Trong hành trình gắn bó với TYM, mang đồng vốn nhỏ đến với từng chị em phụ nữ, khởi dậy sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người họ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền đã được chứng kiến rất nhiều câu chuyện của chị em phụ nữ vươn lên hoàn cảnh, khởi nghiệp thành công. Mỗi người một hoàn cảnh, một điểm xuất phát, nhưng có một điểm chung là, nếu có những bậc thang nhỏ, nhưng chắc chắn nâng bước, họ sẽ làm được những điều rất đỗi phi thường.
Tính đến thời điểm này, TYM đã có gần 30 năm đồng hành cùng quá trình khởi nghiệp, vươn lên thoát nghèo của hàng trăm nghìn phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Sức mạnh của đồng vốn nhỏ đã được thể hiện qua nhiều mô hình, dự án. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của tài chính vi mô đối với quá trình vươn lên của phụ nữ?
– Trước tiên vẫn phải nhắc lại ý nghĩa tên của tổ chức TYM. TYM là viết tắt của chữ “Tao Yeu May”, tiếng Anh là “I Love You”.
TYM được thành lập từ năm 1992 từ một dự án của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với tên gọi ban đầu là Quỹ Tình Thương với mục tiêu cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính cho chị em.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, sau gần 30 năm hoạt động, TYM vẫn luôn kiên định với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ưu tiên phụ nữ nghèo, yếu thế thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ.
Trong nhiều năm qua, TYM đã chứng kiến sự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của nhiều chị em từ những đồng vốn vi mô được TYM cung cấp, trong đó nhiều chị em có những hoàn cảnh rất khó khăn, tưởng chừng không thể tự mình lập nghiệp được.
Nói đến tài chính vi mô là nói đến việc cung cấp những món vay nhỏ, không cần tài sản thế chấp và việc hoàn trả được chia đều ra trả dần cả gốc và lãi.
Bằng cách thức cho vay và hoàn trả phù hợp với nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đa dạng của chị em, cùng với việc hướng dẫn chị em biết cách tiết kiệm (TYM nhận tiền gửi tiết kiệm của chị em từ 5.000 đồng), gần như 100% chị em hoàn trả được vốn vay và có được sinh kế bền vững, tạo thu nhập để chăm lo cho cuộc sống gia đình, có tích luỹ cho tương lai.
Với cách làm ấy, tài chính vi mô đã tạo cho chị em cơ hội tiếp cận nguồn vốn an toàn, có khả năng hoàn trả đầy đủ, tránh xa tín dụng đen và bẫy nợ, thúc đẩy khả năng tự tạo việc làm và tham gia nhiều hơn vào đời sống kinh tế xã hội một cách chủ động.
Số lượng thành viên, khách hàng của TYM đến nay đã đạt hơn 176.000 chị em, trong đó có những chị em tham gia vào TYM gần 30 năm, bằng với thời gian hoạt động của TYM. Chúng tôi rất trân trọng điều này và cho rằng chúng tôi đã thực sự trở thành người bạn đồng hành của rất nhiều chị em.
Dư nợ hiện nay đạt hơn 2.000 tỷ đồng và tỷ lệ hoàn trả luôn đạt khoảng 99,9% là minh chứng rõ nét thể hiện tính hiệu quả trong hoạt động của TYM cũng như sự tin yêu của chị em đối với tổ chức.
Cho đến nay, đã có bao nhiêu phụ nữ thành công, vươn lên từ những đồng vốn vi mô của TYM, thưa bà?
– Những năm qua, các chỉ số tăng trưởng của TYM đều vô cùng ấn tượng, chứng tỏ sức mạnh của đồng vốn vi mô không hề nhỏ. Hiện, tổng dư nợ của TYM đạt 2.000 tỷ đồng với khoảng 176.000 thành viên, khách hàng.
Đã có trên 120.000 phụ nữ tham gia TYM và thoát nghèo; hơn 7.000 phụ nữ đã trở thành doanh nhân vi mô, trong đó có 93 chị được trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam, 01 chị được trao giải Doanh nhân vi mô toàn cầu.
Trong suốt 29 năm qua, TYM đã giải ngân gần 1,6 triệu món vốn và điều khiến chúng tôi luôn tự hào là TYM đã đồng hành với chị em phụ nữ từ những thời điểm mà cơ hội được tiếp cận vốn vay của họ còn rất khó khăn. Bên cạnh việc cho vay, đội ngũ cán bộ TYM tại cơ sở thường xuyên khích lệ, tư vấn cho thành viên để sử dụng đồng vốn hiệu quả. Do đó, thành viên sử dụng vốn hiệu quả, tỉ lệ hoàn trả vốn luôn đạt trên 9,9%.
Riêng trong năm 2020, để hỗ trợ chị em gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, TYM đã thực hiện 7 lần giảm lãi suất các sản phẩm vốn vay, điều chỉnh nhiều chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ vay vốn. Đặc biệt TYM đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho thành viên vay vốn trong thời gian xảy ra dịch bệnh, giải ngân 3.835 tỷ đồng với tổng dư nợ vốn hơn 2.053 tỷ đồng.
Về huy động tiền gửi, trong năm 2020 số dư tiết kiệm của TYM vẫn đạt 1.775 tỷ đồng và có tăng trưởng so với năm 2019. Đặc biệt, năm 2020 là năm TYM tập trung cho nhiều hoạt động cộng đồng để hỗ trợ hiệu quả hơn cho thành viên TYM cùng gia đình, Hội Phụ nữ các cấp và cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong nhiều năm gắn bó với TYM, với hành trình mang vốn về cho chị em phụ nữ, hẳn có nhiều câu chuyện lập nghiệp của chị em khiến bà ấn tượng?
– Đúng là như vậy, mỗi câu chuyện khởi nghiệp của chị em đều là quá trình đấu tranh với chính bản thân mình, vượt qua cả những e ngại tâm lý để vươn lên khởi nghiệp.
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi câu chuyện của chị Dương Thị Tuyết, thành viên TYM tại huyện Ý Yên (Nam Định). Hành trình từ một người đồng nát trở thành doanh nhân tài chính vi mô toàn cầu do Quỹ Tài chính vi mô toàn cầu trao tặng là một chặng đường thấm đẫm mồ hôi nhưng cũng nhiều quả ngọt. Chị Tuyết cũng là doanh nhân vi mô đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng này.
Năm 1998, TYM triển khai hoạt động tại thôn của chị Tuyết, khi đó chị được cấp món vốn đầu tiên trị giá 500.000 đồng. Số tiền này giúp chị có thêm vốn để thu mua phế liệu, phục vụ cho nghề đúc đồng truyền thống của gia đình mà anh chị quyết tâm gây dựng lại. Ngay trong năm đầu tiên sau khi TYM cấp vốn, doanh thu cơ sở đúc đồng của chị Tuyết đạt được là 10 triệu đồng và cứ thế tăng dần theo từng năm.
Hiện, chị Tuyết đã trở thành một doanh nhân thành đạt, cơ sở đúc đồng của chị trở nên nổi tiếng nhưng chị vẫn là thành viên của TYM như những ngày đầu, số vốn của TYM trở nên quá nhỏ bé so với quy mô sản xuất của doanh nghiệp nhưng câu chuyện của chị Tuyết đã tạo cảm hứng cho nhiều chị em phụ nữ khác nỗ lực vươn lên.
Kể từ năm 1992 khi đồng vốn đầu tiên TYM mang đến cho phụ nữ nghèo, hẳn có nhiều khó khăn, rào cản mà bà và các thành viên TYM không thể nào quên được?
– Tôi không phải là người được chứng kiến và trải qua những ngày đầu hoạt động vất vả của TYM, song qua lời kể của những cán bộ đầu tiên của TYM những ngày tháng đó quả thực rất đỗi khó khăn nhưng cũng đầy tự hào.
Phải mất 2 -3 năm đầu, TYM kiên trì thuyết phục, giải thích về phương thức hoạt động của mình; vận động và hướng dẫn chị em tham gia vay vốn biết cách sử dụng vốn tạo thu nhập, chi tiêu tiết kiệm để có thể hoàn trả cho TYM.
Dần dần, sau vài vòng vay vốn, biết cách làm ăn, biết cách tiết kiệm và nhận ra được sự phù hợp của hình thức vay này, nhiều chị em đã tự tin vay vốn cao hơn để làm ăn và vận động chị em khác tham gia TYM.
Sau nhiều năm gắn bó với các hoạt động của TYM, sử dụng đồng vốn của TYM để phát triển kinh tế, nhiều chị em đã phát biểu: “Tôi sẽ ở với TYM đến cùng, khi nào TYM nghỉ tôi mới nghỉ” dù đồng vốn của TYM có thể đã quá nhỏ bé so với quy mô sản xuất hiện tại của họ.
Chúng tôi vô cùng xúc động vì những tình cảm mà chị em đã dành cho TYM. Những năm gần đây, TYM vẫn thường tổ chức cho cán bộ tham gia những chuyến đi về xã Minh Phú như là hoạt động tìm về cội nguồn, để ôn lại những tháng năm đầu tiên hoạt động của TYM, gặp những chị em tham gia TYM từ những ngày đầu đến nay để cùng thấy được ý nghĩa hoạt động của tổ chức mình, đồng thời nhắc nhở nhau cùng làm việc tốt hơn, mang lại nhiều hoạt động thiết thực hơn cho chị em.
Tôi luôn nhớ đến câu nói của ông Muhamad Yunus – được coi là cha đẻ của ngành tài chính vi mô: “Tài chính vi mô không phải là từ thiện. Đây là kinh doanh: kinh doanh với một mục đích xã hội là giúp con người thoát nghèo”. Chính vì vậy, chúng tôi xác định hỗ trợ phụ nữ thông qua tín dụng, tiết kiệm và hàng loạt các chương trình nâng cao năng lực cho phụ nữ thông qua hoạt động cộng đồng.
Sử dụng vốn hiệu quả là mục tiêu mà các tổ chức tín dụng tài chính đều hướng tới để đảm bảo sự phát triển bền vững. Với TYM, việc đó được đảm bảo như thế nào? Và ngoài vốn vay, thì phụ nữ còn cần điều gì?
– Như đã trao đổi, các gói tín dụng của TYM tuy không lớn nhưng quan trọng là nó được áp dụng linh hoạt, hợp lý, đúng thời điểm mà người phụ nữ cần.
Đặc biệt hơn, chúng tôi xác định mình không chỉ là tổ chức tín dụng đơn thuần, mà còn là người đồng hành cùng với chị em trong suốt quá trình chị em sử dụng vốn vay: từ việc tư vấn cho chị em tiếp cận mức vốn vay phù hợp với dự án, điều kiện, khả năng hoàn trả của mình đến việc đảm bảo họ vay vốn đúng theo mục đích đã đưa ra, hướng dẫn tiết kiệm chi tiêu để hoàn trả và tích luỹ cũng như hỗ trợ chị em tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý dự án…
Bên cạnh các sản phẩm tài chính, TYM còn có các hoạt động đa dạng khác mà “Nâng cao năng lực cho phụ nữ” luôn được TYM coi trọng.
TYM đã triển khai rất nhiều lớp đào tạo, từ những khóa học cơ bản nhất như học chữ đến những nội dung về giới, kinh doanh, giáo dục tài chính và cho đến nay là những chương trình đào tạo về công nghệ số.
Hàng năm, tùy thuộc vào nhu cầu của chị em ở mỗi khu vực, TYM cũng phối hợp với Hội Phụ nữ các cấp để tổ chức những buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên đề với nội dung chuyên sâu khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, gia đình, làm nông nghiệp,… và tổ chức những chuyến tham quan mô hình kinh tế điển hình cho chị em trực tiếp được học hỏi.
Bên cạnh đó, TYM cùng với các cấp Hội Phụ nữ tổ chức cho chị em tham gia vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các diễn đàn giao lưu, từ đó giúp chị em nâng cao đời sống tinh thần, giúp chị em có thêm kiến thức, kỹ năng và chủ động tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội.
Bằng nhiều cách thức và nội dung hỗ trợ, TYM đã góp phần vào việc tạo ra được những người phụ nữ tự tin ngày nay.
Từ nghìn đời nay, trong suy nghĩ của nhiều người qua nhiều thế hệ, phụ nữ Việt Nam vẫn là những người thiên về gia đình, làm chủ gian bếp nhiều hơn là đứng lên làm chủ kinh tế. Theo bà, việc khơi dậy ý chí vươn lên làm kinh tế của chị em thông qua hoạt động hỗ trợ cho vay vốn có phải là một quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ?
– Đúng là trong suy nghĩ của nhiều người, phụ nữ không nên đóng vai trò trụ cột về kinh tế, mà chỉ nên chăm lo chuyện bếp núc, chăm sóc con cái.
Suy nghĩ đó đã phần nào làm cho phụ nữ ngại nhận về mình trách nhiệm làm trụ cột về kinh tế, cũng như không muốn thử sức trong lĩnh vực này. Vì vậy, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, một số chị em vẫn không dám dấn thân vào lĩnh vực phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Bởi vậy, khơi dậy ý chí vươn lên làm giàu của chị em, đặc biệt chị em sống ở khu vực nông thôn là câu chuyện không phải dễ dàng.
Để có được nhiều chị em tự tin và thành công như hôm nay, TYM cùng với các cấp Hội phụ nữ cũng phải trải qua cả quá trình nâng cao nhận thức, động viên, khích lệ chị em tự tin vay vốn để triển khai dự án, đồng thời bền bỉ hướng dẫn chị em sử dụng vốn vay và đồng hành với chị em trong suốt quá trình triển khai dự án. Quá trình đó đúng là phải bền bỉ, nếu không thì chị em sẽ rất dễ bỏ cuộc.
Đồng hành với chị em phụ nữ trong quá trình vượt khó, khởi nghiệp trong nhiều năm qua, theo bà, để một phụ nữ khởi nghiệp thành công, có khó không?
– Khởi nghiệp với bất kỳ ai đều là một hành trình không dễ dàng, nhất là với phụ nữ nông thôn. Với những chị em có thu nhập thấp, sự khác biệt này còn lớn hơn rất nhiều.
Đơn cử, để khởi nghiệp thì vấn đề vốn được coi là rất quan trọng.
Hầu hết các khoản vay lớn thì đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Thế nhưng lại có rất ít phụ nữ tự mình quyết định dùng tài sản của gia đình để thế chấp, mà phải bàn bạc với gia đình.
Việc người chồng, hay các thành viên trong gia đình giao tài sản có giá trị của gia đình để người phụ nữ quyết định, theo tôi vẫn còn là việc không đơn giản.
Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều người phụ nữ rất sợ rủi ro, không dám tự mình đứng ra quyết định vấn đề lớn đó, điều đó dẫn đến việc có vốn để khởi nghiệp là rào cản đầu tiên.
Kế đến, phụ nữ nói chung vẫn còn nặng nề về công việc chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái, tự nhận việc đó là việc của mình. Vì vậy với việc phải thực hiện đồng thời nhiều vai trò, phụ nữ thực sự là vất vả.
Để đồng vốn đến với phụ nữ một cách dễ dàng, thuận lợi hơn, thời gian tới, TYM áp dụng những giải pháp gì, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp?
– Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn để mang đồng vốn đến với nhiều chị em hơn. Hiện, TYM đã có mặt tại 730 xã thuộc 80 huyện của 13 tỉnh/thành phố. Trong thời gian tới, TYM sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, triển khai hoạt động trên nhiều địa bàn hơn.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid 19, chúng tôi nhận thấy TYM cần phải cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nữa, nếu không thì hoạt động của tổ chức sẽ vô cùng khó khăn.
Hiện tại TYM đã hoàn thành việc triển khai phần mềm ngân hàng lõi. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác với các công ty fintech để đưa dịch vụ của TYM đến gần hơn và thuận tiện hơn cho chị em.
Quan trọng hơn, chúng tôi sẽ cùng với các cấp Hội Phụ nữ tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực phù hợp với tình hình hiện nay để giúp chị em tự tin hơn, chủ động hơn trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!