Động lực nào cho VN-Index trong 2024?
Đầu năm 2024 đến nay, VN-Index tăng gần 12% so với đầu năm từ mốc quanh 1.136 điểm lên ngưỡng 1.269 điểm (giá đóng cửa ngày 5.3), thị trường đạt hiệu suất hoạt động tốt thứ hai ở châu Á sau Nhật Bản. Tình hình vĩ mô được cải thiện trong bối cảnh mức lãi suất ở mức thấp kỷ lục cùng cam kết của Chính phủ về kế hoạch phát triển thị trường vốn của VN đã lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Năm 2024 được J.P Morgan dự báo sẽ là năm tiền đề trong một chu kỳ mới về cả kinh tế lẫn chứng khoán sắp đến. Tập đoàn tài chính này cho rằng kịch bản tích cực VN-Index hướng đến 1.450 điểm; kịch bản cơ sở ở mốc 1.300 điểm.
Báo cáo của J.P Morgan nêu rõ động lực tích cực của thị trường chứng khoán VN gồm nâng hạng thị trường; sản xuất, GDP phục hồi mạnh mẽ; giải ngân đầu tư công và dòng vốn FDI liên tục chảy vào nước ta. Trong đó, bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng đang ngày càng rõ ràng, thể hiện qua sự quyết tâm của Chính phủ.
25 tỉ USD sẽ đổ vào chứng khoán Việt Nam?
Sáng 28.2, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với những mục tiêu và hành động cụ thể cho công tác nâng hạng thị trường. Một Giám đốc Tài chính chia sẻ tại hội nghị “Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng thị trường chứng khoán có thể mang lại tới 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030 với một số điều kiện quan trọng”.
Theo các nhà phân tích của J.P Morgan, Chính phủ VN hiện đang hoàn tất việc loại bỏ các yêu cầu ký quỹ trước giao dịch song song với việc đưa hệ thống KRX đi vào hoạt động. UBCK Nhà nước cho biết việc nâng cấp hệ thống đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi triển khai vào quý 1 năm nay. Ngoài ra, TT Lưu ký chứng khoán đang đệ trình đề xuất dỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) với hệ thống mới. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng mà thị trường VN đang thiếu. Nếu nút thắt này được tháo gỡ, FTSE có thể xếp hạng lại VN.
Cổ phiếu nào được quan tâm?
Với hàng tỉ USD đổ vào thị trường khi VN được nâng hạng, những cổ phiếu đạt yêu cầu về vốn hóa, vốn hóa tự do lưu hành và thanh khoản của thị trường mới nổi sẽ là điểm đến của dòng tiền khối ngoại. Trong đó, cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan, doanh nghiệp hàng đầu ngành tiêu dùng bán lẻ tại Việt Nam, là một trong những lựa chọn ưu tiên hàng đầu của J.P Morgan khi phân tích triển vọng của thị trường chứng khoán VN năm 2024.
Trước đó, J.P Morgan cũng đưa ra báo cáo phân tích và đưa định giá cho MSN trong 2024 là 102.000 VND/CP, EPS tăng trưởng kép trung bình hàng năm trong giai đoạn 2022 – 2025 đạt 36%. Với định giá này, cổ phiếu MSN có thể đạt tiềm năng tăng trưởng đến 35% so với vùng giá 75.700 VND/cổ phiếu tại ngày 5.3. Theo J.P.Morgan, với vị thế hàng đầu trong một thị trường bán lẻ lớn và đầy tiềm năng, cùng những nỗ lực phân bổ vốn tập trung vào mảng cốt lõi tiêu dùng, bán lẻ, và sự phát triển của thị trường tiêu dùng hiện đại, cổ phiếu MSN trở thành một trong những đại diện tốt nhất cho câu chuyện tiêu dùng hấp dẫn của Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu MSN của Masan có sự bứt phá mạnh mẽ về thanh khoản giao dịch. Cụ thể, vào phiên 29.2, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này vượt gấp 5 lần trung bình 5 phiên gần nhất, đạt lần lượt 7,83 và 8,29 triệu đơn vị tương ứng với tổng giá trị giao dịch là 588 và 586 tỉ đồng. Đà tăng cả về lượng về giá của MSN tiếp tục tiếp diễn trong ngày 5.3 với mức tăng trần cùng thanh khoản đột biến gần 1.000 tỉ đồng, đóng cửa tại mức 75.700 VND. Đây là dấu hiệu của dòng tiền thông minh đã vào cổ phiếu, đẩy giá cổ phiếu vượt đỉnh 3 tháng.
Với sự xác nhận mạnh mẽ của dòng tiền thông minh và xu hướng tích cực của thị trường Việt Nam được nâng hạng cùng với vị thế hàng đầu ngành tiêu dùng bán lẻ của Tập đoàn Masan, cổ phiếu MSN là cơ hội đầu tư tốt với tiềm năng sinh lời cao.