Nằm trên biển Nhật Bản, “hòn đảo vàng” Sado không chỉ cuốn hút du khách nhờ chặng đường lịch sử ấn tượng từ thời Mạc phủ Tokugawa, mà còn hằn sâu trong tâm thức người dân với nền văn hóa địa phương đặc trưng.
Nằm trên biển Nhật Bản, đảo Sado có tổng cộng 55 mỏ khai thác vàng, bạc và trong suốt 400 năm kể từ thời Edo, nơi đây đã sản xuất 78 tấn vàng, 2.330 tấn bạc. (Nguồn: sadotravel.wordpress) |
Đảo Sado nằm ở thành phố Sado, tỉnh Niigata, Nhật Bản. Theo Kojiki (Cổ ký sự) – biên niên sử xuất hiện sớm nhất của đất nước Mặt trời mọc, đây là hòn đảo thứ 7 do 2 vị thần Izanagi và Izanami tạo nên.
Theo tài liệu khảo cổ, Sado có người sinh sống cách đây khoảng 10.000 năm, có một giai đoạn lịch sử thịnh vượng gắn liền với thứ kim loại quý – vàng.
Năm 1601, mỏ vàng được phát hiện trên đảo Sado và Tướng quân Tokugawa Ieyasu đã tiến hành khai thác, kiểm soát trực tiếp. Nó trở thành nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng cho Mạc phủ Tokugawa – đến nay là chính quyền lâu dài và ổn định nhất trong lịch sử Nhật Bản với 260 năm trị vì. Mạc phủ Tokugawa, Mạc phủ Edo hay thời kỳ Edo là các tên gọi khác nhau cho cùng thời kỳ cầm quyền của nhà Tokugawa, từ năm 1603-1868
Năm 1952, hầu hết các mỏ vàng bị bỏ hoang và chỉ còn khoảng 10% tổng số nhân viên khai thác ở lại trên đảo. Năm 1989, mỏ vàng cuối cùng bị đóng cửa hoàn toàn và Sado dần chuyển hướng sang phát triển ngành du lịch. Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio công bố kế hoạch đề cử Mỏ vàng Sado là Di sản thế giới của UNESCO.
Tiến sĩ Miles Oglethorpe, Chủ tịch Ủy ban quốc tế về bảo tồn di sản công nghiệp (TICCIH) cho biết: “Vào đầu thế kỷ XVII, Nhật Bản chiếm tới 1/5 nguồn cung vàng của thế giới, hơn một nửa trong số đó được cho là có nguồn gốc từ Sado”.
Đường hầm Sodayu – một hầm mỏ khai thác kim loại vào đầu thời kỳ Edo. (Nguồn: city.sado.niigata.jp) |
Ngày nay, du khách có thể tìm về thời hoàng kim của Sado tại khu vực quận Aikawa, nơi từng sở hữu mỏ vàng và bạc lớn nhất thời Mạc phủ Tokugawa. Nơi đây từng chỉ có khoảng chục ngôi nhà nằm dọc bờ biển trước khi mỏ vàng được phát hiện, nhưng rồi dân số gia tăng nhanh chóng, có thời điểm lên tới 50.000 người vào những năm 1610, 1620. Hiện mỏ vàng mở cửa cho khách tham quan với một bảo tàng trưng bày và giới thiệu hoạt động khi xưa.
Không chỉ nổi tiếng với mỏ vàng, nền văn hóa đảo Sado phần lớn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong tục vùng Hokuriku và miền Tây Nhật Bản, với việc các quý tộc, trí thức lưu vong trong thời Kamakura (1185-1333) và Muromachi (1336-1573) mang đến đây những loại hình văn hóa cung đình như thơ ca, nhạc cụ.
Ngoài ra, Onidaiko (hoặc Ondeko – điệu múa mặt nạ thần) là loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống hiếm hoi chỉ xuất hiện trên đảo Sado. Hơn 120 ngôi làng ở đây sở hữu nhóm Onidaiko và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Khi thực hiện Onidaiko, người biểu diễn đeo mặt nạ Oni và nhảy múa theo nhịp trống khuấy động. Đây được xem như một nghi lễ của Thần đạo nhằm xua đuổi tà ma và cầu nguyện cho vụ mùa bội thu.