Căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật: Hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được ưu tiên sử dụng vào vị trí công tác phù hợp với nhu cầu của quân đội theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Căn cứ Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.
Như vậy, công dân đi nghĩa vụ quân sự thì được hưởng những quyền lợi sau:
Thứ nhất, khi phục vụ tại ngũ.
Được nghỉ phép năm quy định tại Điều 3 Nghị định 27/2016/NĐ-CP như sau:
Công dân phục vụ tại ngũ từ tháng thứ mười ba trở đi thì được nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.
Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho nghỉ phép thì được thanh toán bằng tiền. Mức tiền thanh toán một ngày không nghỉ phép bằng mức tiền ăn cơ bản một ngày của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh.
Công dân phục vụ tại ngũ đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.
Chế độ phụ cấp thêm và chế độ phụ cấp khuyến khích quy định tại Điều 4 Nghị định 27/2016/NĐ-CP như sau: Ngoài chế độ phụ cấp quân hàm được hưởng theo quy định, công dân phục vụ tại ngũ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ thì từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
Chế độ, chính sách khác quy định tại Điều 5 Nghị định 27/2016/NĐ-CP như sau:
Được miễn tiền cước khi chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện; được cấp 04 tem thư/tháng, giá tem thư theo quy định và được cấp cùng kỳ phụ cấp quân hàm hàng tháng.
Trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội thì được tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ theo quy định hiện hành.
Có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa, sức khoẻ, độ tuổi thì được tham gia tuyển sinh theo quy định và được cộng Điểm ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định hiện hành.
Thứ hai, khi xuất ngũ.
Tại Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần như sau:
Được nhận trợ cấp xuất ngũ một lần: Cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
Được trợ cấp thêm 2 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng
Được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở tương đương 10.800.000 đồng.
Được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ, mức chi 50.000 đồng/người.
Được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.
Tại Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định công dân khi xuất ngũ được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Ngoài ra, công dân tốt nghiệp đại học nếu có trình độ chuyên môn, kỹ thuật khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được ưu tiên sử dụng vào vị trí công tác phù hợp với nhu cầu của quân đội theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cụ thể ngành, nghề chuyên môn, kỹ thuật được ưu tiên sử dụng như sau (Quy định tại Điều 3 Thông tư 220/2016/TT-BQP):
– Khoa học máy tính;
– Truyền thông và mạng máy tính;
– Kỹ thuật phần mềm;
– Hệ thống thông tin;
– An ninh, an toàn mạng;
– Luật dân sự và tố tụng dân sự;
– Luật hình sự và tố tụng hình sự;
– Luật kinh tế;
– Luật quốc tế;
– Khoa học môi trường;
– Khí tượng học;
– Thủy văn;
– Hải dương học;
– Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài: Anh; Pháp; Nga; Đức; Trung Quốc; Nhật Bản; Hàn Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á;
– Ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam;
– Công nghệ điện ảnh – truyền hình;
– Bảo tàng;
– Quay phim;
– Thiết kế âm thanh – ánh sáng;
– Múa;
– Thanh nhạc;
– Nhạc cụ;
– Nhiếp ảnh;
– Văn thư – Lưu trữ;
– Thể dục thể thao;
– Tài chính; Kế toán;
– Chế biến lương thực, thực phẩm;
– Y đa khoa;
– Y học dự phòng;
– Y học cổ truyền;
– Kỹ thuật hình ảnh;
– Xét nghiệm;
– Dược học;
– Hóa dược;
– Điều dưỡng, Răng – Hàm – Mặt;
– Xây dựng;
– Kiến trúc;
– Cơ khí;
– Điện, Điện tử và Viễn thông;
– Hóa học, Trắc địa;
– Vật liệu;
– Phòng cháy chữa cháy.
T.M