Ngành lâm nghiệp đã đạt được những kết quả như thế nào sau 3 năm triển khai chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thưa ông?
– Sau 3 năm triển khai chiến lược, với sự chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ ngành, sự phối hợp của các địa phương, ngành lâm nghiệp đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng trên tất cả các mặt: kinh tế, an sinh xã hội và môi trường.
Về kinh tế, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng ngày càng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt bình quân 15,8 tỷ USD, tỷ lệ xuất siêu cao. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt bình quân 3.650 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, năm 2023 đã thu được 4.130 tỷ đồng, trong đó có 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, thực hiện chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp.
Về an sinh xã hội, các hoạt động lâm nghiệp đã tạo ra việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp. Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với bình quân khoảng 6,2 triệu ha/năm, tạo nguồn thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rừng
Ông Nguyễn Bá Ngãi – Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam kiến nghị, để phát triển hơn nữa chiến lược lâm nghiệp thời gian tới, các cấp có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu bổ sung các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, trong đó thống nhất quy định về mã các loại đất lâm nghiệp và quy định cụ thể về đất sử dụng cho mục đích bảo vệ, phát triển rừng.
Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Bên cạnh việc hỗ trợ thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng, công nghệ còn giúp giám sát rừng theo thời gian thực, phục vụ phòng chống cháy rừng, cũng như truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì đạt 42,02%; tăng cường quản lý chặt chẽ và dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên; công tác bảo vệ và phát triển rừng có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường; góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, thực hiện các cam kết toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các mục tiêu khác về phát triển bền vững.
Trước những quy định mới của Luật Đất đai 2024, theo ông ngành lâm nghiệp cần có sự thay đổi như thế nào?
– Trước biến động của tình hình thế giới, những quy định mới của thị trường nhằm truy xuất nguồn gốc gỗ, ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành lâm nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ các rảo cản để thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp, đảm bảo an ninh quốc phòng, tiếp tục sửa đổi những quy định về pháp luật để đồng bộ hóa với những quy định mới của Luật Đất đai 2024, trong đó có Điều 248 về sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp. Cần có sự phân cấp, phân quyền việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả, phát triển rừng bền vững, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành nghị định để thi hành điều luật này, đồng thời ban hành chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân đảm bảo quản lý rừng bền vững như phát triển du lịch sinh thái, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Hiện nay, việc theo dõi thống kê đất đai có sự chênh lệch giữa ngành lâm nghiệp và tài nguyên môi trường. Do vậy, chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ ban hành quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, trong đó xác định chỉ tiêu rõ ràng về các loại rừng: đâu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, trên cơ sở đó các địa phương rà soát, kiểm kê, đóng mốc ranh giới đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu đất đai, từ đó quản lý ổn định, giúp huy động các nguồn lực trong phát triển rừng.
Ngành lâm nghiệp cũng đang ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm kết nối với 1 triệu chủ rừng, quản lý đến từng lô, từng khoảnh rừng, cập nhật diễn biến hàng năm về sự phát triển của rừng.
Điểm mới của Luật Đất đai 2024 là mở rộng đối tượng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng, với hạn mức nâng lên tới 15 lần. Quy định này có tác động như thế nào đến việc thực hiện chiến lược, thưa ông?
– Hiện nay, với việc giao đất giao rừng, đối tượng nhận đất, nhận rừng, Luật Lâm nghiệp được sửa đổi đồng bộ hóa với Luật Đất đai 2024. Ngành lâm nghiệp cũng đang tham mưu Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi để đồng bộ đối tượng này, đơn giản hóa thủ tục hành chính để người dân yên tâm sản xuất trên mảnh đất được giao
Trong năm 2024, ngành lâm nghiệp sẽ phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương thực hiện tổng điều tra, kiểm kê rừng, từ đó xác định chất lượng rừng, các lô rừng gắn với các chủ rừng, rà soát ranh giới rừng chưa có chủ để thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng.
Trong 14,7 triệu ha đất rừng và đất có rừng, có khoảng 3,3 triệu ha chưa có chủ thực sự, tạm giao cho UBND các xã quản lý. Trên cơ sở Luật Đất đai 2024 đã được ban hành, nghị định hướng dẫn đồng bộ, trên cơ sở kết quả điều tra rừng, chỉ đạo của Chính phủ, những diện tích rừng này sẽ tiếp tục rà soát, giao cho các đối tượng, ưu tiên giao cho người dân để bà con có tư liệu sản xuất, đảm bảo sinh kế, ổn định cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!