Mua bán người là tội phạm xâm hại nghiêm trọng quyền con người, xâm hại danh dự, nhân phẩm, tự do của con người. Khi một người trở thành nạn nhân bị mua bán, nhà nước có trách nhiệm can thiệp, bảo vệ và hỗ trợ.
Quyền và nhân phẩm của con người, trong đó có người bị lừa bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em cần phải được tôn trọng, bảo vệ bằng các chính sách, thể chế và hỗ trợ xã hội. Cách tiếp cận nhạy cảm giới dựa trên quyền cần được hiện thực hoá vào Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đang được Bộ Công an dự thảo.
Ngày 9/8/2023, Tổ chức Di cư quốc tế và Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thành chuỗi Hội thảo Đánh giá giữa kỳ Kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực bảo vệ nạn nhân tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN) |
Từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành, việc xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần bảo vệ quyền con người và bảo vệ nạn nhân.
Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người của Bộ Công an, từ năm 2012 đến tháng 02/2023, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân mua bán người. Hầu hết các nạn nhân được giải cứu, qua trao trả hoặc tự trở về đều được các địa phương hỗ trợ phù hợp.
Việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người thời gian qua đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thi hành, một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung.
1. Bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới và lấy nạn nhân làm trung tâm
Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành đã thể hiện một số nguyên tắc về giới và bình đẳng giới trong các quy định về: nguyên tắc phòng, chống mua bán người “Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân” (Điều 4); hành vi bị nghiêm cấm “Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân (Điều 3); Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người “Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân” (Điều 7)…
Tuy nhiên, đây vẫn là những quy định trung tính về giới, chưa thể hiện rõ nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong phòng, chống mua bán người.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, mua bán người được xem là một dạng bạo lực trên cơ sở giới; hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em gái là hành vi bạo lực trên cơ sở giới, ở đó quyền lực giới bị lạm dụng, gây thiệt hại tới phụ nữ và trẻ em gái. Động cơ mua bán người mang tính giới cao và trở nên trầm trọng hơn do các vấn đề bất bình đẳng giới tồn tại từ trước.
Theo đó, phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương hơn trước nạn mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục, trong khi nam giới và trẻ em trai là mục tiêu của những kẻ mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động hoặc các hoạt động tội phạm. Những tổn thương giữa nạn nhân nam và nạn nhân nữ cũng tương đối khác nhau về mức độ trầm trọng.
Do đó, cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong công tác phòng, chống mua bán người tại Điều 4 Luật hiện hành. Đây là nguyên tắc bao trùm, định hướng toàn bộ công tác phòng, chống mua bán người.
2. Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân
Khoản 2 Điều 16 Luật Phòng, chống mua bán người 2011 quy định: “Cơ quan thông tin đại chúng tham gia phòng ngừa mua bán người phải giữ bí mật thông tin về nạn nhân”; Điểm b Khoản 1 Điều 30 quy định “Các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ gồm giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của họ”; Điều 31 quy định “Bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, trong đó cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin về nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân”. Những quy định này phần nào đã quy phạm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong vấn đề bảo mật thông tin của nạn nhân mua bán người.
Tuy nhiên, Luật chưa đề cập vấn đề bảo mật thông tin trong quyền của nạn nhân mua bán người là một thiếu sót. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự tham gia của các streamer, tiktoker, youtuber trên mạng xã hội về những vấn đề riêng tư của cá nhân có tính hai mặt, nhiều trường hợp câu like, kiếm tiền, định hướng dư luận.
Bên cạnh đó, theo thống kê, đầu năm 2022, Việt Nam có gần 77 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 78,1% dân số, tăng 5 triệu người so với năm 2021; 97,6% người dùng Internet ở Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội Facebook và tỷ lệ phụ nữ dùng Facebook là 50,9%.
Đây vừa là cơ hội cho phụ nữ tiếp cận nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành nạn nhân của nhiều loại hình tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người nếu không được trang bị kiến thức, kỹ năng bảo mật thông tin trên không gian mạng một cách an toàn.
Việc bổ sung quyền được bảo mật thông về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vào quyền của nạn nhân sẽ giúp các nạn nhân nhận thức rõ ràng hơn về quyền của mình đồng thời cũng là căn cứ để các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ nạn nhân được hiệu quả hơn trước làn sóng dư luận.
Hai nữ nạn nhân kể lại hành trình bị bán qua tay nhiều người trước khi được Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh giải cứu trong chuyên án TN823p. |
3. Bổ sung tiêu chí xác minh, xác định nạn nhân mua bán người
Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về tiêu chí xác định nạn nhân bị mua bán, chưa có các quy định cụ thể về tiêu chí giấy tờ, tài liệu và tiêu chí thực tế để xác định một người bị mua bán.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một số rào cản trong xác minh, xác định nạn nhân, như: nạn nhân mất giấy tờ tùy thân, học vấn thấp, là người dân tộc thiểu số, không biết tiếng Kinh, bị mua bán từ nhỏ nên không nhớ địa chỉ, người thân…, nạn nhân từ chối hỗ trợ do không muốn nói ra câu chuyện của mình vì sợ bị kỳ thị.
Các tiêu chí để xác định một người là nạn nhân khó thực hiện, đặc biệt trong trường hợp họ tự nguyện, hoặc thời điểm bị mua bán đã lâu (khó xác định họ được chuyển giao, bóc lột thế nào).
Các chế độ, thù lao cho người phiên dịch đối với những vụ án có nạn nhân là người nước ngoài, dân tộc thiểu số, bị thiểu năng chưa có quy định gây khó khăn cho quá trình tiếp nhận, hỗ trợ, kể cả việc giải quyết tin báo tố giác, giải cứu, điều tra… Ngoài ra, không có quy định, định mức trong trường hợp đặc biệt, khẩn cấp cần phải hỗ trợ, bảo vệ cho nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái, trẻ sơ sinh khi được giải cứu.
Do đó, rất cần bổ sung quy định về tiêu chí xác minh, xác định nạn nhân mua bán người theo hướng không gây tổn hại cho nạn nhân, không làm trầm trọng thêm những tổn thương mà nạn nhân đã trải qua trong quá trình bị mua bán.
Đặc biệt, những quy định này cần theo hướng phân loại để có những chính sách, chế độ hỗ trợ đầy đủ, kịp thời dựa trên đặc điểm cụ thể của từng nạn nhân, bảo đảm quyền con người của từng nhóm đối tượng có tính đến đặc thù giới, ví dụ nhóm yếu thế, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ…
“Tầm nhìn và thực tiễn phát triển cần bảo đảm những quyền cơ bản của con người về xã hội, kinh tế và chính trị nhằm mở rộng các cơ hội lựa chọn, tôn trọng nhân phẩm, nâng cao quyền năng phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng cho cả nam giới và phụ nữ”. (Bà Jean D’Cunha, Cố vấn Di cư toàn cầu của Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ – UN Women). |
4. Bổ sung quy định về quyền của nhóm trẻ được sinh ra trong quá trình mẹ bị lừa bán ra nước ngoài
Luật hiện hành đã có một số quy định về việc bảo vệ trẻ em nhưng thường được tiếp cận theo hướng trẻ em là nạn nhân mua bán người (Điều 11, Điều 24, Điều 26, Điều 44), còn trẻ em có mẹ là nạn nhân của tội phạm mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục thì chưa có quy định rõ ràng. Rất nhiều trường hợp phụ nữ là nạn nhân mua bán người sinh con ở nước ngoài nhưng khi được giải cứu trở về thì không thể đem theo con.
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong quá trình vận hành Nhà Bình yên và Văn phòng Dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương (Văn phòng OSSO) đã tiếp nhận và hỗ trợ một số ca điển hình. Văn phòng OSSO Hải Dương đã từng tiếp nhận trường hợp chị H. bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 1991 và phải sống cùng một người đàn ông Trung Quốc. Quá trình chung sống, chị sinh được 3 người con. Cuộc sống của chị thường xuyên bị đánh đập, lao động nặng. Năm 2017, chị về Việt Nam nhưng không thể đưa các con về cùng.
Nhà Bình yên thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng tư vấn và hỗ trợ cho chị C. là bệnh nhân tâm thần phân liệt, bị lừa lấy chồng Trung Quốc. Từ khi sang Trung Quốc, chị bị cắt đứt liên lạc với gia đình. Ở Trung Quốc khoảng hơn 1 năm, sau khi sinh con, chị bị chồng bắt mất con và bỏ rơi ở bệnh viện, ở cùng một nhóm người và phải làm phụ bếp không lương, nếu không nghe lời thì bị chửi mắng, đánh đập. Khi Công an Trung Quốc phát hiện không có giấy tờ tùy thân, bị trục xuất về Việt Nam. Sau khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà Bình yên, chị C. hiện đã trở về sinh sống cùng mẹ đẻ tuy nhiên không có thông tin của con.
Chính vì vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định quyền liên quan đến trẻ em được sinh ra trong quá trình mẹ bị mua bán sang nước ngoài.
Đồn biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị bàn giao cháu bé sơ sinh được giải cứu cho Cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Báo Biên phòng) |
5. Có quy định cụ thể về cơ sở chuyên biệt hỗ trợ nạn nhân mua bán người dành cho nam giới và phụ nữ
Thời gian qua, nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp nhận, hỗ trợ tại các Trung tâm bảo trợ xã hội hoặc Trung tâm Công tác xã hội (49 cơ sở trên cả nước), còn lại tiếp nhận ở các cơ sở xã hội khác; ngoài ra còn được tiếp nhận, hỗ trợ ở các cơ sở/địa chỉ/mô hình do tổ chức quốc tế hỗ trợ hoặc sự chủ động của các cơ quan, đơn vị như Nhà Nhân ái tại Lào Cai, An Giang; Nhà Bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.
Các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện đón tiếp nạn nhân bị mua bán không có khu vực trợ giúp nạn nhân mua bán người chuyên biệt mà lồng ghép vào ở chung với các nhóm đối tượng khác, do đó lúng túng trong việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ vì chưa có quy trình tiếp nhận nạn nhân phù hợp và thân thiện, thiếu quy định về quản lý trường hợp và quy trình hỗ trợ nạn nhân đặc thù; đặc biệt thiếu hẳn quy định đón tiếp trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ bị mua bán để chờ xác minh, xác định nạn nhân.
Thực tế cho thấy, còn khoảng trống nhất định trong việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nữ. Các dịch vụ hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nạn nhân nữ bị mua bán qua biên giới làm vợ hoặc làm mại dâm, còn những nhóm có nguy cơ khác như nam công nhân làm việc tại các công trường xây dựng, dịch vụ, đánh bắt hải sản hoặc những người bị mua bán trong nội địa thường ít nhận được sự quan tâm hơn.
Chúng ta chú trọng đến cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân nữ hơn là cho nạn nhân nam, dẫn đến tình trạng chỉ có các cơ sở hỗ trợ chuyên biệt cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái mà không cho nạn nhân nam, như vậy, nhu cầu và quyền lợi chính đáng của nạn nhân nam dường như còn đang bỏ ngỏ.
Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi cần có những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ.
———————-
(*) Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Tài liệu tham khảo
1. ASEAN. 2016. Tài liệu hướng dẫn về nhạy cảm giới trong tiếp xúc và làm việc với phụ nữ là nạn nhân của tội phạm MBN.
2. ASEAN-ACT. 2021. Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong Luật phòng chống MBN 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Blue Dragon Children’s Foundation. 2021. What makes people vulnerable to human trafficking. Profile of victims of human trafficking in Vietnam
4. Bộ Chính trị. 2007. Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
5. Bộ Công an. 2021. Báo cáo Tổng kết 09 năm thi hành Luật phòng, chống MBN năm 2011. Báo cáo số 520/BC-BCA ngày 03/6/2021.