Cuộc tập trận chung Hàn – Mỹ nói trên là cuộc tập trận thường niên, mang tên Lá chắn Tự do, dự kiến kéo dài 11 ngày. Cuộc tập trận này đánh dấu lần đầu tiên sau khi Triều Tiên vào tháng 11.2023 hủy bỏ hiệp định quân sự liên Triều năm 2018, làm dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng có thể tiến hành những hoạt động quân sự mang tính khiêu khích.
Quân đội Hàn Quốc và Mỹ cho hay cuộc tập trận mới nhất nhằm cải thiện thế trận phòng thủ chung của hai bên, lưu ý rằng cuộc tập trận sẽ tập trung vào các hoạt động đa lĩnh vực bằng cách sử dụng các khí tài trên bộ, trên biển, trên không, mạng và không gian cũng như chống lại các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên, theo Yonhap.
Trong cuộc họp báo vào tuần trước, phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Lee Sung-jun cho hay cuộc tập trận sẽ mô phỏng nhiều tình huống khác nhau và sẽ bao gồm huấn luyện phát hiện và đánh chặn tên lửa hành trình của Triều Tiên.
Quân đội Hàn Quốc cho biết thêm trong cuộc tập trận chung lần này, hai bên có kế hoạch tổ chức tổng cộng 48 cuộc diễn tập trên thực địa, nhiều hơn gấp đôi so với cuộc tập trận năm ngoái. Tuy nhiên, không có cuộc diễn tập nào được lên kế hoạch diễn ra gần biên giới liên Triều.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Triều Tiên đối với cuộc tập trận chung mới của Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng lâu nay cáo buộc các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc là diễn tập cho một cuộc xâm lược Triều Tiên, trong khi Seoul và Washington nói rằng các cuộc tập trận như thế hoàn toàn mang tính phòng thủ.
Đại diện từ 12 quốc gia thành viên của Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc, trong đó có Úc, Anh, Philippines và Thái Lan, sẽ tham gia cuộc tập trận chung Lá chắn Tự do với sự giám sát của Ủy ban Giám sát các quốc gia trung lập (NNSC).
NNSC được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cuộc chiến này vốn về mặt kỹ thuật chưa bao giờ kết thúc do các bên tham chiến chưa ký hiệp ước hòa bình, theo Yonhap.