Các triệu chứng hạ đường huyết có thể khác nhau tùy vào tình trạng của mỗi người. Tuy nhiên, những triệu chứng thường gặp nhất là da tái nhợt, run rẩy. Nếu không được điều trị, hạ đường huyết có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng và gây ra các triệu chứng khó chịu như chóng mặt, lú lẫn, đổ mồ hôi và nhịp tim nhanh, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Để ngăn hạ đường huyết trở nên nghiêm trọng, những người nằm trong nhóm có nguy cơ cao cần ý thức rõ về hạ đường huyết. Nhóm này gồm:
Người mắc bệnh tiểu đường
Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị hạ đường huyết, đặc biệt là những người điều trị bằng insulin, sulfonylurea hoặc các thuốc kích thích tiết insulin khác. Hạ đường huyết là một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường.
Trên thực tế, người bị tiểu đường còn gặp một vấn đề gọi là hạ đường huyết không triệu chứng. Đây là tình trạng mà người bệnh không xuất hiện các triệu chứng điển hình của hạ đường huyết dù lượng đường trong máu đã xuống thấp bất thường. Do đó, người mắc tiểu đường cần theo dõi đường huyết thường xuyên và thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa và kiểm soát hạ đường huyết.
Những người mắc bệnh gan hoặc thận
Những người mắc bệnh gan hoặc thận cũng có nguy cơ cao bị hạ đường huyết. Bệnh thận mạn tính là một yếu tố nguy cơ gây hạ đường huyết.
Ngoài ra, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cũng có liên quan đến hạ đường huyết nghiêm trọng ở bệnh nhân tiểu đường loại 2. Vì vậy, những người mắc bệnh gan hoặc thận nên thận trọng và theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên, nhờ đó có thể ngăn ngừa và kiểm soát hạ đường huyết.
Những người bị mất cân bằng nội tiết tố
Những người bị mất cân bằng nội tiết tố, chẳng hạn như bị suy tuyến thượng thận hoặc rối loạn tuyến yên, cũng có nguy cơ cao bị hạ đường huyết. Không những vậy, tác dụng phụ của một số loại thuốc, uống nhiều rượu bia cũng dễ dẫn đến tình trạng này, theo Verywell Health.