Từ năm 2024, Học viện Phụ nữ Việt Nam (VWA) dự kiến mở thêm ngành Kinh tế số, tuyển 60 sinh viên.
Trong thông báo tuyển sinh, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết sẽ đào tạo 11 ngành, tăng một so với các năm trước. Kinh tế số (gồm hai chuyên ngành Kinh tế và kinh doanh số, Công nghệ tài chính) là ngành mới, dự kiến được đào tạo từ năm nay với 60 sinh viên. Tổng chỉ tiêu toàn trường là gần 1.600.
Học viện Phụ nữ Việt Nam giữ ổn định năm phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp hoặc học bạ.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, trường công bố điểm sàn chung là 15, còn mức cụ thể cho từng ngành sẽ được thông báo sau. Riêng ngành Công nghệ thông tin, thí sinh phải có điểm môn Toán từ 5 trở lên.
Nếu xét học bạ, thí sinh phải đạt từ 19 điểm trở lên, tính theo tổng điểm trung bình 5 học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn trong tổ hợp. Ngành Công nghệ thông tin vẫn có yêu cầu riêng với điểm Toán, tối thiểu 7 điểm.
Với hai phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh cần có chứng chỉ IELTS từ 5.0, TOEFL ITP 500, TOEFL iBT 55, TOEIC 550 điểm trở lên.
Học viện Phụ nữ Việt Nam mở đợt xét tuyển sớm từ ngày 1/3 tới 31/3, áp dụng ở ba phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp, với 50% chỉ tiêu. Thời gian xét tuyển đợt 2 được thông báo sau.
Năm học tới, học phí của trường dự kiến 373.000-458.000 đồng/tín chỉ, hệ đại học chính quy, mỗi năm tăng không quá 15%. Ngành Quản trị kinh doanh chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và Liên kết quốc tế dự kiến có học phí là 892.000 đồng/tín chỉ.
Năm ngoái, điểm chuẩn của trường cao nhất ở ngành Truyền thông đa phương tiện với 24,75 điểm. Tiếp theo là ngành Quản trị kinh doanh (24), Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (23,25).
Thanh Hằng