Tre vốn là một trong những nguồn tài nguyên linh hoạt nhất, đáp ứng được muôn vàn nhu cầu đa dạng trong cuộc sống của con người. Nhiều ngôi làng ở Trung Quốc tận dụng tre với các mục đích khác nhau, trong đó, làm rượu từ những cây tre còn tươi là phương pháp độc đáo.
Bằng cách sử dụng kỹ thuật ép áp suất cao, người dân bơm đầy rượu gạo hoặc cao lương vào các thân tre non. Sau khoảng 10 ngày, các lỗ rượu sẽ tự phục hồi và lấp kín lại. Rượu được ủ trong khoảng vài tháng đến một năm rưỡi, để cho ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Điểm làm nên hương vị đặc biệt của rượu ủ thân tre chính là nhựa tre và flavone, một loại chất lỏng tự nhiên có trong thân cây. Trong quá trình ủ rượu, nhựa cây và flavone hòa vào rượu, tạo nên hương vị dịu nhẹ, dễ uống hơn so với rượu thông thường.
Kỹ thuật ủ rượu này ban đầu được phát triển ở tỉnh Phúc Kiến, nhưng sau đó đã được dân làng và các nhà sản xuất rượu từ các vùng khác của Trung Quốc, như Quảng Tây và Tứ Xuyên, áp dụng. Ban đầu, sản lượng rượu tre vẫn còn khá hạn chế ở mức vài chục nghìn lít mỗi năm. Nhưng trong những năm gần đây, rượu ủ thân tre được nhiều người biết đến, lượng người mua tăng lên rõ rệt. Theo đó, nhiều ngôi làng ở Trung Quốc nhanh chóng biến rừng tre thành những xưởng sản xuất rượu quy mô lớn, mang lại nguồn thu nhập dồi dào.
Khi mức độ cạnh tranh gia tăng, các nhà sản xuất lại tiếp tục tìm kiếm các kỹ thuật bơm rượu hiệu quả và ít xâm lấn hơn để tối đa hóa năng suất, nhưng có một số điều họ luôn phải lưu tâm. Nồng độ cồn và lượng rượu rất quan trọng, vì chất lỏng quá đặc hoặc quá cứng có thể giết chết cây. Cho đến nay, rượu gạo và cao lương được cho là những đồ uống có cồn tốt nhất có thể ủ trong thân tre.
Loại rượu ủ từ ống tre có màu sắc vàng nhạt, được giới thiệu là bổ phổi, giúp giải độc. Hiện tại, giá bán của loại rượu này khoảng 500 nhân dân tệ (72 USD) cho mỗi thanh tre. Nhưng nhiều du khách tới đây thậm chí sẵn sàng trả giá cao hơn vì tin tưởng những lợi ích sức khỏe nó mang lại.
Sản xuất rượu tre cũng dần được biết đến và trở thành dịch vụ du lịch độc đáo. Du khách sẽ có cơ hội tham quan rừng tre, khám phá quy trình kiểm tra và lấy rượu. Đặc biệt, khách tham quan có thể tự tay lấy rượu và thưởng thức ngay tại chỗ.
Đỗ An (Tổng hợp)