VINACAS mong muốn các tổ chức quốc tế, hiệp hội điều các nước, các chuyên gia, doanh nhân phân tích, đánh giá, nhận định và đề xuất những giải pháp, sáng kiến nhằm định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu. Theo đó, sự điều chỉnh lại chuỗi giá trị giúp ngành điều Việt Nam và thế giới phát triển ổn định trong thời gian tới.
Sáng 27-2, tại tỉnh Quảng Bình, Bộ Công thương và Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) phối hợp tổ chức Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 năm 2024 với sự tham gia của hơn 350 đại biểu đến từ 40 quốc gia trên thế giới và 10 tổ chức ngành nghề như Hội đồng Hạt quả khô quốc tế (INC), Hiệp hội Hạt Trung Quốc (CNA), Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà (CCA), Liên hiệp Hội Điều châu Phi (ACA), cùng các tổ chức ngành điều của Campuchia, Senegal, Benin, Guinea…
Hội nghị nhằm kết nối các nhà chế biến, nhà cung cấp điều thô lớn từ các nước châu Phi, Campuchia cùng các doanh nghiệp chiên rang, nhà phân phối, bán lẻ… từ các thị trường tiêu thụ lớn nhân điều ở Âu Mỹ, Trung Quốc. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VINACAS Phạm Văn Công nhấn mạnh, đây là dịp để các bên cùng định hình lại chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điều trong bối cảnh vừa thoát qua đại dịch Covid-19 tiếp đến là cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine và cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội các nước. Lạm phát, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao, tiêu dùng giảm sút… gây ra những thách thức không nhỏ đến chuỗi cung ứng điều toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Công, năm 2023 ngành điều Việt Nam đã lập kỷ lục khi xuất khẩu trên 645.300 tấn điều nhân các loại. Nhưng đằng sau con số kỷ lục này lại hình thành mối nguy cơ lớn đối với ngành điều Việt Nam và cũng là nguy cơ đối với ngành điều toàn cầu.
Sự tăng trưởng “nóng” của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán điều thô làm ảnh hưởng ngành điều trong nước. Cụ thể, giá nhân điều giảm sâu, trong khi giá điều thô rất cao ở đầu vụ, cuối vụ giảm nhưng vẫn chưa thể cân đối với giá bán khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ.
Sự tăng trưởng “nóng” về diện tích và sản lượng điều thô ở một số nước châu Phi và Campuchia chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi công nghiệp chế biến ở các nước này còn khiêm tốn. Một số nước có sản lượng lớn nhưng lại đang áp dụng chính sách bảo hộ sâu với điều thô. Đơn cử, như quy định mức giá bán tối thiểu; quy định thu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí… dẫn đến giá điều thô cao. Các nhà chiên rang, kinh doanh lại cạnh tranh “khốc liệt” làm sức mua giảm, giá bán giảm theo.
“Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, hàng loạt nhà chế biến Việt Nam và thế giới ngành điều có nguy cơ phá sản. Với thị phần gần 80 % lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới và tiêu thụ gần 65% sản lượng điều thô thế giới, sự đổ vỡ của ngành chế biến điều Việt Nam sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường với ngành điều thế giới, nguy cơ đứt gãy nguồn cung nhân điều. Đặc biệt, những nước trồng điều và xuất khẩu điều thô sẽ sụt giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam”, ông Phạm Văn Công cho biết.
Chính vì thế, tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 này, VINACAS mong muốn các tổ chức quốc tế, hiệp hội điều các nước, các chuyên gia, doanh nhân phân tích, đánh giá, nhận định và đề xuất những giải pháp, sáng kiến nhằm định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu. Theo đó, sự điều chỉnh lại chuỗi giá trị điều giúp ngành điều Việt Nam và thế giới phát triển ổn định trong thời gian tới.
Hội nghị Điều quốc tế luôn là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành điều Việt Nam, là “điểm hẹn vàng” của những doanh nghiệp ngành điều trên toàn cầu. Sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm “Hạt điều của Việt Nam”, xúc tiến xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng, xây dựng và củng cố mối quan hệ bền vững, lâu dài giữa các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành điều Việt Nam và thế giới.
QUỐC HÙNG – CÔNG PHIÊN