Chịu khó học hỏi, cần cù lao động và quyết tâm làm giàu, trong đó có trồng cây sưa đỏ-một loại cây rừng cho gỗ quý, ông Đặng Văn San, người dân tộc Dao ở thôn Tả Ngảo, xã Bản Qua (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đang sở hữu hơn 600 cây sưa đỏ trị giá hàng tỷ đồng.
Tôi gặp lão nông Ðặng Văn San khi ông đang miệt mài phát cỏ, tỉa cành trên đồi sưa đỏ rộng mênh mông.
Nhìn về phía đồi rừng trồng cây sưa đỏ, ông San bảo: Mình trồng cây sưa đỏ vừa để phủ xanh đất trống, giữ nguồn nước cho sản xuất, vừa phát triển kinh tế. Với loại cây gỗ quý này càng để lâu càng tăng giá trị nên gia đình chưa bán.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Tả Ngảo, xã Bản Qua, ông San luôn trăn trở tìm cách làm giàu ngay tại quê hương mình. \
Năm 2007, tình cờ xem tivi thấy giới thiệu về gương ông Lăng Văn Bắc ở huyện Tam Ðảo (tỉnh Vĩnh Phúc) vượt khó làm giàu nhờ trồng cây sưa đỏ.
Ông San đã về tận nhà ông Bắc học kỹ thuật trồng cây sưa. Sau đó, ông San mua hơn 200 cây sưa giống đưa về trồng xen với cây mỡ trong đồi rừng của gia đình.
Thấy cây sưa phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, ông quyết định trồng sưa đỏ thay thế toàn bộ diện tích đất rừng trồng mỡ.
Vừa nghĩ làm giàu cho mình, ông San cũng muốn những hộ xung quanh, họ hàng cùng làm giàu theo. Vậy là ông mở đại lý bán giống cây sưa đỏ tại địa phương.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông San dùng toàn bộ tiền lãi từ bán cây giống tái đầu tư mở rộng diện tích cây gỗ sưa.
Đến năm 2012, ông đã trồng được rừng gỗ sưa đỏ hơn 600 cây. “Hiện nay, số lượng sưa đỏ trong vườn đã trồng từ 6 đến 15 năm. Cây to ước đạt khoảng 100 kg lõi đã được thương lái hỏi mua.
Đồi rừng trồng hơn 600 cây sưa đỏ cho gỗ quý hiếm, các cây gỗ sưa từ 6-15 năm tuổi, ông Đặng Văn San, nông dân người dân tộc Dao ở thôn Tả Ngảo, xã Bản Qua (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đang sở hữu tài sản trị giá hàng tỷ đồng.
Theo ông San, kỹ thuật trồng cây sưa đỏ không khó, chỉ cần đào hố trồng cây được ươm trong bầu đất, làm cỏ theo đợt. Khi cây khép tán thì tỉa cành để cây tập trung phát triển thân chính và lõi.
Ðể cây sưa đỏ phát triển tốt nên trồng trên đất bằng, nơi có độ cao 500 m so với mực nước biển. Nếu trồng trên đất dốc, sưa đỏ phát triển chậm hơn đất bằng nhưng ngược lại, lõi phát triển nhiều hơn. Tuy nhiên, chăm sóc cây sưa khá kỳ công, mối nguy hại nhất với sưa là sâu đục thân, phải thường xuyên thăm rừng để phát hiện kịp thời và phun thuốc vào từng lỗ cây để diệt sâu.
Thời gian sinh trưởng của cây gỗ sưa lâu hơn các loại cây gỗ khác, tối thiểu từ lúc trồng đến khi khai thác khoảng trên chục năm.
Chính vì vậy, đòi hỏi người trồng cây sưa đỏ phải kiên trì, có những tính toán hợp lý để duy trì đà sinh trưởng và phát triển của cây.
Hiện nay, cây sưa đỏ to nhất trong đồi của gia đình ông San có đường kính khoảng 25 cm, cây bé đường kính 10 cm.
Để “lấy ngắn nuôi dài”, dưới tán rừng sưa, ông tận dụng nuôi gà thả đồi, làm chuồng nuôi lợn rừng lai, nuôi lợn đen bản địa.
Với nghề gia truyền lấy thuốc Nam chữa bệnh cứu người, vợ chồng ông dành thời gian vào rừng lấy thuốc, trồng thêm nhiều cây thuốc quanh nhà. Trong thôn nhiều người bị đau xương khớp, đau bụng thường đến nhà ông xin thuốc, ai có tiền thì trả chút ít làm lý cho công hái thuốc, những người có hoàn cảnh khó khăn thì ông không lấy tiền.
Được biết, gỗ sưa đỏ được xếp vào nhóm IA trong danh sách các loài gỗ quý hiếm tại Việt Nam. Từ xưa, giá trị của gỗ sưa luôn được đề cao bởi độ chắc bền theo thời gian, loại gỗ này dù có ngâm trong nước hoặc trong bùn nhiều năm vẫn giữ được mùi hương và không bị mục nát hoặc co nứt.
Gỗ sưa dùng sản xuất đồ nội thất, đồ mỹ nghệ có thẩm mĩ cao và mang ý nghĩa phong thủy, giúp gia chủ thịnh vượng, bình an, xua đuổi tà khí. Gỗ sưa còn là vị thuốc đông y chữa bệnh xương khớp…
Từ ngày trồng sưa, không bao giờ ông San nghĩ mình lại có một gia tài lớn như hôm nay. Đến tận bây giờ, khi nhắc lại chuyện trồng cây sưa đỏ, ông vẫn khẳng định đây như một ván bài đầy may rủi.
Bởi lẽ, nếu chẳng may gỗ sưa đỏ mất giá thì bao công lao của ông lại trở thành “công cốc”. Nhưng gỗ cây sưa từ trước đến nay vẫn luôn là loại gỗ quý, cung không đủ cầu.
Nhiều người hỏi sao thương lái đến hỏi mua mà không bán, ông San bảo, gỗ sưa đỏ đắt chủ yếu là phần lõi, vì thế, cây càng lâu năm thì giá trị càng lớn.
Thấy chúng tôi lo lắng bởi một “kho báu” bạt ngàn nằm lộ thiên, thì ông San cười: Ở đây là đường độc đạo, xung quanh toàn anh em, họ hàng nên chưa xảy ra trộm cắp bao giờ. Người dân thôn Tả Ngảo dù giàu, nghèo đều rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Vợ chồng ông San không chỉ làm giàu cho mình mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ trong thôn về vốn và cây trồng. Ai cần hỗ trợ kỹ thuật trồng, giống cây sưa đỏ, ông đều sẵn sàng cung cấp.
Ông Lý Minh Tả, Trưởng thôn Tả Ngảo, xã Bản Qua (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cho biết: Ông San là người sống gần gũi, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Gia đình ông còn là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.