Sáng 3-3, tại không gian Cà phê thứ 7 (Hà Nội) diễn ra chuyên đề điện ảnh Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano, với sự tham gia của hai đạo diễn Đặng Nhật Minh và Phi Tiến Sơn.
Cả hai bộ phim đều làm về cùng một giai đoạn lịch sử: Hà Nội những năm 1946, 1947.
Đào, phở và piano bất ngờ gây sốt phòng vé thời gian qua nhờ hiệu ứng của mạng xã hội. Từ đây, nhiều khán giả trẻ “lục lại” Hà Nội mùa đông năm 46 – phim của đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh làm cách đây gần 30 năm trước.
Tiềm thức yêu nước đã có sẵn trong lòng công chúng
Phi Tiến Sơn là tác giả kịch bản lẫn đạo diễn của Đào, phở và piano. Ông đang ở nước ngoài nên giao lưu với khán giả qua màn hình trực tuyến.
Khi Đào, phở và piano bất ngờ hot, nhiều bạn bè và đồng nghiệp nhắn tin chúc mừng đạo diễn.
“Tôi rất bất ngờ và xúc động trước sự quan tâm của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Nhưng nói phim Đào, phở và piano là hiện tượng thì hơi quá lời”, ông Phi Tiến Sơn nói.
Theo ông, tiềm thức yêu nước và quan tâm tới lịch sử dân tộc đã có sẵn trong lòng công chúng.
Nhà làm phim chỉ có việc “bật đúng công tắc đó ra”, nhóm lửa để ngọn lửa đó bùng lên.
Ông cũng cho rằng phim nhận được tình cảm yêu mến “ngoài mong đợi”.
“Làm phim về đề tài lịch sử là một con đường chông gai, nhiều thử thách.
Hy vọng, từ hiệu ứng của Đào, phở và piano, sẽ có thêm những nhà làm phim khác, không chỉ Nhà nước mà cả tư nhân, quan tâm tới đề tài này”, đạo diễn Phi Tiến Sơn bày tỏ.
“Không nên là việc kéo dài”
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ làm phim có hai công đoạn gồm sản xuất và phát hành.
Với riêng phim nhà nước, từ khi xóa bỏ bao cấp, Nhà nước chỉ chú trọng khâu sản xuất, còn bỏ lửng khâu phát hành. Nhà nước chỉ giữ lại một rạp quan trọng nhất là Trung tâm Chiếu phim quốc gia.
“Lần này, phim Đào, phở và piano thu về 10 tỉ đồng. Nhân đây, Nhà nước đã quan tâm tới sản xuất cũng nên quan tâm cả khâu phát hành, bởi hai yếu tố nên đi song hành với nhau”, đạo diễn phim Hà Nội mùa đông năm 46 phát biểu.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn đề cập đến khái niệm “công nghiệp điện ảnh”, tức là khía cạnh kinh tế của điện ảnh.
“Đã sản xuất ra phải bán được hàng. Với phim nhà nước đặt hàng bấy lâu nay, chúng ta sản xuất sản phẩm mà chưa nghĩ đến việc bán sản phẩm”, ông nhìn nhận.
Theo ông Phi Tiến Sơn, chúng ta chỉ có một “cửa hàng” rất nhỏ là Trung tâm Chiếu phim quốc gia, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Và “ngay cả cửa hàng này cũng chưa hẳn là nơi bày bán, bởi nó giống như một phòng triển lãm thì đúng hơn. Chiếu một thời gian nào đó, ai đến xem thì xem”.
Đạo diễn phim Đào, phở và piano cho rằng nếu cứ vận hành theo cách này, “vừa tốn công, tốn sức của đoàn làm phim, đồng thời cũng là một ứng xử chưa tốt, phần nào đó coi thường khán giả và lãng phí tiền của Nhà nước”.
“Khán giả là khách hàng. Từ giờ trở đi, tôi nghĩ Nhà nước sẽ để ý khâu phát hành này hơn”, ông nói.
Ông Phi Tiến Sơn cũng cho rằng việc các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân tâm huyết với điện ảnh dân tộc, chiếu và hoàn 100% doanh thu về Nhà nước “cũng không nên là việc kéo dài và một mặt nào đó, cũng là không sòng phẳng với họ”.
Bởi lẽ, để vận hành bộ máy và hoạt động cũng rất tốn kém, không hề dễ dàng ở thời buổi này.
“Ngoài Trung tâm Chiếu phim quốc gia, khi nghe tin Cinestar, Beta Cinema chiếu phim Đào, phở và piano không công, thực tình tôi cũng đau bởi càng chiếu họ sẽ càng lỗ, chẳng thu được gì cả”, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.
Ông cũng mong từ đây, các cơ quan quản lý nhà nước tìm hướng ra cho dòng phim nhà nước đặt hàng.