Ngày 27/2, tại TP.HCM, DoubleVerify, nền tảng chuyên cung cấp các dịch vụ đo lường và phân tích các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, đã đưa ra báo cáo về tiêu chuẩn chất lượng và hiệu quả truyền thông tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Báo cáo cho biết, nhu cầu sử dụng mạng xã hội tại khu vực Châu Á là rất lớn khi có tới 60% số lượng người dùng mạng xã hội trên toàn cầu đến từ khu vực này. Các nhà tiếp thị nhận thức được tầm quan trọng trong việc đo lường chất lượng truyền thông, khi 91% cho rằng việc này rất cần thiết để thúc đẩy hiệu quả quảng cáo kỹ thuật số, và 98% đã sử dụng công cụ để xác thực quảng cáo trong các chiến dịch của mình đưa ra.
Tuy nhiên, mặc dù lựa chọn sử dụng các công cụ xác thực về quảng cáo, nhưng các nhà tiếp thị không phải lúc nào cũng tiến hành công tác này, bởi trong 3 người thì có 1 người chỉ sử dụng các công cụ xác thực quảng cáo tuỳ trường hợp cụ thể. Một phần đáng kể các nhà tiếp thị tham gia khảo sát không thể đánh giá được hiệu quả các khoản chi cho phương tiện truyền thông kỹ thuật số, chỉ 17% số người được hỏi tiến hành đánh giá các chỉ số đo lường hiệu quả quan trọng như: Mức độ phù hợp của các nhãn hiệu, mức độ hiển thị, tình trạng gian lận quảng cáo, hay liệu quảng cáo có được chạy trên đúng khu vực địa lý đã định hay không.
Theo ông Jeremy Chang, Giám đốc cấp cao của DoubleVerify, trong bối cảnh tăng trưởng chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số tại khu vực APAC ngày càng tăng, các nhà quảng cáo cần bảo vệ những khoản đầu tư của mình thông qua hoạt động xác minh liên tục, xuyên suốt các kênh quảng cáo, nhằm ngăn chặn thất thoát do vấn nạn quảng cáo cũng như các vi phạm liên quan đến hiển thị hoặc mức độ phù hợp của nhãn hiệu.
Tại Việt Nam, báo cáo của DoubleVerify cho thấy, chất lượng quảng cáo cũng được các đơn vị quan tâm hàng đầu. Điển hình là việc gian lận trong quảng cáo đã giảm 25% trong năm 2023. Tuy nhiên, các vi phạm liên quan đến hiển thị hoặc mức độ phù hợp nhãn hiệu lại tăng 47%… Các gian lận quảng cáo đang diễn ra trên rất nhiều nền tảng, đặc biệt là các quảng cáo liên quan đến hiển thị, khi những bên cung cấp quảng cáo liên tục đưa ra các thủ thuật, thậm chí, chèn quảng cáo vào cả những trang web “đen”, comment trên các mạng xa hội, để đáp ứng đủ số cho các doanh nghiệp.
Trả lời VietNamNet về việc làm sao để phát hiện các gian lận quảng cáo, ông Jeremy Chang cho biết, mặc dù đơn vị này đã sử dụng các công cụ, công nghệ AI để phát hiện gian lận, tuy nhiên, việc này vẫn rất khó. Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là tiến hành dò tìm các kênh gian lận, sau đó đưa ra danh sách để các nhà quảng cáo không chọn các kênh này nữa.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã đưa ra danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng để các doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động quảng cáo. Ở lần cập nhật mới nhất tháng 2/2024, danh sách White List gồm 3.066 tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng và nhóm cộng đồng của các cơ quan báo chí; các đài phát thanh truyền, truyền hình và đơn vị hoạt động truyền hình; các tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp, sáng tạo, khai thác nội dung số.
Theo bà Corina Trang Luong, Giám đốc Kinh doanh cấp cao của DoubleVerify Việt Nam, với định vị là thị trường quảng cáo tăng trưởng nhanh thứ 3 Đông Nam Á, Việt Nam đang là một thị trường lớn mạnh với tiềm năng to lớn trên phương diện kinh doanh kỹ thuật số, doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số kỳ vọng đạt 2,6 tỷ USD trong năm 2024.