Rượu cần Phú Túc (huyện Hòa Vang) là một sản phẩm tiêu biểu của Hòa Vang đã vang danh cả nước. Nhưng ít ai biết, để giữ được nghề nấu rượu cần, chính quyền và người dân nơi đây đã phải đồng lòng, quyết tâm trong một thời gian dài. Ông Lê Văn Nghĩa (68 tuổi, trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) được nhắc đến là người “nhóm lửa” cho nghề nấu rượu cần Phú Túc. Với ông Nghĩa, ủ rượu là đam mê, tình yêu của người Cơ Tu đối với văn hóa truyền thống dân tộc, chứ không đơn thuần là vì kế sinh nhai. Và để nấu được rượu cần thì không khó, nhưng để nấu đạt đúng hương vị đặc trưng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng, thì cần thiết phải có sự kiên trì, cố gắng đặc biệt là phải thật sự yêu và sống hết lòng với nghề mình đã chọn.
Ông Lê Văn Nghĩa chuẩn bị những vò rượu cần phục vụ tết Nguyên Đán 2023
Ông Lê Văn Nghĩa đã mày mò tìm hiểu, tự thân tìm đến người có kinh nghiệm để học nghề. Qua thời gian kiên trì học hỏi và thử nghiệm, đến nay ông Lê Văn Nghĩa đã hoàn thiện quy trình nấu rượu, cho ra những sản phẩm chất lượng, thơm ngon, đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sản phẩm rượu cần Phú Túc của ông Nghĩa đã được cấp Giấy chứng nhận hợp quy, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được tặng danh hiệu “Cúp Vàng thương hiệu chất lượng cao năm 2016”, đặc biệt hơn khi năm 2021, sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố Đà Nẵng. Không chỉ phục vụ cho người bản địa, rượu cần Phú Túc còn khẳng định vị thế, trở thành thương hiệu đặc trưng của Đà Nẵng, được đông đảo người dân, du khách biết đến và ưa chuộng.
Ông Nghĩa cho biết, nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, cơ sở sản xuất của ông dự kiến sẽ sản xuất 2.000 ché rượu cần Phú Túc để đưa ra thị trường phục vụ người dân và du khách. Để đưa rượu cần Phú Túc đến quảng bá với du khách trong và ngoài nước, ông Nghĩa mong muốn được các đơn vị chức năng, Sở Công Thương thành phố sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, tạo điều kiện cho sản phẩm đi quảng bá tại các hội chợ ở các tỉnh thành cũng như tại các sự kiện du lịch.
Trước nguy cơ nghề truyền thống bị lãng quên, thất truyền, cuối năm 2022 UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cơ Tu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 – 2030” nhằm hỗ trợ đồng bào Cơ Tu từng bước giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đề án đánh giá: Cộng đồng Cơ Tu ở Đà Nẵng có các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc gỗ và nấu rượu cần. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn nghề nấu rượu cần được người dân tại Phú Túc duy trì.
Thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực giữ gìn và bảo tồn các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu
Trước yêu cầu về hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy các giá trị nghề truyền thống trên địa bàn huyện Hòa Vang, ông Đỗ Thanh Tân – Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang chia sẻ: “Nhiều nghề truyền thống tại đây đã hình thành và tồn tại đến nay đã hàng trăm năm. Tuy quy mô không lớn nhưng các nghề hiện vẫn đang được gìn giữ, tạo nên giá trị, thương hiệu của sản phẩm và được đón nhận rộng rãi. Việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống là hết sức cần thiết, thể hiện sự trân trọng những gì ông cha để lại, đồng thời lưu giữ vốn tri thức, kỹ năng, bí quyết nghề cho các thế hệ mai sau. Như những nghề nấu rượu cần, làm bánh tráng, bánh khô mè… đã tồn tại trong đời sống người dân, tạo nên chiều sâu văn hóa, tín ngưỡng của một làng và rộng hơn là một vùng, phản ánh đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội, sản vật địa phương”. Quyết tâm giúp người dân phục dựng lại nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc của đồng bào, lãnh đạo huyện Hòa Vang và xã Hòa Phú cũng đã cùng phối hợp xây dựng Đề án khôi phục văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, trong đó nhấn mạnh phải ưu tiên khôi phục nghề nấu rượu cần.
Rượu cần được ủ trong những vò sành hay ché. Vò và ché là những tài sản rất quý giá của người Cơ Tu. Rượu ủ càng lâu thì hương vị sẽ càng ngon. Khi uống rượu, họ chỉ việc múc nước suối đổ vào đầy vò, cắm vào những chiếc cần bằng trúc đã thông mắc rồi hút. Rượu cần là thứ thức uống cao cấp, thường chỉ được dùng khi tiếp đãi khách quí, sui gia hoặc các lễ tiệc quan trọng. Rượu cần có vị chua chua ngọt ngọt nhưng uống nhiều sẽ say. Khách đến nhà bao giờ cũng được chủ nhân mời uống rượu cần. Thường bao giờ họ cũng uống trước hay ăn trước món đem ra mời khách để chứng tỏ rằng món ăn hay thức uống đó không có độc rồi mới trao qua cho khách. Sau khi dùng hết, xác rượu cần có thể ủ tiếp và chưng cất cho ra thứ rượu như rượu gạo của người miền xuôi, gọi là rượu xiêu. “Ngoài rượu cần, người Cơ Tu còn có các loại rượu tự nhiên lấy từ cây tà vạc, tà đin và mây voi. Việc lấy rượu từ những loại cây này rất kỳ công và phải có nhiều kinh nghiệm mới làm được. Khó nhất là lấy rượu từ cây mây voi bởi việc đó đòi hỏi phải làm giàn giáo công phu để tránh bị gai mây đâm phải. Các loại rượu này nếu là nam dùng thì phải giã vỏ cây chuồn hòa vào để rượu có ga và lên độ. Nếu không trộn vỏ chuồn thì các loại rượu này chỉ cho vị ngọt, uống rất ngon và độ cồn lại rất thấp”, ông Đỗ Thanh Tân nói.
MINH CHÂU