Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2023 (872 triệu USD) và tăng 10,6% so với tháng 12/2023 (1,13 tỷ USD).
Nhiều mặt hàng tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, nhất là các mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện. |
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2024 đạt 521,9 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2023 (381,1 triệu USD) và tăng 31,1% so với tháng 12/2023 (398 triệu USD).
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 1/2024 đạt 729 triệu USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2023 (491,4 triệu USD) và tăng nhẹ 0,3% so với tháng 12/2023 (727 triệu USD).
Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, thương mại song phương Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 có sự phục hồi và tăng trưởng rất tích cực so với cùng kỳ tháng 1/2023, cũng như tháng 12/2023 liền kề trước đó.
Các mặt hàng đều chứng kiến sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, nhất là các mặt hàng chủ lực như điện thoại các loại và linh kiện (+20,7%), hàng dệt may (+10,2%), máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác (+8,7%), thủy sản (+89,5%)…
Đặc biệt, nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam dù kim ngạch xuất sang Australia còn khiêm tốn song đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ như cà phê (+483,3%), sắt thép các loại (+386,7%), giấy và các sản phẩm từ giấy (+165,9%), gạo (+84,9%).
Theo ông Nguyễn Phú Hòa, đạt được những kết quả trên là nhờ Chính phủ hai nước đều quan tâm, coi kinh tế – thương mại là một trong ba trụ cột, và là trụ cột số 1 trong Chương trình hành động đối tác chiến lược giai đoạn 2020 – 2023.
Theo đó, trên nền tảng 3 hiệp định mậu dịch tự do đa phương mà hai nước đều là thành viên (AANZFTA, CPTPP và RCEP), lần đầu tiên hai bên thống nhất và công bố Kế hoạch triển khai Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế (EEES) do Thủ tướng hai nước công bố hồi tháng 11/2021 với các biện pháp cụ thể, có thời hạn rõ ràng đến năm 2025.
Sự phục hồi thương mại song phương trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ tháng 1/2023 chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ từ mức nền thấp của tháng 1/2023 khi kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam, Australia nói riêng giai đoạn đó chịu ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát khiến sức mua suy giảm.
Tuy nhiên, có thể thấy xu hướng phục hồi đang được củng cố khi so sánh với tháng 12/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đã có sự phục hồi khá tích cực (+10,6%), trong đó chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng của xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia (+31,1%) do tăng trưởng nhập khẩu không đáng kể (+0,3%).
Trong thời gian vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã trao đổi phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại trong quá trình xây dựng dự thảo tài liệu Hội nghị, cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thị trường Australia, những cơ hội, thách thức khi xuất khẩu sang thị trường.
Hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sắt thép, đồ gỗ, nội thất, mỳ ăn liền, thiết kế thi công phòng sạch y tế, đồ chơi… tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát thị trường Australia như tình hình thương mại, xuất khập khẩu, bán lẻ, cơ hội đầu tư, phát triển kinh doanh tại Australia.
Ông Nguyễn Phú Hòa lưu ý, tại thị trường Australia, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Bên cạnh đó, nông sản còn chịu sự cạnh tranh lớn của các nước khác tại thị trường Australia.
Cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nghiên cứu kỹ các thông tin về thị trường, tập trung vào nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, pháp luật nước sở tại… đối với các sản phẩm doanh nghiệp có ý định xuất khẩu.
Đồng thời, chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là các quy định về thành phần hóa chất, chất bảo quản; quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan, đóng gói để đảm bảo tốt nhất thời gian vận chuyển giúp hàng hóa bảo quản tốt.