Chiều 29.2, phát biểu tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân đầu xuân Giáp Thìn 2024 của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, khi Bộ VH-TT-DL đưa ra con số “ước lệ” là 350.000 tỉ đồng cho chương trình chấn hưng văn hóa Việt Nam một số người lên tiếng cho rằng tiêu quá nhiều tiền trong khi nhân dân còn khó khăn.
Bày tỏ không đồng tình với các ý kiến này, ông Nguyễn Quang Thiều nói: “Quan điểm của các nhà văn, trong đó có tôi, rằng 350.000 tỉ vẫn là con số rất ít. Vì để đầu tư văn hóa vô cùng lớn. Đầu tư văn hóa không phải chúng ta trồng khoai tây, khoai lang mà trồng tháng 1 đến tháng 4 có thể dỡ được khoai mà phải mất hàng trăm năm”.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một người ném bọc rác ở nơi công cộng chỉ mất 10 giây nhưng để một con người đi qua nơi công cộng nhìn thấy bọc rác, tự động nhặt bỏ vào thùng thì phải mất hàng trăm năm.
“Đó là thời gian hình thành vẻ đẹp, hành vi văn hóa. Nên tôi nghĩ đầu tư văn hóa là điều vô cùng cần thiết”, ông Thiều nói.
Dẫn lại phát biểu tại Quốc hội của nhà thơ Hữu Thỉnh khi là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc hội, rằng nếu chúng ta tiết kiệm hay bớt một đồng chi cho văn hóa thì phải bỏ ra 1.000 đồng xây nhà tù, ông Thiều cho rằng, “câu nói này không mang tinh thần thơ ca mà là chân lý, chứa đựng tầm quan trọng của văn hóa”.
Vẫn theo Chủ tịch Hội Nhà văn, câu nói của người tiền nhiệm của ông đồng thời cảnh báo nếu chúng ta bỏ rơi văn hóa, nếu tiết kiệm hay bớt đi một đồng chi cho văn hóa thì một trăm năm sau, con cháu chúng ta phải cùng nhau bỏ tiền xây nhà tù cho những vấn đề về đạo đức, về nhân cách.
“Tôi nghĩ Nhà nước cần chính sách đầu tư hợp lý, chính xác cho văn hóa”, ông Thiều kiến nghị. Ông cho hay, từ khi làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông trở thành “người ăn xin” đầy kiên nhẫn, và đầy cảm hứng.
Ông Thiều dẫn lại dự án của Hội Nhà văn Việt Nam về việc tặng sách miễn phí cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, cho biết, đến năm 2023, sau 2 năm triển khai dự án, Hội Nhà văn Việt Nam đã chuyển giao 7 vạn sách cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.
“Nhiều trẻ em không có sách trong nhà. Nhà họ có xe máy, có điều hòa, có tủ lạnh nhưng không có quyển sách nào. Tôi lại nghĩ đến câu chuyện một con gà ăn kim cương, ở trong nhà bằng vàng, móng vuốt bằng vàng nhưng không có khả năng trở thành người có tâm hồn chỉ vì con gà đó không có khả năng tiếp nhận các giá trị văn hóa”, ông Thiều ví von, khẳng định, khi đất nước có nền chính trị bền vững, có vị thế trên toàn thế giới cộng với nền văn hóa tốt thì quốc gia đó là quốc gia lớn mạnh, không sợ đe dọa sự tồn vong của dân tộc.
Đảng, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ, đầu tư tối đa
Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân cũng kiến nghị, Đảng, Nhà nước cần chăm lo phát triển toàn diện cả vật chất, tinh thần để đội ngũ có điều kiện sáng tạo, cống hiến nhiều nhất, các tài năng nghệ thuật trẻ cần được phát hiện sớm, đào tạo bồi dưỡng bài bản, tôn vinh và được trọng dụng.
Ông Quân cũng kiến nghị, cần đổi mới chế độ đãi ngộ, sử dụng, tôn vinh tài năng đối với văn nghệ sĩ; thu hút nhân tài người Việt trên thế giới để phục vụ, cống hiến cho nhân dân nước nhà.
“Việc khen thưởng tài năng, tôn vinh sự nghiệp sáng tạo xuất sắc của văn nghệ sĩ cần được xem xét toàn diện, chặt chẽ, khoa học, công tâm, minh bạch và kịp thời; tạo phấn khởi tin tưởng trong xã hội, đồng thuận, đoàn kết trong toàn giới”. ông Quân nêu.
Về cơ chế, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học học nghệ thuật kiến nghị cần đặt sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia, và là thành phần quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ông cho rằng, những loại hình văn học nghệ thuật trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ quyền, thống nhất quốc gia, dân tộc đến các giá trị cốt lõi của văn hóa, con người Việt Nam thì Đảng, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ, đầu tư tối đa để đảm bảo có tác phẩm chất lượng cao về tư tưởng, nghệ thuật; có sức sống lâu bền, sự lan tỏa rộng khắp trong xã hội.
Cạnh đó, ông Quân đề nghị cần đưa tác phẩm về với người dân, thiếu niên, nhi đồng, học sinh vùng sâu, vùng xa, nông thôn, biên giới, hải đảo. Ông Quân cũng nhắc tới dự án của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc trực tiếp đưa hàng vạn cuốn sách về vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trao tận tay các em học sinh miền núi, trở thành tài sản cá nhân của các em học sinh, được Đảng, Nhà nước ghi nhận.