rong chuyến khảo sát các sản phẩm du lịch tại tỉnh Hưng Yên mới đây, CEO Nguyễn Ngọc Bích gây chú ý với sự nhiệt thành và những “hiến kế“đầy thực tế cho ngành kinh tế xanh tỉnh này.
Thoạt nhìn, vị doanh nhân sinh năm 1980 có ngoại hình khá giống người ngoại quốc với làn da trắng sáng, mái đầu cạo trọc và bộ râu dê. Thế nhưng, anh đích thực sinh ra và lớn lên tại Hà thành, nổi tiếng khi dám từ bỏ sự nghiệp đáng mơ ước ở thành phố, dám bỏ ngoài tai những can ngăn, thậm chí là rèm pha, một mình Nam tiến với số tiền ít ỏi và cách sống tới tận cùng đam mê, để xây dựng homestay thương hiệu Mekong Rustic tại Cần Thơ và Tiền Giang.
CEO Nguyễn Ngọc Bích có gần 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành du lịch và khách sạn; từng giữ các chức vụ quản lý, điều hành tại các hệ thống khách sạn, resort, du thuyền 5 sao như: Khách sạn Hilton Hanoi Opera; Hệ thống du thuyền Indochina Sails; là chuyên gia tư vấn cao cấp, từng trực tiếp tham gia xây dựng các chương trình, dự án về du lịch sinh thái cộng đồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long; tham gia cộng tác và tư vấn chính sách phát triển du lịch cho nhiều tổ chức phi chính phủ như: WWF-Vietnam, Helvetas, ILO, Caritas & SNV-Vietnam…
Dường như có hai mảnh ghép đối lập hòa quyện tuyệt vời trong trong con người anh. Đó là một doanh nhân Bobby Nguyen lịch lãm, chỉn chu, chuyên nghiệp từ dáng dấp, phong cách, giờ giấc, lối tư duy của một con người cầu toàn và duy mĩ. Và một Nguyễn Ngọc Bích đậm chất nông dân, dung dị, cởi mở, chất phác, hồn hậu, say mê văn hóa, nông nghiệp Việt Nam.
Khát khao lớn nhất của vị CEO là xây dựng nên một mô hình du lịch hoàn thiện xoay quanh các giá trị nông nghiệp và nâng cao sức khỏe cộng đồng, từ đó tạo ra một “cộng đồng du lịch trách nhiệm bởi chính những người dân bản địa”, nhằm bảo tồn những giá trị quý báu cho các thế hệ tương lai.
Anh Bích này, tôi thực sự muốn biết vì sao khi đang có một sự nghiệp đáng mơ ước ở Thủ đô phồn hoa, vậy mà năm 2013, anh lại bán “đứa con đầu lòng” Active Travel Asia để “đi ngược chiều gió”, trở thành “nông dân” làm du lịch cộng đồng tại đồng bằng sông Cửu Long?
– Ý tưởng đến với tôi sau những lần trao đổi với đồng nghiệp và du khách. Tôi nhận thấy điểm yếu chí mạng của du lịch Việt Nam là sản phẩm quá đơn điệu và thiếu sự sáng tạo. Điều đó khiến tôi không thể ngồi yên. Bởi, khách quốc tế đã lên kế hoạch suốt nhiều tháng, thậm chí cả năm. Họ tận dụng những thời gian nghỉ phép quý báu, bay hàng chục ngàn cây số, chi hàng chục ngàn đô la Mỹ để đến Việt Nam du lịch. Họ phải được nhận lại những giá trị xứng đáng với những gì đã bỏ ra.
Tôi nghĩ nếu mình không bắt đầu thì ai sẽ bắt đầu?
Nghĩ là làm, tôi quyết định Nam tiến vào đồng bằng sông Cửu Long với niềm tin mãnh liệt vào một công việc phải làm và một đam mê phải đi tới tận cùng. Tôi muốn đích thân về miền Tây sông nước để tìm hiểu nguyên nhân tại sao vùng đất trù phú, giàu tiềm năng nhưng các sản phẩm du lịch bao năm vẫn đơn điệu, một màu. Và trả lời câu hỏi: “Du khách đến đây thật sự muốn gì?”.
Nhận thấy, du khách, đặc biệt là khách quốc tế sẵn sàng chi trả để có trải nghiệm chân thực nhất về điểm đến, Mekong Rustic xây dựng các tour khám phá chú trọng vào trải nghiệm của du khách, cho họ cơ hội hòa vào cuộc sống của bà con để du khách hiểu một cách sâu sắc cái hồn của vùng đất này từ văn hóa, ẩm thực cho đến con người. Và rồi, đi chợ nổi, bắt cá, làm bánh, ghé thăm các làng nghề… những trải nghiệm Mekong Rustic mang đến dần trở thành khẩu vị được du khách phương Tây ưa chuộng.
Hẳn đó cũng là lý do 3 năm liên tiếp từ 2018 đến 2020, Mekong Rustic vinh dự nhận về Chứng nhận sản phẩm du lịch Xuất sắc thông qua hệ thống TripAdvisor với hàng triệu lượt bình chọn. Nhưng tại sao anh không chọn những thành phố sầm uất, nhộn nhịp, mà gần như trở lại vạch xuất phát và ươm mầm ý tưởng tại miền đất lạ đồng bằng sông Cửu Long?
– Tôi chọn đồng bằng sông Mekong vì làm du lịch cộng đồng ở đây dễ dàng hơn các nơi khác. Từ chính sách, tài nguyên, khí hậu thiên nhiên ưu đãi, mùa cây ăn trái quanh năm, đến chi phí sinh hoạt đều rất hợp lý.
Một yếu tố quan trọng khác, làm vườn chính là nghề chính của người dân nơi đây nên thời gian của họ rất linh hoạt, có thể uyển chuyển để phục vụ du khách. Còn ở miền Bắc, hàng ngày mọi người đi làm, nếu có khách đến thì phải cắt cử một người ở nhà dẫn đến chi phí cao.
Khởi nghiệp ở một vùng đất mới hẳn không dễ dàng và để chuyến du hành của mỗi du khách cùng Mekong Rustic đều đầy ắp trải nghiệm, tràn ngập cảm xúc bằng ngũ quan như hiện nay, hẳn là cả một hành trình dài không ít khó khăn, thách thức, thưa anh?
– Quả thực, 7 năm trước, điều hành một doanh nghiệp tư nhân quản lý du lịch cộng đồng tại Việt Nam là thách thức. Có muôn vàn khó khăn như một thời gian không có nguồn thu, phải thay đổi nhận thức của người dân, xây dựng quy trình và không có nguồn quỹ như các tổ chức phi Chính phủ…
Khó nhất là làm sao để thay đổi nhận thức của người dân về làm du lịch; làm sao để xây dựng kỹ năng thực tế cho người dân phát triển du lịch cộng đồng. Tôi chọn hợp tác với các hộ dân có cùng đam mê làm du lịch cộng đồng, giúp đỡ họ xây dựng và vận hành dịch vụ, hướng đến tạo ra một cộng đồng du lịch có trách nhiệm, hoạt động dựa trên phương thức người dân bản địa làm chủ.
Ngay từ ban đầu, tôi xác định việc đào tạo người dân sẽ mất nhiều công sức và thời gian, không phải ngày một ngày hai có thể thấy kết quả.
Còn nhớ, thời gian đầu, tôi di chuyển giữa Hà Nội và TP.HCM liên tục. Mỗi lần vào Nam đều ở hẳn 20 ngày, cầm tay chỉ việc cho người dân. Vì họ chưa có tư duy làm dịch vụ du lịch nên tôi thường dùng ngôn ngữ thật đơn giản, dễ hiểu để truyền đạt. Tôi chụp ảnh cách bày bát, đũa, quay từng clip trải ga giường sao cho đẹp rồi cho người dân xem để họ làm theo. Tôi quan sát cách họ phục vụ, sau khi khách rời đi thì sẽ ngồi lại để góp ý. Tôi gieo vào đầu họ cách đón du khách chỉ đơn giản như đón tiếp những người thân xa nhà lâu ngày trở về. Như thế, du khách sẽ cảm thấy ấm áp và muốn quay trở lại.
Những hướng dẫn viên tôi chọn đều là người địa phương. Tôi tin, những người sinh ra ở đây mới có thể truyền tải hết sự đam mê và niềm tự hào đối với văn hóa bản địa. Và hơn hết, tôi luôn mong muốn sản phẩm du lịch cộng đồng phải thực sự tạo ra công ăn việc làm, thay đổi tư duy của người dân, giúp họ cải thiện kinh tế của bản thân, gia đình. Sau nhiều năm hoạt động, điều chúng tôi cảm thấy tự hào là đã tạo thu nhập ổn định cho những hộ dân đồng hành cùng mình. Trong những mùa cao điểm, mỗi tháng, hộ tham gia có thu nhập trung bình từ 15 đến 20 triệu đồng.
Anh từng nói “Mekong Rustic không bán phòng, mà bán trải nghiệm” và du khách sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương?
– Đúng vậy. Chúng tôi không bán phòng, mà bán trải nghiệm. Vì phòng thì có ở khắp mọi nơi, khách có thể ở bất cứ đâu, nhưng trải nghiệm và cảm xúc mới là yếu tố tạo nên sự khác biệt.
Tôi muốn giới thiệu cho du khách văn hóa bản địa thực sự của người dân địa phương chứ không phải hoạt động sắp đặt. Chẳng hạn, ở đây mỗi nhà vườn thường chỉ trồng 1-2 loại để có sản lượng lớn làm thương mại. Nhưng tôi chọn hợp tác với anh Hai, một chủ vườn trồng rất nhiều loại trái cây, anh không đặt nặng việc thu hoạch số lượng lớn để bán cho thương lái. Nào xoài, vú sữa, chôm chôm, ổi, cóc, roi, sa kê… khi du khách vào vườn, họ sẽ thấy lúc nào cũng có trái cây chín để được tự tay hái và thưởng thức chúng. Hay mỗi loại cây lại có nhiều loại như sầu riêng ri6 và sầu riêng khổ qua khác nhau về mùi vị, hình dáng, cách ăn như thế nào. Chẳng hạn, sầu riêng Ri6 bổ ra có cơm vàng, hạt lép còn sầu riêng khổ qua thì quả nhỏ hơn, có màu đen, cơm vàng nhạt và hạt to. Hơn cả một chuyến đi, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa một cách sâu sắc nhất.
Với tôi, Mekong Rustic không chỉ là chuyến du lịch về miền quê đồng bằng sông Mekong mà còn là ước mơ về cuộc sống an yên và gìn giữ văn hóa bản địa cho các thế hệ tiếp theo.
Du khách luôn được chào đón như những người thân đi xa lâu ngày trở về. Để rồi chính những du khách phương xa, sau khi cảm nhận được tình cảm và sự hào sảng của người dân địa phương đã trở thành tình nguyện viên dạy người dân địa phương tiếng Anh, giúp họ thay đổi nhận thức về du lịch cộng đồng và du lịch có trách nhiệm. Như anh Matej Plsek (Cộng hòa Séc), một tình nguyện viên từng đến Mekong hai lần và coi đây như quê hương thứ 2 của mình.
Chúng tôi cũng kết hợp với một số tổ chức phi chính phủ tập huấn cho cả người dân và du khách ý thức về bảo vệ môi trường. Khách nước ngoài đến đây có thể dạy trẻ con xung quanh tiếng Anh… Họ thấy sự nhân văn, trách nhiệm cộng đồng trong hành trình khám phá Việt Nam…
Vài năm trước, có người nói tôi bỏ Hà Nội vào đồng bằng sông Mekong là quyết định sai lầm. Giờ Mekong Rustic đã đón rất nhiều du khách trong và ngoài nước, có thời điểm trước Covid-19 còn quá tải.
Là chuyên gia tư vấn cao cấp, từng trực tiếp tham gia xây dựng các chương trình, dự án về du lịch sinh thái cộng đồng khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, anh đã làm thế nào để thay đổi tư duy của người dân?
– Làm việc với người dân thì không thể chỉ nói mà phải làm và phải hành động trước. Phải đầu tư, phải đưa khách đến, mang cho họ thu nhập trước, thì họ mới tin và làm theo. Khi tư vấn cho các địa phương, tôi luôn đáu đáu để làm sao duy trì được dự án bền lâu. Khi xong dự án, tôi vẫn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ người dân địa phương có du khách, thậm chí đầu tư cơ sở lưu trú, dịch vụ tại đó.
Du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp sẽ tạo được sinh kế cho người dân, để họ giữ nghề truyền thống và các thế hệ sau này không phải bỏ nghề. Du lịch nông nghiệp là cách xuất khẩu tại chỗ, giảm áp lực đầu ra cho người dân, lan tỏa văn hóa bản địa, tạo sinh kế, giúp địa phương phát triển kinh tế bền vững.
Khó khăn là phải đào tạo ra được những người ban đầu phát triển du lịch cộng đồng ở đó. Tiếp theo, phải định hình xây dựng những sản phẩm du lịch dựa trên những gì địa phương đang có. Sau đó là kết nối với các doanh nghiệp du lịch, vận chuyển, lữ hành… Đặc biệt, truyền thông cũng rất quan trọng, tôi cũng cố gắng để hướng dẫn mỗi người dân trở thành “đại sứ” du lịch cho điểm đến bằng cách chụp những cảnh sinh hoạt, cảnh đẹp tại địa phương rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội. Tất nhiên, truyền thông không gấp, không vội được, nhưng đó là cách hiệu quả và không tốn chi phí.
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, nhưng lâu nay, du lịch nông nghiệp dường như còn khá mờ nhạt, tại sao vậy, thưa anh?
– Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) hợp tác với Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phát triển du lịch nông nghiệp. Tôi đang điều phối dự án này tại Việt Nam và nhận thấy, nếu chỉ hỗ trợ nông nghiệp cho Việt Nam thôi thì sẽ không hiệu quả bằng việc xây dựng hẳn một sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Thực tế, đây cũng là xu thế của thế giới, cho nên chúng tôi nghiên cứu xem chỗ nào làm được nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp chất lượng cao. Cuối cùng, Cà Mau được chọn. Chúng tôi cũng trao đổi với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về việc phát triển như thế nào. Tôi thấy còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai cả về mặt nhận thức và hành động.
Về nhận thức, tôi nhận thấy những người quản lý về nông nghiệp không có kiến thức về du lịch còn những người quản lý du lịch lại không có kiến thức nền về nông nghiệp. Tôi đưa ra giải pháp phải có Ủy ban hỗn hợp giữa nông nghiệp và du lịch. Tức là phải có những người có kiến thức về phát triển sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch nông nghiệp. Nhưng đến nay vẫn chưa có tổ chức như vậy.
Tôi ví dụ mấy năm gần đây, chúng ta nói nhiều đến sản phẩm OCOP. Nhưng OCOP là gì thì chỉ những người làm nông nghiệp hiểu, người làm du lịch không tìm hiểu sâu thì không biết. Người làm nông nghiệp không biết làm thể nào để gắn với du lịch. Còn người làm du lịch chỉ biết nông nghiệp có cái này, cái kia, khách thích thì kết hợp vào tour. Nói cách khác, sản phẩm không có sự đầu tư bài bản, liên kết chặt chẽ.
Phát triển du lịch nông nghiệp ở đồng bằng sông Mekong, tài nguyên không phải bàn nhiều. Điều quan trọng nhất là nguồn nhân lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp thiếu và yếu. Đặc biệt, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ, thuốc tăng trưởng dùng tràn lan và đã đến mức phụ thuộc vào phân thuốc, dẫn đến đất không đảm bảo sạch để làm nông nghiệp hữu cơ.
Cho nên, ngành du lịch và ngành nông nghiệp phải ngồi lại với nhau để xây dựng chính sách hỗ trợ những người làm về du lịch nông nghiệp hoặc làm sao để có những quỹ start-up và những người khởi nghiệp với du lịch nông nghiệp.
Thưa anh, nhưng để du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp phát huy đúng tiềm năng vốn có, điều gì là quan trọng nhất?
– Sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý du lịch rất quan trọng. Cơ quan xúc tiến đóng vai trò như cầu nối quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch. Các địa phương nên chọn các khu vực đa dạng về nông nghiệp, văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, trong du lịch cộng đồng, người dân là trụ cột quan trọng. Phải làm sao để các hộ dân phát huy hết thế mạnh, chuẩn hóa dịch vụ là điều tôi luôn trăn trở. Việc đầu tiên cần làm là phải thay đổi tư duy của người dân về tài nguyên du lịch.
Người dân vẫn nghĩ rằng cánh đồng lúa, vườn trái cây họ thấy hằng ngày quá đỗi bình thường. Họ không nhận ra những điều tưởng chừng không có gì đặc biệt ấy lại mang ý nghĩa to lớn với du khách. Cho nên, làm giúp người dân nhận thấy tài nguyên nông nghiệp, văn hóa vốn có sẽ mang lại thu nhập bền vững thì họ sẵn sàng tham gia.
Tiếp theo, phải hướng dẫn người dân đa dạng sản phẩm du lịch cộng đồng, nâng cấp chất lượng dịch vụ của địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng và kỹ năng làm du lịch để đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả ngày càng cao của du khách theo hướng cá nhân hóa, ăn nông sản hữu cơ, ở tiện nghi.
Còn các doanh nghiệp, khi đến một địa phương không nên chỉ tận dụng tài nguyên để phát triển kinh doanh mà phải mang lại lợi ích cho người dân bằng: thu nhập, nhận thức, tinh thần và văn hóa. Đồng thời, cần thể hiện vai trò cầu nối giữa du khách và địa phương. Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò định hướng chất lượng của dịch vụ cũng như hỗ trợ quá trình trao đổi văn hóa giữa du khách và người dân. Từ đó, người dân có thể tiếp thu những mặt tích cực, kiến thức mới, cải thiện cuộc sống của chính bản thân, gia đình và phát triển kinh tế địa phương. Từ đó, tạo nên cộng đồng du lịch có trách nhiệm.
Có một vấn đề nữa là hiện nay ở các vùng, miền, sản phẩm du lịch na ná nhau. Để khắc phục được điểm yếu này, nhất định phải có quy hoạch chung của các vùng. Ví dụ, đồng bằng sông Cửu Long phải có quy hoạch cả vùng rồi mới làm quy hoạch từng tỉnh, theo thế mạnh. Tỉnh nào không có thế mạnh phát triển du lịch thì thôi, không nên cố. Nếu tỉnh nào cũng quy hoạch du lịch miệt vườn thì sẽ bị loãng và gây nhàm chán.
Việc quy hoạch sản phẩm du lịch vùng cực kỳ quan trọng và liên quan đến quy hoạch tổng thể từ đó phân ra các lĩnh vực, trong đó du lịch.
Mekong Rustic giờ đây được xem như một mô hình kiểu mẫu về phát triển du lịch cộng đồng, anh có tính chuyện nhân rộng ra các vùng, miền khác?
– Tôi luôn khát khao được hợp tác chặt chẽ với các địa phương, các chuyên gia trong việc phát triển hệ thống du lịch cộng đồng, đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho người dân, xoay quanh các giá trị nông nghiệp và nâng cao sức khỏe cộng đồng trong tương lai.
Tôi đã có kế hoạch mở rộng Mekong Rustic Cái Bè thêm khu vực 4 sao với 15 bungalows cao cấp bên cạnh những homestay và nhà dân tham gia hoạt động. Du khách có nhiều lựa chọn khi ngủ chung nhà cùng người dân hoặc ngủ riêng tại bungalows giữa vườn cây ăn trái.
Tôi cũng đang ấp ủ thực hiện dự án Mekong Rustic tại Lâm Bình (Tuyên Quang), quy mô 4ha. Chỉ là vốn lưu động hạn chế sau tác động nặng nề của Covid-19 nên vẫn chưa thể tiến hành xây dựng. Mới đây tôi cũng đi khảo sát Pù Luông (Thanh Hóa) để nhân rộng Mekong Rustic tại điểm đến đang khá hot này.
Với những quan sát, nghiên cứu tỉ mỉ của mình, xin anh chia sẻ, trên thế giới, có những nơi nào, nước nào, mô hình nào… làm tốt du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đáng để Việt Nam tham khảo, học tập?
– Trên thế giới loại hình du lịch nông nghiệp phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Mỗi quốc gia lại có những tên gọi khác nhau. Ở Anh là “Rural tourism”- du lịch nông thôn, Mỹ là “Homestead”- du lịch trang trại, Nhật Bản là “Green tourism” du lịch xanh, còn ở Pháp là “Tourism de verdure”- du lịch với cỏ cây…
Bên cạnh tên gọi, sự hình thành và phát triển của du lịch nông nghiệp ở mỗi quốc gia cũng có sự đa dạng và cách thức triển khai khác nhau đáng kể. Đơn cử, tại Israel, du lịch nông nghiệp là hình thức giáo dục bắt buộc từ sớm cho trẻ em.
Tại Mỹ, hàng năm thường tổ chức nhiều sự kiện lớn về du lịch nông nghiệp. Hiện nay, theo thống kê mỗi năm, người Mỹ chi khoảng hơn 800 triệu USD cho các hoạt động du lịch nông trại. Con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng khi diện tích dành cho nông nghiệp ngày càng ít đi.
Tại Áo, du lịch nông nghiệp được tổ chức một cách rất chuyên nghiệp dù lượng người làm nghề nông ở quốc gia này chỉ chiếm 3% dân số.
Ở Hàn Quốc, các tour du lịch nông nghiệp đã được triển khai từ năm 2006 và được xem như một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp chủ yếu nhằm giúp người nông dân bù đắp sự giảm sút thu nhập từ nông nghiệp, đồng thời mang lại cho nông nghiệp Hàn Quốc những chức năng mới được tạo ra bởi những nhu cầu phát sinh từ mối gắn kết nông thôn với thành thị…
Tại Quảng Tây (Trung Quốc), từ năm 2007, chính quyền địa phương đã xây dựng hơn 15 tuyến du lịch nông nghiệp đặc sắc với 251 vườn du lịch sinh thái nông nghiệp có tác dụng làm tăng thu nhập của người dân bản địa và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), đã xây dựng 133 các khu vườn du lịch nông nghiệp, tạo việc làm cho 14,5 nghìn người, doanh thu hàng năm lên tới 132 triệu nhân dân tệ…
Và tôi đặc biệt tâm đắc với mô hình farmstay kết hợp homestay The Nakajimas của Nhật Bản. Bởi nó tác động đến phát triển du lịch cộng đồng cũng như mang lại sự phát triển kinh tế địa phương bền vững. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm vùng nông thôn Nhật Bản, sống với một gia đình Nhật Bản và thưởng thức các bữa ăn do người dân bản địa nấu tại nhà…
Ngay tại Việt Nam, Greenfield Farmstay tọa lạc trên cung đường 22, QL56, Hoà Long, Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là một mô hình được đánh giá cao. Đây là nông trại xanh độc đáo với thiết kế theo phong cách hoàn toàn mới của nông trại Nhật Bản, sự kết hợp đặc biệt giữa truyền thống và hiện đại. Du khách tới đây sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động, trò chơi thú vị như: Cưỡi ngựa, thăm quan và cho các loại thú nuôi ăn, thăm vườn dưa lưới, những vườn rau xanh mướt ngay tại nông trại. Đặc biệt là cuộc sống ở ngôi nhà trên cây độc đáo, vừa mộc mạc, gần gũi thiên nhiên nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi hiện đại.
Hậu Covid-19, không chỉ gặp vấn đề về vốn, nhân sự cũng là một trong những bài toán khó giải của hầu hết các doanh nghiệp du lịch, ở Mekong Rustic thì sao?
– Khi tuyển nhân sự, tôi không phỏng vấn quá nhiều mà tặng cho người đó một chuyến đi tới Mekong Rustic trải nghiệm 2-3 ngày. Nếu bạn ấy cảm thấy thích thì sẽ nói chuyện tiếp và ký hợp đồng, nếu không thích thì dừng luôn. Sau đó có rất nhiều người từ thích đến yêu, đam mê và gắn bó đến tận bây giờ.
Thậm chí, năm 2020 và 2021 vô cùng khó khăn do Covid-19, ngay cả khi đã dùng hết quỹ lương, nhưng có rất nhiều nhân viên nói rằng dù không trả lương nữa thì họ vẫn tiếp tục làm việc, bởi vì những giá trị mà chúng tôi mang lại cho cộng đồng cho địa phương, cho cộng đồng rất lớn và họ cũng mong muốn được cống hiến.
Điều đó càng khiến tôi cảm thấy bản thân mình phải có trách nhiệm hơn nữa để làm sao giữ vững được những giá trị tốt đẹp ấy.
Hậu Covid-19, nguồn nhân lực du lịch đang thiếu trầm trọng. Cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã ký kết hợp tác với Khoa Du lịch, Đại học Nguyễn Trãi nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ chế đặc thù “Giảng đường doanh nghiệp”, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Hơn hai năm dịch bệnh vừa qua, anh đã làm gì, nhất là trong lúc thị trường du lịch quốc tế đóng băng?
– Tôi vẫn có nhiều mảng kinh doanh khác và làm việc cho các tổ chức phi Chính phủ như tham gia dự án giảm rác thải nhựa đại dương. Tôi cũng hoàn thành cuốn Handbook về hướng dẫn cách giảm rác thải nhựa cho các khách sạn, công ty du lịch. Tôi vui vì những việc mình làm vừa mang lại giá trị cho địa phương, vừa hữu ích với những dự án phát triển du lịch cộng đồng mình đam mê và theo đuổi.
Trải qua hơn 2 năm dịch bệnh, tôi nhận thấy, Covid-19 mang đến nhiều cơ hội hơn khó khăn. Khó khăn chung của tất cả mọi người lại là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại điểm mạnh, điểm yếu, nhu cầu của du khách để phuc vụ họ tốt hơn. Cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ có thể bứt phá, thay đổi cuộc chơi, sau thời gian dài các “ông lớn”đã chiếm hết thị phần.
Anh có thể bật mí bí kíp thành công của mình?
– Ba tiêu chí về phát triển kinh doanh như chiếc “kiềng ba chân” giúp tôi luôn vững niềm tin với đam mê du lịch chính là: Làm kinh doanh phải mang lại lợi nhuận; làm công việc mình cảm thấy yêu thích và những người làm với mình phải yêu thích công việc đó; hoạt động kinh doanh phải mang lại những giá trị cho bản thân, cho những người xung quanh và cộng đồng xã hội.
Đó cũng là những tiêu chí khi tôi xác định hợp tác với các đối tác. Bởi, chỉ khi yêu thích công việc, mới có thể phát triển nó lên tới một tầm cao chứ không phải đi làm để kiếm sống.
Anh làm thế nào để tự tạo năng lượng và sự sáng tạo cho bản thân?
– Buổi tối trước khi đi ngủ tôi thường thiền. Đó chỉ là cách mình tập trung vào hơi thở nhưng lại giúp tôi tràn đầy năng lượng vào sáng hôm sau.
Tôi cũng luôn luôn suy nghĩ và hướng đến lan toả những điều tích cực. Bên cạnh đó, mọi kế hoạch của tôi đều có mục đích và trong mọi hoàn cảnh, tình huống thì mình sẽ có mục tiêu phù hợp. Chẳng hạn Covid-19 ập đến, mình sẽ tập trung vào gia đình, con cái.
Quan điểm của anh về đầu tư cho con cái như thế nào?
– Vợ chồng tôi sẽ không để lại tiền cho con mà dự định đầu tư lại cho xã hội với các hoạt động xây trường học, tạo sinh kế cho người nghèo…
Tiền không tiêu đúng cách sẽ nhanh hết thôi. Chúng tôi muốn xây dựng cho các con mối quan hệ, nền tảng để chúng tự phát triển và muốn chúng nhìn thấy những gì bố mẹ mang lại cho cộng đồng chứ không phải để lại cho mình bao nhiêu cái nhà, bao nhiêu ha đất, bao nhiêu cái xe….