Bên cạnh việc tập trung phát triển bốn dòng sản phẩm chính là: du lịch biển, du lịch văn hóa-di sản, du lịch sinh thái và du lịch thành phố; ba tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh ưu tiên hình thành và phát triển các sản phẩm mới (du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch golf; du lịch mạo hiểm,…) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bốn mùa.
Du lịch mùa đông
Ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, khái niệm “mùa du lịch thấp điểm” lâu nay gắn với mùa đông kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Ðể biến những bất lợi của thiên nhiên thành sản phẩm của du lịch, ba tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh đã thực thi nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là trên nền tảng số và khuyến khích các đơn vị kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ… nhằm hướng đến mục tiêu “điểm đến bốn mùa”.
Hơn 100 năm khai thác lợi thế du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), nhưng phải đến thập niên thứ hai của thế kỷ này, Sầm Sơn mới có thêm những loại hình du lịch mới. Dự án Sầm Sơn Golf được triển khai xây dựng, đưa vào khai thác trong quần thể du lịch FLC nhằm khai thác loại hình thể thao đặc thù hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế có mức chi tiêu cao. Với sân golf 18 hố tọa lạc bên bờ biển, bài trí độc đáo, các hố golf thách thức khả năng các golfer (người chơi golf) cùng khu Club House tiêu chuẩn 5 sao đã dần thu hút giới chơi golf về Thanh Hóa. Giải golf được tổ chức thường niên, quy tụ cả nghìn golfer và khách cổ vũ môn golf.
Thanh Hóa từng bước ghi danh trên bản đồ du lịch golf trong nước và khu vực. Ðồng hành cùng đơn vị quản lý, khai thác sân golf, tỉnh Thanh Hóa tăng cường xúc tiến, quảng bá loại hình du lịch golf tại các thị trường có người chơi golf cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Nhờ đó, du lịch golf đã góp phần tăng năng lực cạnh tranh, mức chi tiêu, thời gian lưu trú.
“Ðể gỡ khó cho du lịch mùa thấp điểm, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch ở Nghệ An và khu vực đã từng bước thích ứng. Tín hiệu vui của chuỗi khách sạn Mường Thanh (Nghệ An) và Hà Tĩnh và các khách sạn Vinpearl Cửa Hội; Sài Gòn-Kim Liên; sân golf Xuân Thành; Cửa Lò; Diễn Châu… đã thu hút du khách từ các nước Ðông Bắc Á (nhất là Hàn Quốc) đến trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Ðức Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An, Tổng Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Sông Lam
Tỉnh Nghệ An kết hợp với ngành du lịch và Vietravel đang hoàn tất các thủ tục để mở đường bay thẳng từ Hàn Quốc đến Cảng hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An). Phía Hàn Quốc hỗ trợ mỗi chuyến bay thẳng khoảng 200 triệu đồng. Nếu thành công, các chuyến bay thẳng này hứa hẹn khách du lịch Hàn Quốc sẽ đến khu vực ngày một đông.
Bước sang tiết thu-đông, do ảnh hưởng mưa, bão, gió mùa giá rét không thuận lợi cho du lịch tắm biển, các khách sạn ven biển ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh) đã có các chương trình khuyến mãi, thu hút khách du lịch MICE, kết hợp tổng kết năm, tổ chức sự kiện, hội thảo, khen thưởng với nghỉ dưỡng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh Lê Trần Sáng cho biết: Vào mùa thấp điểm, khách sạn triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá phòng nghỉ, ăn uống; đồng thời, có chính sách thu hút khách, nhất là cán bộ, nhân viên các tập đoàn, công ty lớn trong mùa cao điểm không có điều kiện đi nghỉ mát được… Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng tận dụng thời gian thấp điểm, ít khách này để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên.
Du khách tham quan suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. |
Nỗ lực đưa du lịch văn hóa phát triển
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh Lê Trần Sáng cho biết: Hà Tĩnh nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, điểm đầu của tuyến “Con đường di sản miền Trung” – một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang Ðông-Tây” sang Lào và Thái Lan, cùng với lợi thế về du lịch biển, danh thắng và truyền thống văn hóa cách mạng; tạo nên tiềm năng và lợi thế so sánh lớn khi đầu tư hợp tác phát triển du lịch.
Hiện nay, các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, đã được đầu tư, nâng cao chất lượng như: Tổ hợp giải trí sân golf, khách sạn đẳng cấp ven biển đầu tiên tại Hà Tĩnh của Tập đoàn Mường Thanh; Trường đua chó, đua ngựa Xuân Thành; Công viên nước Vinpearl Waterpark Cửa Sót; Khu nhà nghỉ container Xuân Thành,…
Cùng với đó, việc khai thác các tour, tuyến đi các khu di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và trải nghiệm các giá trị văn hóa di sản phi vật thể bước đầu được các đơn vị lữ hành xây dựng và thực hiện có hiệu quả, thu hút du khách trong và ngoài nước. Nổi bật là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nghệ An) trong chỉ bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã đón hơn bốn vạn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu du lịch chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) trong ngày khai hội đầu năm (mồng 6 Tết) cũng đã đón hơn 23.000 lượt du khách về lễ Phật, tham quan vãn cảnh. Trước đó, trong dịp Tết Nguyên đán, địa danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” này đã đón hơn hai vạn lượt du khách.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ tập trung đón du khách và các tín đồ về trẩy hội du lịch và chiêm bái các đền, chùa linh thiêng trong khu vực, kéo dài sang tháng 2 âm lịch (gồm bốn ngôi đền nổi tiếng linh thiêng: Hoàng Mười, Phủ Na, Cửa Ðạt, đền Nguyễn Thị Bích Châu, đền Gám.
Theo đại diện lãnh đạo các địa phương, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã và đang ưu tiên nguồn lực đầu tư, khai thác có hiệu quả thế mạnh của loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Giám đốc Tây Nghệ Tourist Vi Thị Thắm cho biết: “Du lịch mùa đông ở miền tây Nghệ An bắt đầu khởi sắc và đóng góp một lượng khách cũng như doanh thu đáng kể tạo sự “cân bằng bốn mùa” cho du lịch Nghệ An”.
Ở miền thượng du Thanh Hóa, khu vực Quốc Thành (huyện miền núi Bá Thước) dần trở thành một trong những điểm nhấn của du lịch xứ Thanh. Với 75 cơ sở, 104 nhà sàn kinh doanh lưu trú, công suất đón 1.500 lượt khách/ngày đêm, trong đó điểm du lịch Pù Luông luôn được đánh giá là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn khách du lịch quốc tế, trong nước.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Pù Luông Lê Minh Trình đánh giá: Hệ sinh thái núi đá hùng vĩ cùng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hoang sơ, gần gũi thiên nhiên với những điểm khám phá hấp dẫn như cánh đồng ruộng bậc thang, Hang Dơi-Kho Mường, Thác Hiu, bản Ðôn, chợ phố Ðoàn…, ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Khu vực này kết nối với suối cá Cẩm Lương, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, các điểm du lịch ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Tràng An, tỉnh Ninh Bình tạo thành tour du lịch hấp dẫn. Với lợi thế về những sản phẩm du lịch độc đáo, đã và đang khai thác du lịch bốn mùa, kể cả mùa đông, Pù Luông hướng tới mục tiêu đón được 200 nghìn lượt khách trong năm 2024.