Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023 và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (gọi tắt là Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023) sẽ được tổ chức từ ngày 24 đến 28-4-2023 (tức ngày 5 đến 9-3 âm lịch). Lễ hội là dịp để tôn vinh công đức và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân.
Đây cũng là dịp để quảng bá sâu rộng những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội truyền thống – Lễ hội đền thờ Lê Hoàn đến bạn bè trong nước và quốc tế. Để hiểu rõ hơn về các hoạt động Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023 và ý nghĩa của việc vinh danh di sản văn hóa này, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân.
PV: Thưa đồng chí, tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, kỷ niệm 1018 năm Ngày mất Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành (8-3 Ất Tỵ 1005 – 8-3 Quý Mão 2023) và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được huyện triển khai ra sao?
Ông Nguyễn Xuân Hải: Năm 2023, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức vào dịp rất đặc biệt, ngoài kỷ niệm 1018 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành, huyện Thọ Xuân vinh dự được đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền thờ Lê Hoàn (theo Quyết định số 483/QĐ-BVHTTDL ngày 6-3-2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Cùng với đó, huyện sẽ tổ chức Tuần lễ Văn hóa- Du lịch – Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2023. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023 với quy mô cấp tỉnh.
Theo Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 11-4-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Tuần lễ Văn hóa – Du lịch – Ẩm thực huyện Thọ Xuân năm 2023; UBND huyện Thọ Xuân đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 21-3-2023. Trong đó huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ngành, đơn vị của huyện và 30 xã, thị trấn đều được giao các nhiệm vụ, tham gia các hoạt động của Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ trong lễ hội đều đã xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện.
Đến thời điểm này công tác chuẩn bị của huyện Thọ Xuân đảm bảo theo yêu cầu, sẵn sàng phục vụ du khách và Nhân dân đến di tích đền thờ Lê Hoàn trước thềm lễ hội năm 2023.
PV: Theo kế hoạch, trong khuôn khổ Lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023 sẽ diễn ra Tuần lễ Văn hóa – Du lịch – Ẩm thực Thọ Xuân năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc. Vậy xin đồng chí cho biết thêm về ý nghĩa của những hoạt động này?
Ông Nguyễn Xuân Hải: Tuần lễ Văn hóa – Du lịch – Ẩm thực Thọ Xuân năm 2023 là một chuỗi các hoạt động gồm: Trưng bày, giới thiệu các sản vật địa phương; trưng bày, giới thiệu điểm đến, giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Thọ Xuân và của tỉnh; trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Thọ Xuân (Trò Xuân Phả, múa Pồn Pôông, Cồng chiêng, Bài điếm…); thi cắm trại binh; liên hoan văn nghệ quần chúng; đốt lửa trại; hội thi “Trình diễn, giới thiệu quy trình sản xuất bánh truyền thống” (bánh chưng nung, bánh gai, bánh lá răng bừa…); hội thi làm cỗ chay tiến Vua; tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng; triển lãm, trưng bày và tuyên truyền cổ động về công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2023.
Đền thờ Lê Hoàn tại xã Xuân Lập (Thọ Xuân).
Các hoạt động trên được duy trì tổ chức hàng năm, tạo không khí vui tươi phấn khởi, tinh thần hăng hái thi đua lao động sản xuất trong Nhân dân. Qua đó nhằm tôn vinh công đức và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đồng thời đây còn là cơ hội để quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống – Lễ hội đền thờ Lê Hoàn cũng như những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn đến bạn bè trong nước và quốc tế.
PV: Cần khẳng định rằng, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa xứ Thanh nói chung, huyện Thọ Xuân nói riêng. Vậy, đối với địa phương, việc vinh danh di sản văn hóa này có ý nghĩa đặc biệt như thế nào, thưa đồng chí?
Ông Nguyễn Xuân Hải: Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trước hết đã khẳng định với bạn bè quốc tế và cả nước khi nói đến Thọ Xuân là nhắc đến vùng đất địa linh, nhân kiệt có bề dày lịch sử truyền thống; các giá trị luôn được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Đồng thời, khẳng định cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Thọ Xuân đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Năm 2023, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa rất đặc biệt với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện. Năm nay là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025; năm đầu thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa và Nghị quyết 299/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng huyện Thọ Xuân trở thành một trong những huyện dẫn đầu cả tỉnh; đến năm 2030 trở thành thị xã Thọ Xuân. Việc vinh danh di sản văn hóa và các hoạt động tại lễ hội còn tạo sự gắn kết, thúc đẩy tinh thần, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân và cán bộ, đảng viên trong huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
PV: Thưa đồng chí, để di sản văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, trong thời gian tới, việc khai thác, phát huy những giá trị văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng sẽ được huyện tiếp tục triển khai ra sao?
Ông Nguyễn Xuân Hải: Huyện Thọ Xuân với rất nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa (gồm 24 lễ hội, lễ tục truyền thống gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận, trong đó có 2 lễ hội tiêu biểu là Lễ hội Lam Kinh và Lễ hội Lê Hoàn). Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai đa dạng các hoạt động để bảo tồn, khôi phục, phát huy các di sản. Đến nay, Thọ Xuân có 2 di sản phi vật thể quốc gia đó là: Trò diễn Xuân Phả và Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.
Trong thời gian tới, việc khai thác, phát huy những giá trị văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng sẽ được huyện tiếp tục triển khai một cách khoa học, bài bản. Trong đó tập trung vào một số mục tiêu, nhiệm vụ như: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình số 14-CTr/HU ngày 25-2-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 112/NQ-HĐND ngày 19-12-2021 của HĐND huyện về thông qua Đề án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa gắn liền với phát triển du lịch huyện Thọ Xuân giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 129-KH/HU ngày 19-8-2022 về nâng cao chất lượng văn hóa giai đoạn 2021-2025; trong đó có nội dung khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hoài Anh (thực hiện)