Bất ngờ hơn khi chủ sở hữu biệt phủ này đang làm thủ tục xin cấp phép chuyển đổi thành khu du lịch.
Công trình không phép yên vị gần thập kỷ
Ngay chân phía nam đèo Hải Vân, rẽ trái vào con đường nhỏ, chạy thêm chừng 500m là đến biệt phủ không phép gây xôn xao một thời của đại gia vàng Ngô Văn Quang (chủ một công ty khai thác vàng ở Quảng Nam).
Cổng chính khu biệt phủ không phép của đại gia vàng Ngô Văn Quang.
Khu biệt phủ rộng 1.400m2 nằm ở vị trí khá đẹp tại đồi Chim Chim, rừng đặc dụng Nam Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Bao quanh là tường rào bằng bê tông kiên cố đã ngả màu, rêu mốc. Cổng chính và cổng phụ của biệt phủ luôn trong tình trạng khóa cửa để tránh người lạ xâm nhập.
Bên trong không gian này vẫn còn một số người ở, hằng ngày chăm sóc cây cối, nuôi cá cũng như bảo vệ tài sản chưa được tháo dỡ, di dời.
Quan sát của PV Báo Giao thông, ngoài một số hạng mục đã bị đập bỏ, vẫn còn nhiều cây cảnh, đồ gỗ có giá trị. Một số căn nhà bê tông kiên cố còn tồn tại nhưng đã cũ kỹ do lâu ngày không được chăm sóc, trùng tu. Trước cổng là bức bình phong Phước Lộc Thọ lớn, được sơn vàng vẫn còn nguyên vẹn như 9 năm trước.
Theo tìm hiểu, khu biệt phủ này được ông Ngô Văn Quang xây dựng trong khoảng 5 năm, giá trị hơn 100 tỷ đồng. Đến năm 2014 thì bị chính quyền phát hiện là công trình xây dựng không phép trên đất rừng đặc dụng.
Trong quần thể không phép này có 10 công trình, gồm: Ba nhà rường gỗ mái lợp ngói, một nhà rường gỗ bát giác lợp ngói, một nhà tường, ba nhà xây gạch mái lợp ngói, một nhà lục giác lợp ngói và một cổng chính bằng gỗ.
Ngày 4/2/2015, UBND quận Liên Chiểu ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu ông Ngô Văn Quang tháo dỡ công trình không phép, trả lại nguyên trạng đất rừng trong thời hạn 35 ngày. Ông Quang tháo dỡ một căn nhà 15m2 và làm đơn cầu cứu, xin giữ lại làm khu du lịch tâm linh.
Sau nhiều lần gia hạn cưỡng chế, cuối năm 2015, UBND TP Đà Nẵng quyết định tạm dừng tháo dỡ để chờ ý kiến từ Thanh tra Chính phủ. Sau đó, Thanh tra Chính phủ thông báo thẩm quyền xử lý thuộc về Đà Nẵng. HĐND TP Đà Nẵng từng ra nghị quyết, yêu cầu chính quyền xử lý tháo dỡ quần thể biệt thự này.
Ngày 21/11/2018, thêm một lần nữa, UBND quận Liên Chiểu yêu cầu ông Ngô Văn Quang tháo dỡ khu biệt phủ xây trái phép. Lần này, chính quyền ấn định thời gian chủ nhân hoàn thành việc tháo dỡ trước ngày 31/12/2018. UBND quận Liên Chiểu cũng báo cáo Thành ủy Đà Nẵng về việc để ông Quang tự tháo dỡ.
Cách biệt phủ không phép của ông Quang chừng 1km, tại khu Suối Lương cũng có một biệt phủ khác bị phát hiện xây dựng không phép của Thiếu tướng Phan Như Thạch – nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam. Sau khi bị UBND quận Liên Chiểu mời lên làm việc, xử phạt, gia đình tướng Thạch đã cho tháo dỡ công trình không phép.
Trong khi đó, đã hơn 9 năm trôi qua, công trình của đại gia vàng Ngô Văn Quang vẫn còn tồn tại nhiều hạng mục nhà bê tông, tường rào, cổng ngõ kiên cố khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Số phận biệt phủ không phép sẽ ra sao?
Theo UBND phường Hòa Hiệp Bắc, từ năm 2018, sau khi tháo dỡ một phần công trình sai phạm, hiện khu biệt phủ của ông Ngô Văn Quang vẫn còn tồn tại nhiều hạng mục. Chính quyền địa phương cho hay, hiện có đơn vị đang viết phương án đề nghị quận, thành phố được thuê lại đất 50 năm theo Luật Đất đai để kinh doanh. Tuy nhiên, hướng xử lý thế nào là của quận, thành phố.
Nhiều công trình trong biệt phủ của ông Quang vẫn còn tồn tại sau 9 năm chính quyền yêu cầu tháo dỡ.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay, phía ông Quang và đối tác đang trình thành phố làm dự án khai thác du lịch dưới tán cây rừng và đang được cơ quan ban, ngành của thành phố hướng dẫn cách làm theo quy định pháp luật.
Theo luật sư Lê Minh Hương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP.HCM, với việc xin chủ trương đầu tư dự án làm du lịch thì doanh nghiệp cần thực hiện nhiều bước công việc khác nhau theo luật định. Nếu phù hợp với các quy định của pháp luật vẫn có thể thực hiện được dự án.
Các dự án đầu tư kinh doanh du lịch thuộc khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đều phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để đảm bảo việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình (phục vụ hoạt động du lịch) không ảnh hưởng lớn đến cấu trúc của hệ sinh thái rừng.
Đồng thời, dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chủ rừng phải xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được duyệt.
Cũng theo luật sư, sau đó, cá nhân, tổ chức cần phải được phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật, thỏa thuận đấu nối, phê duyệt PCCC. Xin giấy phép xây dựng, tiến hành nghiệm thu, đưa dự án vào hoạt động theo quy định.
“Như vậy, việc thực hiện thủ tục hành chính để có thể được thực hiện dự án, đưa vào kinh doanh là một hành trình với nhiều công đoạn khác nhau, việc thực hiện dự án cần được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo luật định”, luật sư Hương cho hay.
Dù vậy, theo một lãnh đạo quận Liên Chiểu, qua rà soát, hiện nay công trình không phép của ông Quang không còn nằm trong ba loại rừng, là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Ông Quang sau đó có đơn xin phối hợp với một công ty, nhằm biến nơi này thành khu du lịch.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư quận ủy Liên Chiểu cho biết, hiện nay quy hoạch phân khu sinh thái phía tây (phường Hòa Hiệp Bắc) đã được phê duyệt, đã có cơ cấu sử dụng đất cụ thể, có cụ thể ranh giới quy hoạch ba loại rừng. Phần còn lại đã được phân bố đất du lịch, đất thương mại dịch vụ, an ninh quốc phòng.
“Căn cứ vào quy hoạch này, mọi tổ chức, cá nhân có thể đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, cho lập các dự án, loại hình kinh doanh phù hợp với quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất để phát triển kinh tế – xã hội theo mục tiêu, định hướng của thành phố và quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được ban hành”, ông Bắc cho biết thêm.
Liên quan đến các biệt phủ xây dựng không phép trên núi Hải Vân, vào năm 2015, UBND quận Liên Chiểu đã thi hành kỷ luật ông Trần Phước Huấn (nguyên Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc) với hình thức khiển trách và kỷ luật ông Nguyễn Xuân Hoài (Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu) bằng hình thức khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng.