Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phân tích việc cần làm để đưa ra giải pháp thu hút, giữ chân các tập đoàn lớn, uy tín trong lĩnh vực công nghệ.
Nội dung trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi điều hành phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 2/3.
Theo đó, các chính sách để Việt Nam thu hút, giữ chân các tập đoàn lớn, như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nhân lực, cải cách thủ tục hành chính.
“Đây là nhiệm vụ cần thực hiện năm nay để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ”, ông nói.
Số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký hai tháng đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng khoảng 37% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký mới gần 3,6 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ lượng dự án mới tăng 55% và quy mô vốn đầu tư lớn (400-600 triệu USD).
Hiện, công nghiệp chế – chế tạo dẫn đầu về thu hút vốn ngoại, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn được đánh giá là ngành trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.
Đến 2030, Việt Nam sẽ thành trung tâm công nghệ vi mạch bán dẫn (thiết kế, đóng gói và kiểm thử), theo chiến lược của Chính phủ.
Việt Nam thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành công nghệ, bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu. Nhiều tập đoàn như Apple, Boeing, Google đều cho biết mối quan tâm lớn đến đầu tư ở Việt Nam.
Tuy vậy, giới chuyên môn nhìn nhận, Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, do thiếu nhân lực chất lượng cao, chính sách hỗ trợ khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ đầu 2024.
Cũng tại phiên họp, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, kinh tế chuyển biến tốt hơn ở hầu hết lĩnh vực trong hai tháng đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 3,98% so với cùng kỳ, thu ngân sách đạt 23,5% dự toán. Xuất siêu hơn 4,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ 10 năm.
Hơn 41.000 doanh nghiệp gia nhập, quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, thiếu chính sách hỗ trợ và thủ tục hành chính chậm sửa đổi.
“Một số doanh nghiệp, dự án bất động sản vẫn gặp vướng mắc pháp lý, chậm được xử lý”, ông nhận xét.
Những điều này tạo sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh năm nay.
Vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành đưa ra giải pháp làm mới những động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ.