Cải xoong – Loại rau đứng đầu bảng rau giàu dinh dưỡng được công bố
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố danh sách 41 loại rau và trái cây giàu dinh dưỡng nhất. Đáng nói, trong số đó, có 1 loại rau rất phổ biến ở Việt Nam được xếp ở đầu bảng với điểm số tuyệt đối 100/100, đó chính là rau cải xoong.
Ở Việt Nam, rau cải xoong thường phát triển mạnh vào mùa đông, có mùi thơm hăng đặc trưng, vị hơi đắng và cay. Hai chất dinh dưỡng nổi bật nhất trong cải xoong là vitamin C và vitamin K. Lượng vitamin C trong loại rau này thậm chí nhiều hơn cả cam và chanh.
Lương y, nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ:
Cải xoong là loại rau quen thuộc. Một số người không thích vì thường nghĩ rằng đây là rau trồng ở vị trí bẩn, dễ nhiễm ký sinh trùng. Nếu mua ngoài chợ, không ít bà nội trợ than phiền rau chứa nhiều bèo, thậm chí có giun bám trên rau. Tuy nhiên, đây là “siêu rau” có giá trị dinh dưỡng cao.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cải xoong mang lại giá trị dinh dưỡng rất lớn cho sức khỏe, được các nhà khoa học đánh giá số điểm 100 về giá trị dinh dưỡng. Trong khi đó, cải bó xôi chỉ đạt 86,43%, bắp cải 91,9%.
Cụ thể, hợp chất phenethyl Isothiocyanate (Peitc) trong cải xoong có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm mạnh mẽ, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư. Hợp chất này còn có tác dụng chống lão hóa.
Nhiều người thích bông cải xanh, cải xoăn mà bỏ qua loại rau cải xoong mà không biết rằng chúng vừa rẻ vừa có hàm lượng vitamin K rất nhiều. Ăn một bát nhỏ cải xoong đủ cung cấp vitamin K hằng ngày cho cơ thể. Vitamin K giúp tim mạch khoẻ, ổn định khả năng đông máu cũng như bảo vệ xương.
Ngoài ra, cải xoong còn chứa nhiều vitamin C, các vitamin nhóm B, E và các các chất sắt, phốt pho, iốt có tác dụng bảo vệ sức khỏe, chống bệnh tật, nhiễm trùng, chống sự lão hóa…
Cải xoong có hàm lượng axit folic cao tốt cho phụ nữ mang thai, ngăn ngừa dị tật thai nhi. Trung bình, phụ nữ mang thai có thể ăn 3-4 bữa/tuần loại rau này.
Theo Đông y, cải xoong là loại rau có tính hàn, vị hơi đắng và hắc có tác dụng lợi tiểu, giúp tiêu hóa tốt, giải độc. Đặc biệt, người bệnh đái tháo đường có thể sử dụng cải xoong ăn thường xuyên giúp ổn định đường huyết, bổ sung chất xơ.
Khi cơ thể mệt mỏi, ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, bánh chưng, cơm nếp, bạn có thể lấy cải xoong xay hoặc ép nước uống cùng với cà rốt giúp thanh lọc, giải nhiệt.
Tuy nhiên, rau cải xoong thường được trồng ở dưới nước, dưới ruộng dễ nhiễm ký sinh trùng. Khi ăn rau cải xoong, bạn cần rửa thật sạch. Nếu ăn sống, chỉ ăn rau cải xoong tự trồng trên cạn. Những người bị bệnh cường giáp không nên ăn cải xoong do có chứa lượng iốt cao, làm cho bệnh nặng hơn.
Cách trồng rau cải xoong tại nhà đơn giản mà đem lại năng suất cao
Trồng rau cải xoong trong thùng xốp bằng cách: Đổ đầy nước vào thùng xốp trong 30′ để thử độ kín – quấn băng keo 5 mặt tạo độ chắc chắn.
Cải xoong không cần nhiều đất nên có thể đập nhỏ xỉ than trải 1 lớp dày 10cm dưới đáy, trộn vào đó 200g lân. Tiếp đó là 1 lớp đất (đất thịt trộn ít trấu hoặc đất đã ủ qua các loại phân cá – phân bã đậu) sao cho cách mép thùng 5cm, rắc 20g NPK – đảo đều.
Cách trồng rau cải xoong không yêu cầu để quá nhiều nước trong thùng, chỉ cần xâm xấp mặt là được. Nên tưới hàng ngày vào buổi sáng nhưng chỉ tưới lướt qua cho cây ướt là được vì nhu cầu nước mùa lạnh của cây cũng không cao (nếu trời nắng cần tưới bù).
Thêm nữa là cải xoong phát triển rất mạnh khi trời mưa, mưa phùn, nên khi thấy có hiện tượng mưa thì pha chút phân thật loãng bón thúc tạo điều kiện cho cây phát triển mạnh.
Lưu ý: đất không được có các chất thải hữu cơ hoặc lá, gốc, rễ cây chưa phân hủy vì sẽ làm thối đất, đục 1 lỗ bằng ngón tay cách mép thùng 3cm để khi trời mưa nước không tràn qua mép.
Hai lứa đầu không cần bón phân, hái xong lứa thứ 3 bắt đầu tưới dung dịch thủy canh (nếu có) hoặc bón 2g đạm sau mỗi lần thu hoạch, thỉnh thoảng thêm 1-2g kali vào lúc bón.
Lưu ý khi ăn rau cải xoong
Mặc dù rau cải xoong rất tốt cho sức khỏe nhưng theo BS Phan Thị Thu Phương – Khoa Khám bệnh (BV Đặng Văn Ngữ), nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn rất cao nếu chế biến sai cách vì rau này thường trồng và sống dưới nước, bùn. Rất nhiều người chủ quan cho rằng chỉ cần nhúng vào nước sôi là rau đã mềm và sử dụng được mà không đun sôi kỹ. Dùng làm nộm, chần tái mà không nấu chín… có thể gặp phải nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn.
Sán lá làm tổ trong gan dễ tạo nên các ổ áp xe, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây vỡ ổ áp xe và làm gan bị tổn thương. Để đảm bảo an toàn, mọi người ăn thường xuyên cải xoong cần nhớ khi sơ chế phải rửa đi, rửa lại nhiều lần. Đồng thời, tuân thủ nấu chín ở 100 độ C từ 3 – 5 phút vì ở nhiệt độ cao ấu trùng bị tiêu diệt trước khi ăn.