Nghiên cứu mới công bố cho thấy rượu vang La Mã được ủ trong các bình đất sét chôn dưới đất, có vị hơi cay, thơm mùi bánh mì nướng, táo, hạt óc chó nướng, cà ri.
Người La Mã cổ đại (khoảng thế kỷ 8 trước Công nguyên đến thế kỷ 5) uống rất nhiều rượu vang. Một số nhà sử học ước tính, họ uống tới một lít rượu pha loãng mỗi ngày, nhiều hơn đa số người trong thế kỷ 21. Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Antiquity giúp làm rõ thêm hương vị, mùi thơm và kết cấu của loại rượu này, Smithsonian hôm 4/3 đưa tin. Theo đó, rượu vang La Mã có vị hơi cay, thơm mùi bánh mì nướng, táo, hạt óc chó nướng và cà ri.
Trong nghiên cứu mới, nhóm nhà khoa học xem xét dolia, loại bình đất sét mà người La Mã sử dụng để bảo quản, lên men và ủ rượu. Các nhà sử học từ lâu đã biết dolia được sử dụng phổ biến, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến những chi tiết của quá trình sản xuất. Nghiên cứu mới cho thấy, loại bình này là công cụ thiết yếu trong kỹ thuật sản xuất rượu vang. Đây không phải vật chứa bình thường mà được thiết kế chính xác với thành phần, kích thước, hình dạng đều góp phần giúp ủ rượu thành công.
Dolia là yếu tố then chốt trong sản xuất rượu vang cổ suốt hàng trăm năm, theo Dimitri Van Limbergen, tác giả chính của nghiên cứu, nhà khảo cổ tại Đại học Ghent. Trong khi ngày nay, nhiều loại rượu vang được sản xuất trong thùng thép không gỉ và có thêm chất bảo quản.
Người La Mã vùi bình dolia xuống đất, sâu đến miệng và bịt kín bằng nắp để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, độ pH trong quá trình lên men, theo Van Limbergen và đồng tác giả Paulina Komar, nhà khảo cổ tại Đại học Warsaw. Các bình đất sét có kết cấu xốp và được phủ hắc ín bên trong, giúp kiểm soát chặt chẽ quá trình oxy hóa.
Dolia có đế hẹp, cho phép các chất rắn từ nho chìm xuống đáy bình và tách khỏi rượu, tạo ra màu cam. Nhưng việc so sánh màu này với các loại rượu vang hiện đại rất khó, vì rượu vang La Mã không chia thành rượu vang đỏ và rượu vang trắng. “Rượu vang La Mã có nhiều màu sắc khác nhau, từ trắng, vàng đến vàng kim, hổ phách, nâu, đỏ và đen, tất cả đều dựa vào loại nho ngâm”, Van Limbergen giải thích.
Các điều kiện hình thành do chôn vùi bình cũng ảnh hưởng đến đặc tính độc đáo của rượu. Bên trong bình, nấm men phát triển trên bề mặt rượu, tạo ra các hợp chất hóa học như sotolon. Những hợp chất này mang đến hương vị và mùi thơm đặc biệt.
“Loại rượu vang cổ đại được làm từ nho trắng và sử dụng những kỹ thuật như trên chắc chắn sẽ có vị oxy hóa, với mùi thơm phức tạp của bánh mì nướng, trái cây khô (ví dụ quả mơ), hạt nướng (óc chó, hạnh nhân), trà xanh, với cảm giác khô và nhựa (có nhiều hợp chất tannin trong rượu vang từ vỏ nho)”, Van Limbergen nhận định.
Thu Thảo (Theo Smithsonian)