Lưu Thị Thanh bảo cô nhớ một câu chuyện nói về lòng kiên nhẫn để đi tới thành công. Đại ý là có 2 người thách đố nhau xem ai đào giếng nhanh hơn. Một người thông minh, biết chọn chỗ đất mềm đào dễ. Nhưng do tự phụ, thiếu niềm tin nên hễ cứ sắp chạm tới mạch nước là anh ta lại chán nản, chuyển sang một chỗ khác và cứ mãi dở dang. Người kia chọn phải mảnh đất cứng, khó đào nhưng cứ cần mẫn, chăm chỉ làm việc hết ngày này qua ngày khác và thắng cuộc: “Chẳng có chỗ đất nào là không đào được giếng. Điều cốt yếu là mình có đào tới tận cùng để có một giếng nước mát trong hay không?”, Thanh nói về ý nghĩa câu chuyện mình tâm đắc.
Nhớ lại thời khắc thăng hoa giành cú đúp huy chương vàng (HCV) ASIAD 2006, trước khi bước vào trận chung kết, Thanh có nghĩ mình cùng đồng đội sẽ vượt qua “ngọn núi” Thái Lan?
– Mỗi khi bước vào thi đấu, tôi luôn có niềm tin chiến thắng, cho dù bất kỳ đối thủ là ai, có mạnh cỡ nào đi chăng nữa. Ý nghĩ thua không bao giờ xuất hiện trong tôi từ trước và trong khi trận đấu diễn ra. Chỉ khi mọi thứ kết thúc, thua mới chấp nhận. Cảm giác thua cuộc cũng thường trôi qua rất nhanh. Những “cú ngã” chỉ khiến tôi nỗ lực nhiều hơn trong tập luyện, với 200, 300% sức lực để chờ “trả nợ” ở một trận đấu khác.
Cầu mây Thái Lan mạnh hơn chúng ta về mặt bằng chung trình độ vận động viên (VĐV). Tính tới trước trận chung kết nội dung đồng đội và đá đôi với Thái Lan ở ASIAD 2006 thì cũng đã 9 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi khoác áo đội tuyển ở SEA Games 1997 (Indonesia). Tôi không nhớ nổi trong khoảng thời gian ấy đã thua Thái Lan bao nhiêu lần, đôi khi cách biệt chỉ có vài điểm, nhưng thực sự, khoảng cách tưởng như mong manh ấy không dễ lấp đầy.
Tại Qatar cách đây 14 năm, mọi thứ căng thẳng, nghẹt thở trong từng điểm và sự kiên trì, nhẫn nại, chính xác trong từng đường cầu đã giúp chúng tôi chiến thắng. Cảm xúc như chiếc lò xo bao lâu bị dồn nén có dịp bung tỏa, vỡ òa hạnh phúc.
Khi giai điệu Quốc ca vang lên, lá cờ Tổ quốc được đặt ở vị trí cao nhất trên đấu trường châu lục, tôi đã không cầm được những giọt nước mắt, cảm giác thiêng liêng vô cùng.
Mọi vất vả, khổ cực trong tập luyện, ẩn ức trong thi đấu suốt 12 năm kể từ khi tôi bắt đầu theo nghiệp thể thao năm 1994 như gói gọn trong khoảnh khắc ấy. Hình ảnh những buổi tập, những gương mặt huấn luyện viên (HLV), đồng đội, những thất bại… lướt qua rất nhanh và dừng lại ở lá cờ đỏ sao vàng gắn với truyền thống, niềm tự hào Việt Nam!
Vậy là đã 14 năm trôi qua, cầu mây Việt Nam vẫn chưa thể tìm lại ánh hào quang cho dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện của VĐV hiện nay tốt hơn nhiều so với trước…
– Thời của tôi, cầu mây mới bắt đầu phát triển ở Việt Nam nên điều kiện tập luyện còn thiếu thốn. Chúng tôi không được tập trong nhà với bóng, lưới, thảm thi đấu… đầy đủ và đẹp như các em hiện nay. Chúng tôi tập trên nền xi-măng bên ngoài nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Có thời điểm mưa cả tuần, mỗi người có không gian riêng là khoảng 4 viên gạch đá hoa trên tầng 3 Trung tâm đào tạo VĐV Hà Nội, diện tích ước chừng 1m vuông để tập các động tác kỹ thuật cơ bản.
Đến giờ, mỗi khi đi qua Trịnh Hoài Đức, tôi vẫn hướng ánh mắt lên vị trí trên tầng 3 đó và trong suy nghĩ vẫn xuất hiện hình ảnh mình cùng các đồng đội ngày nào.
Khó khăn bao nhiêu, nhiệt huyết bấy nhiêu và càng tôi luyện, giúp chúng tôi có động lực bứt phá, vượt lên chính mình. Những ngày hè nắng nóng, mấy chị em chung nhau uống ca trà đá chạy xuống mua vội của cô bán nước quen (có thể nợ được, cười) ngay phía dưới Trung tâm mà vui.
Tôi nghĩ cái thiếu của các em bây giờ chính là sự tập trung. Các em bị phân tâm do có nhiều vấn đề bên ngoài chi phối, ảnh hưởng tới chất lượng tập luyện, hoàn thiện khả năng chuyên môn.
Trước đây, một ngày tập 9-10 tiếng đồng hồ, tập xong tối đến về phòng mệt lả, chỉ đi ngủ thôi chứ còn nghĩ gì đến chuyện lên mạng, đi chơi… Nhưng chính việc tập luyện, ngủ nghỉ điều độ giúp chúng tôi hồi phục rất tốt và luôn đầy năng lượng cho một ngày tập luyện mới, miệt mài đi hết giáo án do ban huấn luyện đề ra. Có khi chưa tập “đủ” còn thấy buồn chân buồn tay, ra sân Hàng Đẫy chạy thêm chục vòng ấy chứ!
Cầu mây Việt Nam hiện nay không thiếu VĐV tài năng. Nhưng các em cần biết yêu nghề, thực sự biết ơn nghề nghiệp của mình và dồn hết tâm huyết vào đó, luôn muốn tốt hơn nữa so với chính mình chứ không bao giờ hài lòng. Cứ kiên nhẫn và kiên định rồi chắc chắn thành công sẽ đến.
Giã từ đội tuyển cầu mây Việt Nam sau ASIAD 2010, Lưu Thị Thanh lại nổi tiếng trong một vai trò mới, là một nhà quản lý, cố vấn fitness cho các Trung tâm TDTT. Với Thanh, chính sự uyển chuyển, linh hoạt và đặc biệt là chữ “Nhẫn” trong khoảng 16 năm theo đuổi niềm đam mê đã giúp cô rất nhiều trong công việc lan tỏa, truyền cảm hứng, niềm yêu thích thể thao nói chung tới cộng đồng.
Dân Việt trò chuyện đã gặp gỡ nhiều VĐV thành danh và tất cả đều có chung một điểm “không bao giờ hài lòng với chính mình”. Đứng trên đỉnh cao Olympic như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở tuổi 46 vẫn chưa có ý định dừng lại. Sức lực, nguồn năng lượng từ đâu để có thể khơi nguồn cảm hứng mạnh mẽ đến thế?
– Tấm HCB, HCĐ khác nhiều so với HCV vì mình là số 1. HCV SEA Games khác HCV ASIAD và tấm HCV Olympic thực sự là đỉnh cao mà mọi VĐV đều mơ ước được chạm tới.
Với cá nhân tôi, mỗi khi chứng kiến các VĐV thể thao Việt Nam thi đấu, chiến thắng kịch tính mang vinh quang về cho Tổ quốc, tôi rất khâm phục, ngưỡng mộ họ.
Những gì em Ánh Viên có thể làm được ở SEA Games, ASIAD có sức lan tỏa, truyền cảm hứng rất lớn trong cộng đồng. Cần nhớ trong quá khứ, thời của tôi, chúng ta giành được 1 HCV SEA Games môn bơi đã khó. Giờ đây, Ánh Viên gần như cứ xuống đường bơi là có HCV SEA Games. Đó là một bước tiến rất xa, thể hiện ý chí, nghị lực phi thường của VĐV.
Tôi cũng thích xem bóng đá và thực sự cảm động với hình ảnh U23 Việt Nam ở Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018. Những Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường… đã mang tới niềm vui, những giây phút bùng nổ, hạnh phúc cho biết bao trái tim người hâm mộ và khiến thế giới biết nhiều hơn đến Việt Nam.
Nghĩa là ngay cả những VĐV đã có thành tích như chúng tôi vẫn luôn tìm cảm hứng, động lực từ chính những đồng đội, đồng nghiệp của mình. Chỉ khi bạn khiêm tốn, biết học hỏi từ những người bên cạnh, dù đó là những “đàn em” thì mình mới có thể tiếp tục “làm mới”, tiếp tục tiến bộ.
Tôi nghĩ với những nhà vô địch Olympic như anh Hoàng Xuân Vinh, chiến thắng trong thời gian tiếp theo không còn “đóng khung” ở những tấm huy chương. Chiến thắng đôi khi đơn giản là anh vẫn có thể thi đấu ở một số giải nào đó để dìu dắt lứa VĐV kế cận. Và sẽ thật tuyệt vời nếu anh Vinh được chứng kiến học trò của mình lặp lại được điều anh từng làm ở Olympic 2016.
Vậy sao Thanh không trở lại với cầu mây trong vai trò huấn luyện. Một tên tuổi như Thanh là nhân tố mà cầu mây Việt Nam rất cần trong công tác đào tạo?
– Sau khi chia tay đội tuyển năm 2010, tôi vẫn tiếp tục chơi cầu mây và góp mặt trong đội hình Thanh Hóa ở giải vô địch quốc gia khi được gọi về. Mỗi khi có thời gian, tôi lại đi lên Trung tâm đào tạo VĐV Mỹ Đình để tập cùng các em Hà Nội cho đỡ nhớ. Cả tuổi thanh xuân của tôi đã dành cho cầu mây rồi, đó là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời, không thể nào quên.
Thời gian qua, bộ môn cầu mây Tổng cục TDTT cũng có lời mời nhưng tôi thấy đây chưa phải thời điểm thích hợp. Chữ duyên của tôi với fitness vẫn còn, đã được 9 năm rồi, từ thời điểm 2011. Tôi muốn quan tâm rộng ra một chút, quan tâm tới thể thao nói chung chứ không dừng ở cầu mây. Chơi thể thao đều đặn, tập luyện đúng cách giúp mọi người có sức khỏe, tinh thần lạc quan, có niềm tin nhiều hơn vào cuộc sống.
Cùng là VĐV, nhưng không phải đấng mày râu mà chính những “nữ tướng” mới thường tỏa sáng trong gian khó, giúp đoàn Thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ ở những thời điểm “căng như dây đàn”. Thanh có thể lý giải được không?
– Tôi chỉ chia sẻ cảm nhận từ bản thân mình thôi, vì cũng may mắn trực tiếp được trải nghiệm vài lần.
So với nữ VĐV các nước khác, con gái Việt Nam có tố chất nổi trội, mạnh mẽ hơn, thậm chí là “kiệt xuất” hơn. Càng khó khăn thì ý chí, bản lĩnh lại càng được phát lộ. Tôi nghỉ thi đấu lâu rồi nhưng thấy tính cách của mình cũng hơi giống đàn ông.
Là một VĐV đa tài, hoạt ngôn, thông minh, Lưu Thị Thanh từng là khách quen của những chương trình truyền hình trên VTV như Hãy chọn giá đúng, Chiếc nón kỳ diệu, Sức sống mới, Gõ cửa ngày mới, Chuyện Lạ Việt Nam với việc hoàn thành kỷ lục 5485 lần tâng cầu trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Nhưng theo Thanh, chuyện lạ đúng nghĩa “lạ” mà Thanh từng làm là lên ngôi á quân Cuộc thi phụ nữ thế kỷ 21 năm 2007.
Phía sau thành công của một VĐV tài năng luôn có bóng dáng những người thầy. Nhưng Thanh lại chưa nhắc tới một vị sư phụ có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới mình?
– Tôi cảm thấy mình là người may mắn bởi trong suốt sự nghiệp luôn có những HLV, những đồng đội hiểu mình và giúp tôi có thể chơi tốt hơn từng ngày, phát triển hết năng lực bản thân.
Nhưng nếu nói về một người có tác động lớn nhất đến tôi thì đó chính là bố. Ông là người rất mạnh mẽ, giàu lòng nhân ái. Giữa ông và tôi có sự kết nối rất lớn, một sự kết nối khó diễn tả hết bằng lời giữa tình yêu thương của một người cha dành cho con gái của mình. Trong suy nghĩ của tôi, cha là một người đầy nghĩa khí, một người anh hùng luôn đứng ra nhận trách nhiệm về bản thân, gánh vác mọi việc lớn nhỏ, bảo vệ gia đình.
Cha mất sớm khi tôi mới 18 tuổi và trong suốt hành trình theo đuổi niềm đam mê cầu mây, mỗi khi vấp ngã tôi lại nhớ tới cha để tiếp tục vững bước.
Tôi vẫn nhớ ngày 14/2/1997 – ngày anh trai chở tôi trên chiếc xe mifa – tài sản duy nhất còn đáng giá của gia đình, ra tàu đi Hà Nội tập trung đội tuyển. Thời điểm đó, cha tôi làm ăn thất bát, bị vỡ nợ. Hình ảnh ông đi theo sau 2 anh em tôi, mang 200 chiếc nem chua cho tôi mang đi làm quà gặp gỡ các đồng đội mãi mãi còn trong ký ức. Tôi không thể cầm nổi nước mắt khi nghĩ tới cha.
Xa hơn một chút, những ngày tôi học lớp 1, trời mưa, cha đến trường cõng tôi về trên đường đê trơn trượt. Không may ông bước bị ngã, người ông lấm lem bùn đất, còn tôi thì sạch trơn do được cuốn tròn trong chiếc áo mưa. Ông cả đời chịu bao nhọc nhằn, vất vả chỉ mong anh em tôi trưởng thành.
Chính vì vậy, mỗi khi buồn nản hay có điều gì đó không như ý, cứ nghĩ đến sự hy sinh của ông là tôi không cho phép mình dừng lại. Tôi phải cố gắng hết mình với cầu mây vì ngoài đam mê, đó còn là cuộc sống của tôi và gia đình mình thời điểm hơn chục năm trước khi mẹ tôi tuổi ngày càng cao còn anh tôi vẫn còn ăn học.
Đời VĐV không chỉ có ánh hào quang. Thanh có thể chia sẻ về thời khắc chán nản nhất trong sự nghiệp?
– Đó là năm 2004-2005, khi đó tôi đã trải qua một vài kỳ SEA Games, ASIAD nên được mời tham gia chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” trên VTV3. Thời điểm đó, do ban tổ chức chương trình không kịp thời thông báo tới ban huấn luyện đội tuyển cầu mây nên tôi bị cho là đã làm sai quy định của đội và bị kỷ luật đi dọn vệ sinh, chuyển xuống tập cùng đội trẻ, không được ra nước ngoài thi đấu 4-5 giải quốc tế.
Đó là một “cú sốc” lớn với tôi vì tôi cảm thấy mình không sai gì khi cá nhân đã thông báo và được ban huấn luyện đồng ý. Dù gì tôi cũng đã có rất nhiều đóng góp cho đội tuyển cầu mây, là đội trưởng thời điểm đó rồi mà lại bị đối xử như vậy nên đã rất bất mãn.
Tôi bị căng thẳng, mất ngủ, stress… nhưng rất may cuối cùng mọi thứ cũng đã qua và tôi được trở lại đội tuyển ngay trước thềm SEA Games 2005. Nghĩ lại, tôi thấy phải cảm ơn nghịch cảnh ấy, nó giúp tôi lao vào tập luyện như chưa bao giờ được tập. Và khi mọi thứ đã được tích lũy, cộng hưởng đúng thời điểm, tôi và các đồng đội đã thăng hoa với 2 tấm HCV, 1 HCB ASIAD 2006 – bước ngoặt lớn trong sự nghiệp giúp tôi có được cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ bên gia đình, chồng con như ngày nay.
Cũng phải cảm ơn cả Cuộc thi phụ nữ thế kỷ 21 – nơi đã giúp Thanh được nhiều người biết tới hơn và sau này “tỏa sáng” trong vai trò một người vợ, người mẹ?
– Với tôi, cuộc thi đấy đúng là chuyện lạ trong đời. Sau ASIAD 2006, tôi tạm nghỉ cầu mây để tập trung cho thiên chức làm vợ, làm mẹ. Chồng tôi biết có cuộc thi và thấy hay nên bảo tôi đăng ký và tôi cũng quyết định thử sức mình.
Đi từ 3 vòng tuyển ở miền bắc cho tới vòng chung kết với 12 vòng thi truyền hình thực tế ở Nha Trang (Khánh Hòa) kéo dài khoảng 1 tháng, tôi đã học hỏi thêm được rất nhiều về kỹ năng ứng xử, nấu ăn, đặc biệt là trang điểm, thiết kế thời trang vốn rất gần gũi, quen thuộc với phái nữ nhưng lại rất “xa lạ” với nữ VĐV chúng tôi.
Và Thanh còn gây ấn tượng mạnh ở phần thi “Từ thiện” khi mang chiếc áo đấu giành 2 HCV ASIAD 2006 có chữ ký của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết để đấu giá, ủng hộ vào Quỹ Trẻ em nghèo tỉnh Khánh Hòa…
Đó cũng là duyên, mọi chuyện cứ nối tiếp, như “chờ sẵn” ở đó và việc của mình là thực hiện sao cho thật hợp lý.
Sau ASIAD 2006, tôi vinh dự được tham dự một số sự kiện có sự xuất hiện của lãnh đạo Nhà nước. Tại cuộc giao lưu, gặp gỡ những gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam, tôi ngỏ ý xin nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký tặng vào áo để làm kỷ niệm. Lúc đó làm sao nghĩ nổi có ngày mình đi thi Phụ nữ thế kỷ 21.
Tới cuộc thi, tôi được biết có 1 tập thử thách làm từ thiện nên đã mang chiếc áo đó vào Khánh Hòa. Tôi dự định nếu vào được phần thi “Từ thiện” thì sẽ dùng đấu giá. Còn nếu không cũng sẽ tặng lại Ban tổ chức gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo như mục đích của chương trình.
Tôi tin là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ rất vui khi tôi sử dụng chiếc áo ấy vào mục đích nhân văn như vậy. Đến giờ, nụ cười và câu nói ngắn gọn “Cố gắng lên nhé!” mà nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dặn dò trong thời điểm ký tặng vào chiếc áo đấu ASIAD 2006 vẫn luôn vang vọng trong tôi.
Cảm ơn Thanh về cuộc trò chuyện này. Chúc Thanh luôn thành công trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của thể thao Việt Nam.