Tượng Trịnh Công Sơn vừa được khánh thành chiều 28-2 tại công viên Trịnh Công Sơn (đường Trịnh Công Sơn, TP Huế) đúng 85 năm ngày sinh của ông.
Tượng được điêu khắc gia Trương Đình Quế thực hiện, do một doanh nhân ở TP.HCM yêu nhạc Trịnh tài trợ và tặng TP Huế, làm bằng chất liệu đồng, cao 1,7m, rộng 1,6m, dài 2,3m.
Ngay sau khi tượng được khánh thành và một số hình ảnh được truyền đi trên mạng xã hội, bức tượng nhận về hai chiều khen – chê từ chính những người hâm mộ nhạc Trịnh.
Trước đây tượng Trịnh Công Sơn ở TP Quy Nhơn cũng bị cộng đồng mạng chê dữ đội.
Lúc đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định làm việc với đơn vị tư vấn chỉnh sửa tỉ lệ và một số chi tiết cụ thể đối với phần tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và góp ý của gia đình cố nhạc sĩ.
Về bức tượng lần này, một số ý kiến cho rằng điêu khắc gia Trương Đình Quế lột tả được thần thái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “tượng có hồn”, “thể hiện được cái tư lự của Trịnh Công Sơn”, “nhìn tượng nhớ ông”…
Bên cạnh đó, một số ý kiến nhận xét “thật lạ khi tác giả Trương Đình Quế cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi giày lười. Trịnh Công Sơn không bao giờ đi giày đó. Bức điêu khắc vì vậy giảm giá trị hẳn”.
Có không ít người bình luận về tạo hình của tượng: “Đáng chê là dáng ngồi bắt chân chữ ngũ, không Trịnh Công Sơn chút nào”, “dáng ngồi trông ta đây”, “ngồi ngạo nghễ”, “phong cách Trịnh Công Sơn nhẹ nhàng, khiêm tốn hơn”…
Gia đình Trịnh Công Sơn nói gì?
Trả lời Tuổi Trẻ Online trưa 29-2, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái út của cố nhạc sĩ – chia sẻ “gia đình xin ghi nhận và trân trọng tất cả mọi đóng góp, ý kiến vì khen hay chê cũng đều xuất phát từ lòng ái mộ anh Sơn”.
Còn về nhận xét của người hâm mộ, em gái nhạc sĩ kể lúc còn sống, “anh Sơn thường mang giày cột dây nhưng thỉnh thoảng vẫn mang giày lười. Có chứ không phải không”.
Về thế ngồi, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói “anh Sơn thường xuyên như vậy”.
Theo lời kể của bà, lúc còn sống, nhạc sĩ hay ngồi một mình như vậy ở nhà. Ông có “kiểu ngồi như nửa ngồi nửa nằm, tay đặt ở trán hoặc cầm điếu thuốc và suy nghĩ, hoặc suy tư một điều gì đó”.
Trước đó, nói với Tuổi Trẻ Online ngày 26-2, nhận xét về bức tượng, ông Nguyễn Trung Trực – chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, đại diện gia đình – cho rằng “tượng đẹp, thể hiện đúng thần thái, chất nghệ sĩ và rất Trịnh Công Sơn”.
“Anh Sơn ơi, giờ anh đã có thể yên bình ngắm dòng sông Hương”
Phát biểu tại lễ khánh thành tượng Trịnh Công Sơn ngày 28-2 tại Huế, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh xúc động chia sẻ:
“Sinh thời, anh Sơn đã đi, đã gắn bó với nhiều mảnh đất trên đất nước Việt Nam thân yêu nhưng Huế mãi là nguồn cội, là mảnh đất tạo nguồn cảm hứng và đã để lại dấu ấn to lớn trong sự nghiệp sáng tác của anh.
Nếu không có Huế, ta sẽ khó hình dung diện mạo âm nhạc hoàn chỉnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Việc đặt tượng Trịnh Công Sơn tại đây chính là sự trở về của anh đối với mảnh đất quê hương của chúng ta. Anh Sơn ơi, vậy là giờ đây anh đã có thể yên bình ngắm dòng sông Hương và nhịp đời lặng lẽ trôi qua theo cách mà anh hằng mong muốn”.