Bị oan nhưng giải thích không ai tin
Đài CNN từng đưa tin về một trường hợp được ghi nhận trong nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Richmond ở New York (Mỹ): một người đàn ông ở Bắc Carolina (Mỹ) bị cảnh sát bắt vì tình nghi lái xe trong tình trạng say rượu.
Người đàn ông 50 tuổi khi ấy đã từ chối thổi vào máy đo nồng độ cồn của cảnh sát và được đưa đến bệnh viện. Tại đây, nồng độ cồn trong máu ban đầu của ông được phát hiện là 0,2%, gấp gần 2,5 lần giới hạn cho phép và tương đương với việc uống 10 ly rượu/giờ. Tuy nhiên, ông liên tục thề thốt mình chưa uống gì. Tất nhiên cảnh sát không tin, các bác sĩ cũng không tin.
Sau đó, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Richmond ở New York phát hiện hóa ra ông nói thật. Ông không uống bia hay cocktail, nhưng một loại men trong ruột của ông lại có khả năng chuyển hóa carbohydrate trong thức ăn của ông thành cồn. Đây là một trong những dạng “nồng độ cồn nội sinh”.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí BMJ Open Gastroenterology. Người đàn ông được chẩn đoán mắc một tình trạng y tế hiếm gặp được gọi là hội chứng “nhà máy bia tự động” (ABS), còn được gọi là hội chứng lên men đường ruột.
Hội chứng này xảy ra khi nấm men trong đường tiêu hóa khiến cơ thể chuyển hóa carbohydrate ăn vào qua thức ăn thành cồn. Quá trình này thường diễn ra ở đường tiêu hóa trên, bao gồm dạ dày và phần đầu của ruột non.
Fahad Malik, tác giả chính của nghiên cứu và là trưởng khoa nội khoa tại Đại học Alabama ở Birmingham (Mỹ), nói những bệnh nhân này thường có những biểu hiện như những người nghiện rượu: mùi, hơi thở, hay buồn ngủ, thay đổi dáng đi.
Với người đàn ông bị oan trên, các chuyên gia nhận định rằng loại thuốc kháng sinh mà ông dùng nhiều năm trước đã làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của ông và tạo điều kiện cho nấm phát triển trong cơ thể ông.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng liệu pháp chống nấm và men vi sinh để giúp bình thường hóa vi khuẩn trong ruột của ông. Đến nay, ông vẫn duy trì liệu trình và có hiệu quả.
Tất nhiên cũng có đôi lần ông ấy ăn pizza hay uống nước ngọt quá trớn, bệnh cũ tái phát, nồng độ cồn trong cơ thể ông lại tăng vọt như vừa nhậu một trận xong.
Nhưng đến khoảng 1,5 năm sau nghiên cứu, ông đã có thể ăn uống bình thường, nhưng thỉnh thoảng vẫn tự kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở.
Những trường hợp nào dễ bị đo sai nồng độ cồn?
Máy kiểm tra hơi thở hay máy đo nồng độ cồn là thiết bị đo lượng cồn trong không khí mà một người thở ra, từ đó có thể tính toán nồng độ cồn trong máu (BAC).
Thông thường sau khi uống rượu bia, cơ thể người sẽ hấp thụ ethanol có trong rượu qua niêm mạc dạ dày vào máu. Vì ethanol dễ bay hơi nên khi máu bão hòa, cồn sẽ đi qua các mao mạch ở phế nang của phổi, một ít ethanol bay hơi sẽ khuếch tán vào các túi phế nang và hòa vào các khí trong phổi.
Nhiều máy đo nồng độ cồn nhờ vào các phản ứng hóa học. Hơi cồn trong hơi thở của người phản ứng với một dung dịch màu cam có trong máy là kali dicromat. Một số loại máy tính toán khi tiếp nhận hơi thở, một chùm bức xạ hồng ngoại (IR) được truyền qua buồng lấy mẫu không khí.
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả đo nồng độ cồn. Chẳng hạn các hợp chất khác trong hơi thở, hay nhiệt độ, tình trạng sức khỏe của người được đo. Hoặc do mỡ trong cơ thể không hấp thụ rượu nên những người mập thường sẽ có BAC cao hơn, bởi nồng độ cồn trong các mô nạc của họ cao hơn.
Những người bị trào ngược dạ dày ruột cũng có thể thổi giá trị cao hơn BAC thực sự, vì rượu khí dung từ dạ dày chưa hấp thụ vào máu có thể được đưa vào hơi thở của họ do ợ hơi.
Những người mắc bệnh tiểu đường cũng thường có kết quả tăng cao sai lệch vì máu chứa hàm lượng axeton cao, chất mà các thiết bị phân tích hơi thở có thể nhầm lẫn với ethanol.
Có thể “qua mặt” máy đo nồng độ cồn?
Tiến sĩ Michael Hlastala, chuyên ngành sinh lý học, lý sinh và y học tại Đại học Washington (Mỹ), đã dành thời gian tìm hiểu các phương pháp truyền miệng được cho là có thể “đánh lừa” máy đo nồng độ cồn.
Một cách phổ biến được truyền tai nhau là ăn kẹo cao su hoặc kẹo bạc hà. Tuy nhiên kẹo cao su, bạc hà hoặc thuốc xịt chỉ có thể che đi mùi hôi chứ không thể thay đổi lượng cồn có trong hơi thở của bạn. Một số loại nước súc miệng the mát thậm chí còn chứa cồn và có thể làm tăng chỉ số BAC.
Một số người lại mách là máy đo nồng độ cồn sẽ không có hiệu quả cao với người hút thuốc, điều này cũng sai nốt. Trên thực tế trong phổi của người hút thuốc có mức acetaldehyde (một hợp chất hữu cơ) cao hơn hẳn so với người không hút thuốc.
Một thủ thuật từng được sử dụng nhiều ở Mỹ là liếm hoặc ngậm đồng xu, vì điều này được cho là “trung hòa” lượng cồn trong miệng, gián tiếp làm giảm giá trị BAC.
Tuy nhiên, không khí được phân tích trong những thiết bị này là từ phổi của bạn chứ không phải từ miệng, vì vậy nếu có loại bỏ cồn ra khỏi miệng cũng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả đo.