Nằm trên đường xích đạo, ở giữa Hawaii và Australia, Cộng hòa Quần đảo Marshall không phải là một quốc gia có ngành du lịch phát triển, nhưng du khách tới đây đều bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của nơi này.
Cộng hòa Quần đảo Marshall nằm ở Thái Bình Dương sở hữu cảnh quan thiên nhiên cuốn hút, cùng hệ thống sinh vật biển tương đối đa dạng, trở thành điểm đến khó bỏ qua cho khách du lịch. (Nguồn: BBC) |
Marshall có 29 đảo san hô riêng biệt và 160 loài san hô, cùng 1.225 hòn đảo khác nhau. Hầu hết các hòn đảo đều hẹp và chỉ có một con đường chạy suốt chiều dài của nó. Dù không có động vật có vú bản địa nhưng nước này vẫn sở hữu môi trường sinh vật biển đa dạng với hơn 1.000 loài cá.
Trong chuyến thăm đảo năm 1788, thuyền trưởng Hải quân Anh John William Marshall đã đặt tên cho quần đảo này là Marshall. Trước khi người Anh đặt chân lên đây, người dân địa phương tự đặt tên nơi này là “Joliet jen Anij”, nghĩa là Quà tặng từ Chúa.
Từ năm 1947-1994, Marshall là một phần của TTPI hay Lãnh thổ ủy thác Quần đảo Thái Bình Dương, một lãnh thổ ủy thác của Liên hợp quốc do Mỹ quản lý.
Năm 2011, Cộng hòa Quần đảo Marshall thành lập khu bảo tồn cá mập lớn nhất thế giới. Các quan chức đưa ra luật mới cấm đánh bắt cá mập thương mại trong 768.547 dặm vuông (hơn 1.990 km2) vùng biển đất nước, một khu vực lớn gấp bốn lần bang California của Mỹ. Trên thế giới chỉ có Honduras, Palau, Maldives, Tokelau và Bahamas có cam kết tương tự.
Trong lịch sử 2.000 năm của mình, Marshall nổi tiếng với các giá trị truyền thống như âm nhạc, những màn diễu hành, trang phục thổ dân, đồ thủ công mỹ nghệ… Tất cả tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch thập phương.
Các làng nghề truyền thống tại quần đảo thường xuyên tiếp đón đoàn du khách từ Mỹ và Nhật Bản. Chị Susan Jieta hành nghề dệt truyền thống chia sẻ: “Marshall còn ít được biết đến. Chúng tôi vẫn giữ cách sống từ ngày xưa và tự hào khi giữ nghề truyền thống. Tôi muốn nghề này không bị biến mất”.
Bên cạnh đó, thuyền xuồng là phương tiện quan trọng trong chiến lược thu hút du khách và đẩy mạnh ngành du lịch. Thông qua chương trình đào tạo đặc biệt từ chính phủ, người dân trên quần đảo học được cách đưa đón người nước ngoài tới tham quan, trải nghiệm môi trường sinh thái và văn hóa độc đáo của Marshall. Giới chức và người dân địa phương đang nỗ lực từng này để nâng cao hơn nữa thu nhập bình quân đầu người.
Ông Alson Kelen, hành nghề quản lý thuyền xuồng tại Marshall cho biết: “Những chiếc xuồng không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là văn hóa của Marshall, được duy trì qua nhiều thế kỷ. Phụ nữ cần giữ nghề dệt, còn thanh niên phải học cách sống trên những chiếc xuồng”.
Dù diện tích nhỏ bé cùng dân số không quá đông, Marshall vẫn trở nên nổi bật trong danh sách địa điểm cuốn hút du khách, đặc biệt với những người có nhu cầu tìm về chốn bình yên, tách biệt với ồn ã đô thị, hòa mình vào không gian êm đềm của biển cả và núi rừng. Đây đồng thời là cơ hội đặc biệt để du khách trải nghiệm và tiếp thu những nét văn hóa độc đáo tại quốc đảo Thái Bình Dương này.