
Nhìn lại những thành quả nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Australia, chắc chắn đây sẽ là nền tảng tạo khuôn khổ, định hướng tầm nhìn dài hạn cho quan hệ hai nước thời gian tới.
Việt Nam và Australia sẽ không ngừng nỗ lực xây dựng một chặng đường mới cho quan hệ song phương mà trên chặng đường đó, hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác về kinh tế-thương mại, an ninh… thực chất, hiệu quả hơn.
Đánh giá về chặng đường nửa thế kỷ quan hệ Việt Nam-Australia, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski nhận định: “Chưa có thời điểm nào trong lịch sử mà mối quan hệ giữa hai nước chúng ta lại bền chặt và phát triển tốt đẹp như hiện nay. Mối quan hệ song phương được xây dựng dựa trên sự tin cậy mạnh mẽ lẫn nhau cũng như sự hợp tác thiết thực, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.”
Giáo sư danh dự Hal Hill của Trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) đánh giá Australia và Việt Nam hiện có mối quan hệ rất gần gũi. Cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc, học tập tại Australia khá đông. Thương mại giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Theo Giáo sư, Australia coi Việt Nam như một “ngôi sao” kinh tế của khu vực châu Á và đó là điều vô cùng quan trọng. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trong những năm 1980, sau Đổi mới, đặc biệt là trong thế kỷ này, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
Từ một quốc gia có thu nhập thấp, Việt Nam hiện là nền kinh tế có thu nhập trung bình, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Giáo sư Hal Hill nhận định trong tương lai, Việt Nam sẽ còn đón thêm nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Dù cho rằng vẫn còn những thách thức phía trước, Giáo sư Hal Hill vẫn lạc quan về tương lai của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, đối với ông, Việt Nam chính là một trong những câu chuyện thành công rất ấn tượng.
Cũng đánh giá cao những bước phát triển của Việt Nam và mối quan hệ Việt Nam-Australia, chuyên gia Greg Earl, cựu thành viên Hội đồng Australia-ASEAN và là cựu phóng viên về khu vực Đông Nam Á của tờ The Australia Financial Review, nhận định quan hệ Việt Nam-Australia là một trong những chương nổi bật nhất trong chính sách ngoại giao khu vực của Australia những năm gần đây.
Hai nước đã tìm được nhiều không gian hơn để hợp tác, cả trong lĩnh vực an ninh lẫn kinh tế, với tốc độ hợp tác nhanh hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người. Việt Nam đã trở thành một đối tác ngoại giao ổn định và đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Australia đã đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và tạo sự gắn kết bền chặt hơn giữa hai nước.
Chuyên gia Greg Earl cho rằng để duy trì và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp hiện nay, hai nước nên đẩy mạnh hợp tác song phương cũng như trong khuôn khổ mối quan hệ ASEAN–Australia để cải thiện quan hệ kinh tế và an ninh. Hai nước cũng nên đẩy mạnh giao lưu nhân dân trong lĩnh vực giáo dục và việc làm.
Theo chuyên gia Greg Earl, dựa trên nền tảng là các lĩnh vực mà hai nước quan tâm, Việt Nam và Australia cần tạo dựng các mối liên kết kinh tế hai chiều, giống như những mối liên kết mà Australia lâu nay vẫn có với các nước Bắc Á./.