Ngay sau khi Đại học Quốc gia TP.HCM công bố chương trình thu hút, giữ chân và phát triển 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại Đại học Quốc gia TP.HCM (chương trình VNU350), nhiều trường thành viên cũng xây dựng chính sách đãi ngộ hấp dẫn, trả lương “khủng” thu hút người tài.
Giáo sư được trả 350 triệu đồng khi về làm việc tại trường
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân – giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, các trường thành viên của đại học này về cơ bản có môi trường làm việc đáp ứng được nhu cầu của các nhà khoa học xuất sắc.
“Thu nhập ở các trường có xu hướng ngày càng tăng. Nếu Đại học Quốc gia TP.HCM và các đơn vị sát cánh với nhau chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhân tài”, ông Quân khẳng định.
Cũng theo ông Quân, trong năm học 2024-2025 Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ giải ngân khoảng 100 triệu USD ở nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới để xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trường đại học Khoa học sức khỏe và hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, phục vụ đào tạo, nghiên cứu.
Đây là điều kiện hết sức quan trọng để tạo ra được sức mạnh hệ thống, từ đó thu hút người trẻ xuất sắc về làm việc.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cũng cho biết năm qua, nhà trường xác định việc áp dụng chính sách để nhà khoa học có không gian làm việc thân thiện, tiện nghi để an tâm nghiên cứu và dạy giảng dạy.
“Nhà trường áp dụng chính sách thu hút một lần là giáo sư 350 triệu đồng/người, phó giáo sư 250 triệu đồng/người, tiến sĩ 150 triệu đồng/người.
Đó chỉ là những con số thể hiện quyết tâm của chúng tôi ở thời điểm mời gọi nhà khoa học về làm việc. Chúng tôi nhận thức được rằng để giữ chân nhà khoa học và để họ phát triển cần phải có không gian tốt”, ông Khánh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khánh, chính sách của nhà trường đưa ra hai hướng để phát triển nhà khoa học: bổ nhiệm làm lãnh đạo cấp bộ môn, khoa, ban giám hiệu; chuyên gia với 3 bậc, trong đó chuyên gia bậc 3 được đối xử tương đương như phó hiệu trưởng, bậc 2 tương đương trưởng khoa và bậc 1 tương đương phó trưởng khoa.
“Như vậy, các nhà khoa học không làm lãnh đạo, quản lý vẫn có chế độ đãi ngộ tương xứng để họ thực hiện các hoạt động chuyên môn của mình”, ông Khánh cho biết thêm.
Trả lương dựa trên vị trí việc làm và những đóng góp cụ thể
PGS.TS Mai Thanh Phong – hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho biết ông đánh giá cao chương trình VNU350. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn và mục tiêu của các trường thành viên.
Tại Trường đại học Bách khoa, ngoài chính sách hỗ trợ chung của Đại học Quốc gia TP.HCM theo chương trình VNU350, nhà trường còn có chế độ, chính sách thu hút và giữ chân người tài. Chính sách của nhà trường áp dụng chung cho mọi nhà khoa học là những người đang làm việc tại trường và người sẽ vào làm việc.
“Mới đây, nhà trường đã triển khai chế độ tiền lương mới, trả thu nhập dựa trên vị trí việc làm và những đóng góp cụ thể: giáo sư hoàn thành tốt nhiệm vụ thu nhập 60 triệu đồng/tháng, phó giáo sư 50 triệu đồng/tháng, các tiến sĩ trẻ vừa về trường làm việc thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng. Nhà trường còn hỗ trợ không gian làm việc cho các thầy cô”, ông Phong cho biết thêm.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh – hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho hay năm 2021 khi được phê duyệt đề án tự chủ, nhà trường đã triển khai ngay chính sách thu hút tiến sĩ với mức lương 35-55 triệu đồng.
Từ đó đến nay, thu nhập trung bình của cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ trở lên ở trường khoảng hơn 60 triệu đồng/tháng. Tiến sĩ không làm quản lý thu nhập khoảng 35 triệu đồng/tháng. Nếu các thầy cô có tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu sẽ có thu nhập cao hơn, sống tốt hơn nữa.
“Với chương trình VNU350 sẽ thêm động lực cho chương trình trường chúng tôi đang triển khai. Những tiến sĩ về trường làm việc bên cạnh vấn đề thu nhập, họ còn rất quan tâm đến môi trường làm việc.
Đại học Quốc gia TP.HCM là nơi có tính cộng đồng và hỗ trợ cao. Các trường thành viên đều quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây thực sự là môi trường làm việc tốt”, bà Tú Anh nói.