Hàng trăm dãy nhà ngói mới khang trang, hàng chục con đường đổ nhựa phẳng lỳ, hàng ngàn cây xanh mọc quanh triền đảo, cán bộ chiến sĩ (CBCS) yên tâm tư tưởng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh biển, giữ đảo, tình quân dân ngày càng thắm thiết… đó là bức tranh tổng thể của quần đảo Trường Sa sau 48 năm chiến đấu, giải phóng, xây dựng và trưởng thành kể từ mùa xuân đại thắng 1975 của thế kỷ XX.
Trường Sa ơi đất liền cập đảo
Vượt gần một ngàn hải lý lênh đênh trên biển, đoàn công tác số 3 do Chuẩn Đô đốc Hải quân Trần Ngọc Quyết làm trưởng đoàn cùng hơn 200 thành viên trên tàu KN 491 cập đảo Trường Sa lớn vào lúc mặt trời đứng bóng. Chúng tôi nhoài người qua ô cửa tàu nhìn về Thị trấn Trường Sa. Chen lẫn những mái ngói đỏ tươi là bạt ngàn cây xanh chạy quanh triền đảo. Thuyền trưởng tàu KN 491 chỉ tay về đảo, nói: “48 năm trước đảo Trường Sa lớn là khói súng, khô cằn và san hô. Sau 48 năm là thị trấn sầm uất giữa ngàn khơi. Tất cả đều do bàn tay, trí tuệ của bộ đội Hải quân Việt Nam gây dựng nên. Cuộc sống của cán bộ chiến sĩ đầy đủ tiện nghi như ở đất liền. Thông tin cập nhật từ đất liền hằng ngày. Ngồi tại đảo có thể nói chuyện và nhìn thấy người thân, gia đình qua điện thoại thông minh. Đến với Trường Sa là đến với trái tim biển của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió”.
Tàu KN 491 cập đảo, chúng tôi khoác ba lô, túi xách đi nhanh về phía cổng Trường Sa. Tất cả ai cũng hồi hộp.Tôi chạy nhanh về phía trước quay lại đưa máy ảnh “chộp” luôn mấy kiểu trong niềm xúc động vô bờ. Nữ văn công Hoàng Lan đi trong đoàn “hét” lên “Trường Sa ơi, đất liền đã cập đảo rồi. Vui quá đi” và bắt đầu đưa điện thoại check – in những bức hình đẹp nhất. Trước phong cảnh lãng mạn Trường Sa, Hoàng Lan chia sẻ: “Lần đầu em đi tàu biển,lần đầu em đến Trường Sa, cái cảm giác gần gũi thân quen. Lúc nghe bài hát “gần lắm Trường Sa” dưới tàu, em đã không cầm được nước mắt. Thực sự em ngỡ ngàng không nghĩ ở nơi xa nhất của Tổ quốc lại có mảnh đất đẹp đẽ thân thương đến vậy.Chuyến đi này là chuyến đi để đời không thể nào quên trong đời ca hát”.
Như thường lệ, mỗi lần thăm đảo Trường Sa, bao giờ tàu cũng chở đầy ắp những phần quà từ đất liền gửi tặng. Đến từ Ngân hàng Agribank, chị Nguyễn Thị Phượng trao 500 triệu đồng cho CBCS đảo Trường Sa lớn. Trong niềm xúc động, chị Phượng chia sẻ: “Ngân hàng Agribank luôn đồng hành với CBCS Trường Sa, Nhà giàn DK1 trong nhiều năm qua. Chúng tôi nghĩ rằng, những phần quà của Agribank sẽ giúp Trường Sa có thêm những công trình mới như nhà ở của bộ đội, những công trình dân sinh quân sự, các thiết bị cần thiết cho huấn luyện, học tập và SSCĐ. Bộ đội Trường Sa sẽ thêm vững vàng tay súng canh biển đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống”.
Trong khi đó đoàn đại biểu Học viện An ninh nhân dân tặng CBCS mỗi đảo thuộc quần đảo Trường Sa giàn máy tính, máy in và “tủ sách Trường Sa”. Trung tướng Lê Văn Thắng (Trưởng đoàn đại biểu học viện an ninh) chia sẻ: “Học viện An ninh nhân dân luôn cho rằng, chung tay xây dựng Trường Sa là trách nhiệm và nghĩa vụ. Để đất liền bình yên mỗi ngày, những CBCS Trường Sa phải căng mình huấn luyện, SSCĐ và trực canh biển đảo. Biển đảo có an toàn, thì đất liền mới hạnh phúc bình yên. Chúng tôi luôn biết ơn những người đồng đội nơi đầu sóng ngọn gió canh chủ quyền của Tổ quốc”.
Hát giữa ngàn khơi
Trong 9 ngày đêm thăm, tặng quà CBCS đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, hát giữa ngàn khơi là “điểm nhấn” trong chuyến hải trình. Hàng trăm bài thơ tự sáng tác, hàng chục ca khúc mới ra đời ngay trên boong tàu, nhiều bài hát, điệu múa được các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn cho CBCS Trường Sa, DK1 xem khi tàu cập đảo.
Đến từ Đoàn ca múa Hải quân, ca sĩ trẻ Hoài Thương hòa cùng chiến sĩ đảo Sinh Tồn ngay sau khi xuồng cập đảo. Sân khấu là nền đảo, âm nhạc là đàn ghi ta, chị say sưa hát với tất cả tình yêu giành cho biển đảo: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng, Trường Sa xa lắm em. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu chỉ có loài chim biển”.Để truyền hơi ấm đất liền đến từng chiến sĩ, Hoài Thương cầm mico xuống từng hàng ghế. Chị nắm tay một chiến sĩ thì thầm rằng “Anh ơi có nghe lời người từ phố biển, khi ngọn triều dâng cao, khi cách hải âu về”. Hoài Thương tâm sự: “Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng. Em muốn truyền cảm hứng và tình cảm của đất liền đến các anh chiến sĩ. Qua giọng hát lời ca, em mong các anh thêm yêu đời vững chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, đảo thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống”.
Đáp lại tình cảm đất liền, chiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh ở đảo Sinh Tồn cầm tay ca sĩ Hoài Thương mà hát rằng: “Từ ngọn sóng Trường Sa, anh gặp em ở đảo, biết nói sao cho vơi, vẫn bên anh nơi đảo Sinh Tồn. Đảo ơi phải vì cách trở trùng khơi, phải vì máu đổ em ơi, nên đảo thương đảo vẫn sinh tồn gặp em”. Tuấn Anh chia sẻ, mỗi lần có văn công ra đảo, lính trẻ nhiều đêm không ngủ, hồi hộp và chờ đợi. “Để đáp lại tình cảm đất liền, chúng em tập vài tiết mục văn nghệ để giao lưu cùng ca sĩ.Những buổi văn nghệ như thế rất có ý nghĩa, nhớ lâu đến vài tháng sau. Cái cảm giác hát với ca sĩ, cầm tay ca sĩ vui sướng lắm”, Tuấn Anh, nói
Lời thề giữ đảo
Trước khi tỏa đi các phân đội thăm, giao lưu, trò chuyện với cán bộ chiến sĩ, chúng tôi xếp hàng ngay ngắn theo lệnh người chỉ huy trên đường băng để làm lễ chào cờ. Giọng đảo trưởng Trường Sa lớn đanh thép “thét” lên không trung “Toàn đội hình thành hàng ngang, các đơn vị hàng dọc, tập hợp. Nghiêm.Chào cờ, chào”. Chúng tôi ngước mắt lên cờ Tổ quốc đồng thanh hát “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập gềnh xa…”.
Giữa biển trời Tổ quốc, từng lời quốc ca như thấm vào máu thịt. Tôi đưa máy ảnh chụp những tấm lưng chiến sĩ đẫm mồ hôi, những ánh mắt xúc động rưng rưng của các nữ văn công lần đầu tiên chào cờ giữa Trường Sa nắng gió.
Xúc động nhất là giây phút nghe 10 lời thề danh dự. Giọng trung úy Nguyễn Đình Thảo ở phân đội hỏa lực dõng dạc hô to: “Hi sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam”. “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng – xin thề”.
Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn, Thượng tá Phạm Xuân Trung chia sẻ, mười lời thề danh dự của quân nhân mang bản chất Bộ đội Cụ Hồ. Dù bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đảo Trường Sa tổ chức thường xuyên lễ chào cờ hằng tuần và mỗi lần đoàn công tác từ đất liền ra thăm. CBCS quần đảo Trường Sa luôn khắc sâu và ghi nhớ tinh thần của Đại tướng Lê Đức Anh trong bài phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa ngày 7-5-1988: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”; đồng thời khẳng định, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng và nhân dân toàn huyện đảo quyết tâm đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn thử thách, xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Sau 48 năm chiến đấu, giải phóng, xây dựng và trưởng thành, quân, dân trên 21 đảo, điểm đảo /33 điểm đóng quân thuộcquần đảo Trường Sa được sống trong hòa bình ổn định và từng bước thay da đổi thịt. Trường Sa hôm nay không còn bóng quân thù, nhưng quân dân Trường Sa chưa bao giờ ngơi tay súng. Với khát vọng hòa bình, quân, dân Trường Sa luôn nêu cao cảnh giác, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.