Doanh nghiệp chây ì tháo dỡ công trình vi phạm
Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất từ năm 1968, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2001 là 24.409,4m2. Quá trình sử dụng bị Nhà nước thu hồi một phần làm đường Thanh Niên, đường Yết Kiêu nên diện tích còn lại là 16.161m2 (trong đó có khoảng 4.000m2 ao trồng sen).
Cuối năm 2011, đầu năm 2012, bệnh viện này có hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho phép xây dựng, bổ sung một số hạng mục công trình nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đề nghị này được UBND tỉnh đồng ý với yêu cầu sử dụng đất đúng mục đích, nếu có dùng nguồn vốn liên doanh liên kết thì thời gian thực hiện không quá năm 2020.
Tuy nhiên, trên thực tế hàng nghìn mét vuông đất được UBND tỉnh giao, thì Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương đã cắt, giao cho nhiều tổ chức, cá nhân thuê, không liên quan đến lĩnh vực y tế, xây nhiều công trình vi phạm trái quy định của nhà nước về quản lý đất đai
Các vi phạm này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hải Dương chỉ ra trong kết luận thanh tra từ năm 2016.
Cụ thể, năm 2011, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Dương ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH MTV Đại Sơn trước khi được UBND tỉnh Hải Dương nhất trí chủ trương. Hợp đồng có những nội dung không đúng quy định và chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương.
Tháng 4/2016, Công ty TNHH MTV Đại Sơn và Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương ký tiếp hợp đồng hợp tác kinh doanh với thời hạn 15 năm. Tuy nhiên, nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh không nêu rõ việc hợp tác để kinh doanh vật lý trị liệu, thời hạn 15 năm (đến năm 2026), nhiều hơn thời hạn UBND tỉnh Hải Dương cho phép; chưa sử dụng nhà vật lý trị liệu đúng mục đích mà để kinh doanh dịch vụ; chưa xây dựng hồ điều hòa mà làm bãi trông giữ ô tô; để Công ty TNHH MTV Đại Sơn sử dụng 200m2 xây dựng 12 ki ốt không có trong giấy phép xây dựng, vi phạm hành lang đường.
Khi các sai phạm đã được chỉ rõ, nhưng việc khắc phục vi phạm rất chậm. Tháng 3/2023, sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương và các sở, ngành liên quan vào cuộc xác minh và có những chỉ đạo cụ thể.
Đến ngày 31/8/2023, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Dương đã chấm dứt hợp đồng với 9 cá nhân, doanh nghiệp thuê tại vị trí giáp vỉa hè đường Thanh Niên, các đơn vị này đã chấp hành đã tháo dỡ các ki ốt, xây dựng lại tường bao của bệnh viện.
Vì sao chính quyền vẫn chưa thực hiện cưỡng chế?
Ngày 31/8/2023, UBND TP Hải Dương đã ban hành Quyết định số 2931 về buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với Công ty TNHH MTV Đại Sơn.
Trong đó, yêu cầu Công ty này tự phá dỡ toàn bộ các công trình vi phạm; thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 15 ngày, kể từ ngày 1/9/2023. Nếu Công ty không tự tháo dỡ, từ ngày 11-20/10/2023, UBND TP Hải Dương sẽ tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm.
Tháng 12/2023, trước sự chây ì của Công ty TNHH MTV Đại Sơn, UBND TP Hải Dương đã ban hành lệnh cưỡng chế các công trình vi phạm đối với đơn vị này. Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Đại Sơn lại tiếp tục xin gia hạn để tự nguyện tháo dỡ đến ngày 29/2/2024.
Cho đến thời điểm hiện tại, tháng 3/2024, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, Công ty TNHH MTV Đại Sơn vẫn chưa thực hiện việc di chuyển tài sản và tháo dỡ công trình trên diện tích đất vi phạm. Hàng quán bán cà phê, nhà hàng vẫn hoạt động tấp nập với khách ra vào.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tăng Văn Quản, Phó chủ tịch UBND TP Hải Dương cho biết: “Ngày 20/2, UBND thành phố đã làm việc với doanh nghiệp, yêu cầu cắt điện, nước. Tuy nhiên họ lại tiếp tục có đơn xin tự nguyện chấp hành việc tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm đến ngày 20/3. Họ đã bắt đầu tiến hành tháo dỡ từ chiều qua, hiện thành phố đang giám sát”.
“Họ chấp hành tự tháo dỡ vi phạm là tốt nhất, nếu tiến hành cưỡng chế còn kiểm kê tài sản mất thời gian lắm”, ông Quản cho hay.