Các nước cần có giải pháp để giải quyết vấn đề tài chính mà phụ nữ – những người là động lực chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước – đang đối mặt.
Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần thứ 13, diễn ra từ ngày 26 đến 29-2 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã công bố quỹ trị giá 50 triệu USD để hỗ trợ nữ doanh nhân tại các nước đang phát triển nắm bắt những cơ hội to lớn do kinh tế số đem lại.
Trong 3 năm qua, bà Okonjo-Iweala đã gặp gỡ các nữ doanh nhân đến từ nhiều quốc gia và châu lục khác nhau, mỗi người đều có những ý tưởng kinh doanh độc đáo và mới mẻ, mong muốn xuất khẩu sản phẩm hoặc cố gắng tiếp cận thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, điểm chung giữa các doanh nhân này là thiếu vốn để mở rộng hoạt động và khai thác những tiềm năng to lớn mà thương mại toàn cầu mang lại.
Theo bà Okonjo-Iweala, các nước cần có giải pháp để giải quyết vấn đề tài chính mà phụ nữ – những người là động lực chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước – đang đối mặt.
Bộ trưởng Thương mại Saudi Arabia Majid al-Kasabi gọi sáng kiến trên là “cột mốc quan trọng”. Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế thuộc Bộ Ngoại thương UAE, Thani al-Zeyoudi, đánh giá sáng kiến không những tôn vinh sự đóng góp vô giá của các nữ doanh nhân và các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo trên toàn thế giới, mà còn ghi nhận vai trò quan trọng của họ trong phát triển kinh tế.
Theo ông al-Zeyoudi, thực tế cho thấy phụ nữ chiếm khoảng 50% dân số thế giới, nhưng chỉ đóng góp 37% GDP toàn cầu. Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan tuyên bố, UAE sẽ đóng góp 10 triệu USD cho WTO để hỗ trợ một số cơ chế dành cho nữ doanh nhân…
Quỹ 50 triệu nói trên nhằm mục đích giải phóng sức mạnh của nền kinh tế kỹ thuật số, giúp các nữ doanh nhân vượt qua các rào cản tài chính và nắm bắt các cơ hội chưa được khai thác. Hơn thế nữa, quỹ được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động kinh tế và xã hội tích cực, có thể đóng góp trực tiếp vào việc đạt các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
HẠNH CHI