Nhiều lợi ích trong mô hình PPP++ đầu tư hạ tầng giao thông của Tập đoàn Đèo Cả
Ngày 1/3, tại TP. HCM, Tập đoàn Đèo Cả tổ chức Hội nghị “Tiềm năng và cơ hội đầu tư hạ tầng giao thông theo mô hình PPP++” nhằm nhận diện, thảo luận tiềm năng, cơ hội của các nhà đầu tư giao thông thông qua mô hình này.
Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hội nghị “Tiềm năng và cơ hội đầu tư hạ tầng giao thông theo mô hình PPP++”. |
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đặt ra mục tiêu có 5.000 km đường cao tốc. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, nhiều cơ chế đặc thù đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện triển khai dự án.
Tiềm năng đầu tư hạ tầng giao thông
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, để khuyến khích khối tư nhân tham gia, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án PPP với vai trò là vốn mồi, các doanh nghiệp được ưu tiên đầu tư, khai thác các dịch vụ liên quan đến dự án và được vay vốn tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi. Thêm vào đó, các dự án đầu tư công có thể được nhượng quyền khai thác, các địa phương nghiên cứu, triển khai cơ chế thu từ khai thác quỹ đất nơi dự án đi qua để đầu tư có hiệu quả, gia tăng giá trị công trình.
Bên cạnh đường bộ, việc phát triển đường sắt cũng đang được Chính phủ quan tâm. Quyết định 1769/QĐ-TTg đặt mục tiêu đến năm 2030 đầu tư 9 tuyến đường sắt với chiều dài 2.362km. Quỹ đất cho đường sắt được quy hoạch thích hợp để phát triển đô thị, khu chức năng (mô hình TOD) để tạo nguồn lực đầu tư. Xã hội hoá kinh doanh đường sắt, dịch vụ vận tải được đẩy mạnh để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Việc Chính phủ quyết tâm hoàn thành 5.000km đường cao tốc đến năm 2030 và những chuyển động của việc thực hiện đường sắt cao tốc là cơ hội việc làm rất lớn mở ra cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng giao thông.
Nhận định về phương án hiện thực hoá các mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông của Chính phủ, ông Hồ Nghĩa Dũng – nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, đầu tư hạ tầng giao thông cần một số vốn khổng lồ, nhà nước mạnh đến đâu cũng không thể “kham” hết được bằng đầu tư công. Do đó, nhà nước đã kêu gọi khối tư nhân tham gia đầu tư bằng phương thức PPP để phát triển hạ tầng công, dịch vụ công phục vụ nhân dân.
“Tuy nhiên, tư nhân dù mạnh đến mấy cũng không thể nào “đơn thương độc mã” hợp tác với nhà nước để làm nên công trình mà sẽ đóng vai trò là “leader – dẫn dắt” để tập hợp, kêu gọi các nhà đầu tư khác để tham gia đầu tư. Mô hình PPP++ là một sáng tạo của Đèo Cả để tạo ra nguồn lực đủ mạnh, cùng nhau thực hiện dịch vụ công. Đơn vị “leader” phải có đủ năng lực tài chính, con người, có thương hiệu và đặc biệt là năng lực quản trị thì mới có thể thu hút các nhà đầu tư khác. Đèo Cả là đơn vị hội tụ đủ các yếu tố để tập hợp, dẫn dắt được các nhà đầu tư khác để thực hiện thành công các dự án”, ông Hồ Nghĩa Dũng nói.
So sánh mô hình PPP truyền thống và mô hình PPP++ của Tập đoàn Đèo Cả. |
Cơ hội nào cho các nhà đầu tư?
Trong năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả dự kiến đầu tư, xây dựng 300km đường cao tốc, đường vành đai với tổng mức đầu tư hơn 82.000 tỷ đồng từ các dự án tiêu biểu như cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Tân Phú – Bảo Lộc, TP.HCM – Chơn Thành, Vành đai 4, TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận (giai đoạn 2)…
Mô hình PPP++ là giải pháp Đèo Cả đưa ra để huy động vốn cho dự án thông qua việc đa dạng hoá nguồn vốn huy động để tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Cơ cấu nguồn vốn của các dự án triển khai theo phương thức PPP++ được đa dạng hoá hơn so với mô hình PPP cơ bản. Ngoài vốn NSNN, vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng, cơ cấu nguồn vốn theo mô hình PPP++ có sự tham gia của nguồn lợi nhuận thi công từ chính dự án, trái phiếu, cổ phiếu, các hợp đồng BCC…
Các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu thiết kế – thi công (EC), hoặc thiết kế – cung cấp thiết bị – thi công (EPC). Phương thức này sẽ góp phần tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.
Với vai trò là nhà đầu tư dẫn đầu, Đèo Cả có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị dự án, đấu thầu thực hiện dự án, tổ chức quản lý dự án với vai trò là nhà đầu tư, trực tiếp làm việc với Cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, các bộ…).
“Chúng tôi không chỉ giải quyết các công việc trước mắt để tạo ra sản phẩm, tạo ra giá trị thực cho xã hội, mà song song với đó còn tham gia vào việc xây dựng thể chế chính sách, đấu tranh cho những bất cập để hoàn thiện, đưa ra luật chung cho cả xã hội”, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo cả khẳng định.
Để huy động các doanh nghiệp khác cùng tham gia đầu tư dự án, Đèo Cả phân cấp nhà đầu tư kèm theo các quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau. Nhà đầu tư “kiên định” tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, được trực tiếp tham gia đầu tư vào dự án và được hưởng các quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định, được ưu tiên lựa chọn phạm vi thi công, đăng ký khối lượng thi công phù hợp với phạm vi tham gia và năng lực.
Nhà đầu tư “bắc cầu” tham gia từ giai đoạn đấu thầu dự án, góp vốn thông qua nhà đầu tư dẫn đầu, được ủy thác đầu tư thông qua hợp đồng BCC với Tập đoàn Đèo Cả, hưởng các quyền lợi theo thỏa thuận, nhận khối lượng tương ứng với tỷ lệ tham gia đầu tư vào dự án nhưng có giới hạn.
Tại hội nghị, ông Hoàng Quang Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trung Thành cho biết, Trung Thành hiện là một trong những nhà đầu tư bắc cầu của Đèo Cả. Qua thời gian hợp tác, doanh nghiệp nhận thấy Đèo Cả có sự phát triển nhanh và chắc chắn, bền vững, có những điểm sáng khác biệt. Để trở thành các nhà đầu tư “kiên định”, “bắc cầu” hay “tiềm năng” thì bản thân các nhà đầu tư như chúng tôi cũng phải khẳng định được năng lực của mình.
“Chúng tôi xác định, để trở thành nhà đầu tư kiên định theo mô hình PPP++ thì phải kiên định đồng hành vượt qua khó khăn, rủi ro, thách thức, đồng thời phải đáp ứng được năng lực về tài chính, quản trị, nguồn nhân lực và tính chuyên nghiệp. Hiện tại, chúng tôi là nhà đầu tư bắc cầu và sẽ tiếp tục chứng minh năng lực để trở thành nhà đầu tư kiên định trong thời gian tới”, ông Trung chia sẻ.
Nhà đầu tư “tiềm năng” tham gia từ giai đoạn thực hiện dự án, góp kinh phí theo cơ chế quản lý dự án với vai trò là nhà thầu, được xem xét tham gia đầu tư vào các dự án trong tương lai, được giao khối lượng thi công phù hợp với năng lực nhưng giới hạn đầu tư nhỏ hơn nhóm nhà đầu tư “bắc cầu”.
Đối với các đối tác, khi đồng hành Tập đoàn Đèo Cả thực hiện các dự án theo mô hình PPP++, các nhà đầu tư, nhà thầu được gắn trách nhiệm và quyền lợi của cả 2 vai trò này.