Theo một nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai (26/2) trên tạp chí Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sông băng Thwaites ở Tây Nam Cực đã bắt đầu tan chảy đáng kể vào những năm 1940, có thể do hiện tượng El Niño rất mạnh, một biến động khí hậu tự nhiên có xu hướng gây ra tác động nóng lên.
Sông băng Thwaites là sông băng rộng nhất thế giới và có diện tích gần bằng bang Florida của Mỹ. Các nhà khoa học xác định được thời điểm sông băng bắt đầu tan chảy nhờ phương pháp phân tích các lõi trầm tích biển được chiết xuất từ dưới đáy đại dương.
Nghiên cứu cung cấp cái nhìn sâu sắc đáng báo động về sự tan chảy của sông băng trong tương lai. Theo đó, sông băng không thể phục hồi, điều có thể phản ánh tác động ngày càng tăng của hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra.
Các biến động của sông băng Thwaites sẽ có ảnh hưởng lớn tới toàn cầu. Sông băng đã đóng góp 4% vào mực nước biển dâng khi nó đổ hàng tỷ tấn băng vào đại dương mỗi năm. Sự sụp đổ hoàn toàn của Thwaites có thể làm mực nước biển dâng cao hơn 60 cm.
Thwaites cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự ổn định của khối băng Tây Nam Cực, hoạt động giống như một nút chai giữ lại dải băng rộng lớn phía sau. Sự sụp đổ của Thwaites sẽ làm suy yếu sự ổn định của dải băng vốn chứa đủ nước để nâng mực nước biển lên ít nhất 3 mét, gây ra lũ lụt thảm khốc trên toàn cầu.
Những phát hiện của nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu trước đây về Sông băng Đảo Thông lân cận, một trong những dòng băng lớn nhất ở Nam Cực mà các nhà khoa học cũng nhận thấy đã bắt đầu rút lui nhanh chóng vào những năm 1940.
Julia Wellner, phó giáo sư địa chất tại Đại học Houston và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết những gì đang xảy ra với sông băng Thwaites là một phần của bối cảnh lớn hơn về biến đổi khí hậu.
“Nếu cả hai dòng sông băng đang rút lui cùng một lúc, đó là bằng chứng cho thấy chúng thực sự đang bị ép buộc bởi một thứ gì đó”, Wellner nói.
Nhóm nghiên cứu tin rằng sự rút lui của Thwaites là do hiện tượng El Niño cực đoan xảy ra trùng với giai đoạn tan chảy của sông băng. Wellner nói: “Giống như nếu bạn bị đá khi đang ốm thì sẽ cảm thấy đau hơn nhiều”.
Theo nhà địa chất biển James Smith tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh – đồng tác giả nghiên cứu, những phát hiện này rất đáng báo động vì chúng cho thấy một khi những thay đổi lớn được kích hoạt thì rất khó để ngăn chặn.
“Một khi quá trình rút lui của tảng băng bắt đầu diễn ra, nó có thể tiếp diễn trong nhiều thập kỷ”, ông nói, cho biết thêm những dòng sông băng này không có dấu hiệu phục hồi, phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Đồng quan điểm, giáo sư vật lý Martin Truffer tại Đại học Alaska Fairbanks cho biết dựa vào nghiên cứu, có thể thấy nếu một sông băng ở trạng thái nhạy cảm thì “một sự kiện đơn lẻ có thể đẩy nó vào tình trạng rút lui và khó phục hồi”.
“Con người đang làm thay đổi khí hậu và nghiên cứu này cho thấy những thay đổi nhỏ liên tục về khí hậu có thể dẫn đến những thay đổi từng bước ở trạng thái sông băng”, Truffer, người không tham gia nghiên cứu, nói.
Nam Cực đôi khi được gọi là “người khổng lồ đang ngủ” vì các nhà khoa học vẫn đang cố gắng hiểu lục địa băng giá, biệt lập này có thể dễ bị tổn thương như thế nào khi con người làm nóng bầu khí quyển và đại dương.
Hoài Phương (theo CNN)