Dệt, thêu thổ cẩm là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, gắn liền với cuộc sống hàng ngày và mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Mông huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Dệt, thêu thổ cẩm là nghề truyền thống gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đậm nét văn hóa độc đáo của phụ nữ Mông nơi đây.
Trang phục của người phụ nữ dân tộc Mông luôn rất sặc sỡ. Tuy nhiên, để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh thì mất rất nhiều thời gian và công sức của các bà, các mẹ, các chị và những người thợ. Sự tài tình của phụ nữ Mông đã khiến họ có thể làm ra những bộ trang phục của dân tộc mình bằng chính đôi bàn tay khéo léo. Với kỹ thuật thêu, phụ nữ Mông cũng sử dụng những kỹ thuật hết sức giản đơn như thêu lối chéo mũi chữ “x” đan xen hoặc thêu lát các màu tạo thành hoa văn như diềm trang trí tay, cổ hoặc thắt lưng áo, đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc đại diện cho cả một nền văn hóa lâu đời.
Vời nghề dệt, phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều được học nghề dệt vải lanh. Một người phụ nữ có tài giỏi, chăm chỉ, khéo léo hay không cũng được đánh giá qua tay nghề dệt vải lanh. Hằng năm, cứ độ tháng 3, tháng 4, đồng bào Mông ở Tủa Chùa bắt đầu gieo trồng cây lanh. Đến tháng 7, tháng 8, thu hoạch xong, đồng bào đem cây lanh ra phơi nắng cho khô rồi tước thành sợi.
Để dệt một bộ trang phục truyền thống của người Mông từ vải lanh có khi mất cả năm trời vì phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Những người phụ nữ Mông ở huyện Tủa Chùa, Điện Biên đã đang góp phần giữ gìn, bảo tồn, khôi phục nghề dệt, thêu truyền thống của dân tộc.
Ở Tủa Chùa, trước đây, các sản phẩm thổ cẩm của người Mông chủ yếu phục vụ nhu cầu của người thân và gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Ngày nay, chị em đã làm ra các sản phẩm thổ cẩm mới như: váy, áo, khăn quàng, túi đeo điện thoại… Những sản phẩm đó trở thành hàng lưu niệm được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Sự độc đáo trong các sản phẩm của người Mông tại Tủa Chùa còn đến từ tài vẽ trang trí quần, áo, váy bằng sáp ong. Kỹ thuật và cách làm quần áo của họ khá độc đáo, họ không có bản vẽ cụ thể, không dùng thước đo, nhưng những đường vẽ thẳng tắp. Chính vì các bộ quần áo được làm ra với kỹ thuật cao, nên trung bình mỗi bộ quần áo được bán với giá từ 7 – 8 triệu đồng, có bộ có giá khoảng hơn 10 triệu đồng.