Xuất khẩu da giày sang các thị trường có FTA tăng trưởng mạnh Thị trường trầm lắng, doanh nghiệp da giày tìm cách vượt khó |
Đơn hàng quay trở lại
Trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu da giày liên tục đón tin vui khi đơn hàng quay trở lại, nhà máy nhộn nhịp sản xuất, công nhân được tăng ca. Ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết, tín hiệu rất tốt với doanh nghiệp là được khách hàng đặt hàng tương đối nhiều. Hiện Gia Định đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2024. Tại các nhà máy công nhân đang được tăng ca suốt 5 ngày/tuần, mỗi ngày 2 – 2,5 tiếng. Sản xuất những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và có độ khó cao là lợi thế khiến doanh nghiệp có thêm đơn hàng ngay đầu năm mới.
“Chúng tôi đã có những thay đổi khi tập trung mở rộng các thị trường nhỏ, thị trường mới. Đa dạng hoá các sản phẩm làm cho đơn hàng phong phú, ít lệ thuộc vào đơn hàng của khách hàng truyền thống trước đây”, ông Nguyễn Chí Trung cho biết.
Tương tự, tại Công ty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam (tỉnh Bình Dương) – doanh nghiệp chuyên sản xuất và gia công đế, khuôn mẫu giày, không khí làm việc cũng nhộn nhịp hơn. Bà Nguyễn Thị Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam cho biết hiện nhà máy đã có đơn hàng cho những tháng đầu năm 2024.
Cũng theo bà Ngọc, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp chủ yếu là Mỹ và EU. Để giữ được thị trường, doanh nghiệp đang chuyển hướng làm nhiều đơn hàng lớn nhỏ khác nhau. Cùng với đó, đơn vị nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để thích ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Doanh nghiệp da giày có đơn hàng trở lại |
Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng cho biết lượng đơn hàng từ các thị trường lớn chưa phục hồi đáng kể, song các thị trường nhỏ hơn như Trung Đông, hay một số khu vực khác tại châu Á… tăng, nên có thể bù phần nào việc thiếu đơn hàng từ các thị trường truyền thống.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, tính đến 15/2/2024, xuất khẩu giày dép đạt hơn 2,46 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, đối với thị trường xuất khẩu, ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính: Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn. Đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.
Tăng cường xúc tiến thương mại
Cùng với những dự báo về sự phục hồi của thị trường truyền thống Âu – Mỹ, doanh nghiệp cũng kỳ vọng những thị trường ngách sẽ góp phần làm cho bức tranh xuất khẩu trong năm 2024 tươi sáng hơn.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, những khó khăn, thách thức của ngành da giày vẫn còn ở phía trước. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững như chính sách về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng… có thể được các thị trường nhập khẩu giày dép lớn của Việt Nam áp dụng ngay trong năm 2024 và một vài năm tới sẽ tác động tới xuất khẩu của ngành. Việc tuân thủ những tiêu chí này là bắt buộc. Khi tuân thủ các quy định này doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều hoạt động nhằm nâng cấp năng lực nội tại. Việc nâng cấp phải từ công nghệ, quản lý, cùng đó chi phí đầu vào ngày càng tăng trong khi chi phí đầu ra tăng rất thấp, đó là sức ép cực kỳ lớn đối với doanh nghiệp trong ngành.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty giày Gia Định cho rằng, để phát triển bền vững, giữ được các đơn hàng và thị trường, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất gắn với tiết giảm chi phí kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, ứng dụng nguyên liệu mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới tập trung sản xuất phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau. Ông Nguyễn Quang Vũ – Chủ tịch Hiệp hội Giày da, túi xách Bình Dương, cho biết những doanh nghiệp đơn lẻ không thể có đủ nguồn vốn để tự đầu tư, do đó phải tính đến việc sản xuất theo một hệ sinh thái để có thể đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thế giới. Theo ông Vũ, thời điểm này, với ngành giày da, cộng đồng doanh nghiệp phải hợp sức theo chuỗi liên kết, đó là con đường duy nhất để phát triển. “Trong bối cảnh “đơn hàng quý như vàng”, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp tốt nhất để các doanh nghiệp có thể tìm kiếm khách hàng mới, khai thác tối đa từng cơ hội có được để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường”, ông Vũ nhấn mạnh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, về phía Bộ Công Thương năm 2024, Bộ sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế; nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Điển hình như Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024); Hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp năm 2024….Đồng thời tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu mới.