Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác sản phẩm sâm củ, các sản phẩm chế biến từ sâm củ gắn với chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Ngọc Linh Kon Tum”, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu ngành chức năng quản lý chặt chẽ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống sâm (hạt giống, cây giống) không rõ nguồn gốc, sâm củ và các sản phẩm chế biến từ sâm củ Ngọc Linh chưa được cấp quyền sử dụng hoặc vi phạm quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Ngọc Linh Kon Tum”.
Công an, Quản lý thị trường, UBND huyện, Sở Khoa học và Công nghệ… có giải pháp, biện pháp hành chính trong quản lý từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum. Bảo vệ danh tiếng, chất lượng và thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum, củng cố niềm tin, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người sản xuất và tiêu dùng sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Với diện tích gần 1.800ha sâm Ngọc Linh được trồng ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei, đến nay Kon Tum là tỉnh có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất nước. Mỗi năm, Kon Tum có khả năng cung ứng hơn 1 triệu cây giống cho người dân.
Hiện nay, lượng sâm Ngọc Linh khai thác, bán ra thị trường chủ yếu sâm trồng hoàn toàn tự nhiên trên núi. Do vậy, công tác bảo vệ, bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn.