Những vùng biên viễn núi cao có các cây quý như cụm 3 cây gạo – đa tía – muỗm ở đền Kỳ Sầm (thành phố Cao Bằng) hay cây sấu 300 năm tuổi ở khu vực cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng, Cao Bằng), nằm sát biên giới Việt – Trung, cao tới 38m, đường kính thân 3,13m. Nhiều người biết tới chè Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) nhưng hẳn sẽ bất ngờ trước một quần thể 400 cây có tuổi đời từ 1 đến 3 thế kỷ đã được ghi nhận là cây di sản. Một loài cây đã thành biểu tượng Tây Nguyên là cây kơ nia (còn gọi là cây cầy), phổ biến cả ở miền Nam Trung Bộ, có đến vài cây di sản như ở Bình Chương (Bình Sơn, Quảng Ngãi) hay Khánh Trung (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa).
Cũng ở Tây Nguyên, nhiều cây đa hay cây dầu rái được ghi nhận, bên cạnh những cây có nguồn gốc đặc biệt như hai cây long não tại dinh Bảo Đại (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) hay cây bồ đề ở Yang Lành (Buôn Đôn, Đắk Lắk) do một nhà sư từ Lào mang đến trồng vào 140 năm trước. Những cây cổ thụ ở các khu bảo tồn hấp dẫn du khách như cây đa trên bán đảo Sơn Trà là địa bàn trú ngụ của loài voọc chà vá chân nâu hay cây đa ven hồ Tà Đùng (Đắk Glong, Đắk Nông), địa điểm yêu thích của dân “phượt”.
Còn rất nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm, đánh dấu nơi cư trú lâu đời của người Việt như cây gạo 750 tuổi do một công chúa đời Trần trồng ở đền Mõ (Kiến Thụy, Hải Phòng), rặng thị cổ thụ 17 cây ở Đồ Sơn hay cây đa tía 13 gốc cũng ở Hải Phòng, vùng đất duyên hải nhiều dấu ấn lịch sử. Ngôi làng cổ Phước Tích (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đẹp về cảnh quan bên dòng sông Ô Lâu với những cây cổ thụ như cây thị và cây bàng tuổi đời 500 – 600 năm. Mái đình làng quê luôn gắn với những cây to đẹp như cây đa đình làng Nôm (Văn Lâm, Hưng Yên), cây đề cổng đình Phú Hậu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) hay các đền, chùa cũng không thể thiếu một tán xanh vĩ đại trùm lên như cây vối chùa Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang), cây đa – thị ở khu di tích Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Cây di sản được ghi nhận đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long là vùng cây ở Giàn Gừa (Phong Điền,
Cần Thơ), một loại cây si ở địa hình ngập nước tạo thành mạng thân đan quyện, xoắt xuýt như tấm lưới khổng lồ trải trên diện tích rộng tới 4.000m2, với tuổi đời chừng 150 năm, gắn với những di tích khai hoang lập ấp và thời cách mạng. Vùng Nam Bộ còn có cây bạch mai hơn 300 tuổi ở đình Phú Tự (Phú Hưng,
Bến Tre), một trong những “danh mộc” cho loài hoa biểu tượng miền Nam. Gắn với di chỉ văn hóa Óc Eo ở vùng Tri Tôn (
An Giang) là những cây dầu rái 700 tuổi, cây me chua 300 tuổi. Thậm chí ở những vùng đất mới cũng đã kịp có những cây lâu đời như cây xoài hơn 340 tuổi ở Vĩnh Trạch Đông (
Bạc Liêu).
Ở những vùng đảo xa lại ghi nhận các loại cây có sức chịu đựng gió bão như cây bàng ở Côn Đảo, cây phong ba ở đảo Song Tử Tây hay cây bàng vuông ở các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết – những hòn đảo trong quần đảo Trường Sa ngoài khơi biển Đông.
Ngay tại trung tâm
Hà Nội, có rất nhiều cây cổ thụ đã làm nên cảnh sắc của không gian đô thị lâu đời như cây gạo bên hồ Gươm, cây đa trên phố Hàng Trống, trước cửa đền Quán Thánh… Một số cây lạ như 7 cây săng đào (Swietenia macrophylla King) trong khuôn viên Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, gắn với lịch sử ra đời của đại học Đông Dương đầu thế kỷ 20.
Công cuộc ra đời nước Việt Nam độc lập cũng gắn với địa danh có một cây cổ thụ nổi tiếng: cây đa Tân Trào (Sơn Dương,
Tuyên Quang). Một câu hát đã khắc họa biểu tượng này: “Bóng đa Tân Trào đọng lời thiết tha. Nắng in Ba Đình còn nghẹn lòng ta” (Tiếng hát giữa rừng Pác Bó – Nguyễn Tài Tuệ).
Những cây tuổi đời ngang với những niên kỷ lập quốc và trải qua sự biến thiên của đất trời đã là những di sản minh chứng cho một hệ sinh thái giàu có của nước Việt. Dưới những tán cây xanh, người nay vẫn có thể tìm thấy câu chuyện của nguồn cội, của vòng sống bất tận đầy sức xuân trên trái đất này.